Bổ sung thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật đối với người đã về hưu

14/03/2017 06:01

(kiemsat.vn)
Sáng 14/3, tại Phiên họp thứ 8, UBTV Quốc hội đã tiến hành lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố cáo. Đáng chú ý là nhiều ý kiến đề xuất bổ sung thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật đối với người đã về hưu.

Ủy ban thường vụ quốc hội họp
   Ủy ban thường vụ quốc hội họp

Nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất giải quyết đơn thư tố cáo nặc danh

Tại phiên họp sáng nay, vấn đề được nhiều đại biểu tập trung thảo luận khi cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố cáo đó là có nên quy định mở rộng các hình thức tố cáo qua fax, email, điện thoại và có nên giải quyết tố cáo nặc danh.

Chính phủ cho rằng, những năm qua, cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh, trong đó gần 60% là tố cáo sai. Do đó, nếu Luật quy định cả việc giải quyết tố cáo nặc danh nữa, sẽ gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh, sai sự thật thì sẽ không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo. Đa số ý kiến đồng tình với quy định của dự thảo Luật, song có ý kiến đề nghị cần cân nhắc để có quy định với những đơn tố cáo nặc danh nhưng có hồ sơ, chứng cứ rõ ràng.

Cho ý kiến vào dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, về nguyên tắc thì chúng ta giải quyết đơn có danh nhưng đối với những đơn tố cáo nặc danh có địa chỉ rõ ràng, có sự việc rõ ràng thì đề nghị phải có hình thức để xem xét. Vì trong thực tế hiện việc bảo vệ người tố cáo của chúng ta chưa tốt, cho nên nhiều trường hợp người ta ngại lộ danh tính sẽ bị trả thù.

Phó Chủ nhiệm UB An ninh Quốc phòng, Thượng tướng Võ Trọng Việt chia sẻ: Làm nghề này rất vất vả, phức tạp và áp lực nhưng trên mặt trận nóng bỏng này mà giữ vững ổn định như những năm qua là có sự đóng góp của các đồng chí. Vì, cán bộ có tiêu cực ở ta thường rất tinh vi, trên cả tài của thanh tra, kiểm tra và đội ngũ cán bộ có “tật” đó có ý sáng kiến sáng tạo xây dựng đất nước chưa nhiều, còn sáng kiến đối phó với nhà nước thì nhiều hơn, Luật gì cũng lách được, cũng vận dụng được.

Theo quan điểm của Ông Việt thì có 3 đối tượng trong Luật này điều chỉnh là: “Thứ nhất là người giữ chức vụ trong cơ quan nhà nước: Cơ chế kiểm soát quyền lực của ta chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Quy định chịu trách nhiệm của người đứng đầu chưa rõ, cái đáng phải làm ko làm, cái không cho làm thì lại làm. Tuyệt đại cán bộ lãnh đạo là tốt, nhưng ko ít người tham lam, thất đức với cán bộ cấp dưới, lại có thủ đoạn tinh vi. Giờ lại có chuyện nếu đơn thư mạo danh ko làm thì lại càng thuận lợi cho bộ phận nhỏ nhưng vô cùng nguy hiểm. Đó là cơ chế sở hở.

Đối tượng thứ 2 là người khiếu nại tố cáo, cơ chế không bảo đảm quyền và tính mạng cho người ta. Tôi đã chứng kiến trường hợp dân đi kiện bị thuê cả giang hồ khống chế, dân thì nhụt ý chí, còn cán bộ công chức thì vì miếng cơm manh áo ko dám tố cáo dù biết thủ trưởng có nhiều cái sai, vì tố cáo họ bị trù dập thì ai bảo vệ đâu. Cha ông ta đã nói “Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt”.

Đối tượng thứ 3 là người đi giải quyết khiếu nại tố cáo, đa số tốt nhưng không ít người lợi dụng cơ hội làm ăn”.

Ông cũng đồng ý với Chính phủ đã trình là chỉ giải quyết những đơn thư chính thống. Quy định trường hợp nguy hiểm, đặc biệt thì xem xét, có chứng cứ, có dấu hiệu thì làm sẽ tạo sơ hở cho một số cán bộ đi giải quyết tố cáo làm bậy.

Nhiều người tố cáo sai nhưng cố tình gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Luật pháp đảm bảo tôn trọng quyền công dân, quyền con người, nhưng con người vi phạm cũng phải xử lý. Quan điểm tôi là chưa nên đưa chuyện tố cáo nặc danh vào. 70 năm rồi, giờ mình làm luật mà mấy ông về hưu rồi vẫn không xử được, rất khó khăn, Luật cần hoàn thiện dần, sai cái gì thì sửa cái đó. Bên cạnh đó phải giám sát đội ngũ đi giải quyết khiếu nại tố cáo.

“Người nào vi phạm pháp luật dù về hưu hay chuyển công tác nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của mình khi còn đương chức”

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Về các hình thức tố cáo, tôi cho rằng ý kiến của Chính phủ không bổ sung hình thức tố cáo khác như điện thoại, email, fax… là chưa đảm bảo tính thống nhất với Luật phòng chống tham nhũng, vì Luật phòng chống tham nhũng cho phép mở rộng hình thức tố cáo, tạo điều kiện cho người dân sử dụng quyền tố cáo. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng việc tố cáo bằng tin nhắn gửi liên tục không khác gì khủng bố tinh thần. Cho nên phải quy định rõ ràng về vấn đề này, tức là người dân gửi tố cáo bằng email hay điện thoại thì cũng phải gửi đến cho đúng người, chứ không được gửi lung tung, tố cáo một người nhưng gửi tin nhắn cho hàng trăm người.

Do vậy luật phải quy định rõ và nghiêm cấm việc gửi tin nhắn tố cáo cho tất cả nhiều người. Người nào gửi tin nhắn hay email tố cáo đến đúng địa chỉ, cho đúng người có thẩm quyền thì được xử lý, còn gửi linh tinh thì không xem xét.

Về qui định chưa nên quy định về việc giải quyết đối với tố cáo nặc danh, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, những đơn thư tố cáo nặc danh có nội dung rất cụ thể thì chúng ta phải có trách nhiệm. Đơn nặc danh nhưng trong đơn có địa chỉ cụ thể, nội dung rõ ràng thì phải xem xét. Người ta đã chuyển đơn cho mình mà mình không xử lý thì không có trách nhiệm. Đơn tố cáo nặc danh mà có thông tin rõ ràng thì phải giải quyết.

Chủ tịch Quốc hội cũng thống nhất với việc dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức nay đã nghỉ hưu hoặc đã chuyển công tác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức. Việc này thể hiện rõ quan điểm, người nào vi phạm pháp luật dù về hưu hay chuyển công tác nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của mình khi còn đương chức.

“Muốn xử lý, xác định việc này thì phải xác định rõ cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết. Vừa rồi chúng ta cũng phải giải quyết một số trường hợp bị kỷ luật dù đã về hưu, Quốc hội rất tán thành việc này” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Sơn Tùng

Chánh án TAND tối cao trả lời thẳng thắn, rõ ràng các ý kiến chất vấn

(Kiemsat.vn) – Sáng 18/11, Chánh án TANDTC đăng đàn trả lời chất vấn từ 8h đến 11h30. Trong buổi sáng đã có 30 ý kiến chất vấn, 10 ý kiến được tranh luận của ĐBQH tại hội trường với ông Nguyễn Hòa Bình, còn 11 ý kiến sẽ gửi cho Chánh án TAND tối cao để trả lời bằng văn bản.

Lương cơ sở tăng lên 1.39 triệu đồng/tháng từ 01/7/2018

(Kiemsat.vn) – Sáng ngày 13/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về sự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Theo Nghị quyết, từ 1/7/2018, sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.3 triệu đồng/tháng lên 1.39 triệu đồng/tháng.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang