Bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình: Không phải chuyện riêng của mỗi nhà

02/11/2018 14:25

(kiemsat.vn)
Xã hội càng phát triển, vai trò, vị trí của phụ nữ, trẻ em ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng “trọng nam, khinh nữ”, bạo lực gia đình, đặc biệt ở các vùng nông thôn vẫn còn xảy ra nhiều. Do đó, việc tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng là rất cần thiết để công tác phòng, chống bạo lực gia đình đạt hiệu quả.

Bạo lực gia đình đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quyền con ngư­ời, gây tổn hại cho sức khoẻ, lòng tự trọng, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đe dọa đến an ninh, chất lượng cuộc sống trong mỗi gia đình, gây nhức nhối trong xã hội.

Nguyên nhân chính của hành vi bạo lực gia đình bắt nguồn từ sự bất bình đẳng giới, tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" và một số tư tưởng lạc hậu. Một trong các yếu tố dẫn đến bạo lực gia đình đó là do thiếu hiểu biết pháp luật, do không nhận thức được bạo lực gia đình là vi phạm quyền con người, vi phạm pháp luật. Khó khăn về kinh tế cũng là một trong những yếu tố có nguy cơ dẫn đến bạo lực gia đình. Nó thường tạo ra các áp lực dẫn tới các mâu thuẫn, tranh chấp nếu không biết cách xử lý phù hợp.

Luật Bình đẳng giới được Quốc hội khóa IX thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 29/10/2006. Luật này quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan tổ chức, gia đình, cá nhân trong thực hiện bình đẳng giới.

Ngày 21/11/2007, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình số 02/2007/QH11 quy định về phòng ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng chống bạo lực gia đình và xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình.

Cả hai luật gửi đi thông điệp rõ ràng: Bình đẳng giới trước hết là bình đẳng về cơ hội việc làm, cơ hội tiếp cận với đào tạo và phát triển, bình đẳng trong đối xử như trả công lao động, các chế độ trợ cấp, phúc lợi, vị thế trong gia đình và trong xã hội… Bạo lực gia đình là hành vi vi phạm pháp luật và không phải là việc riêng của từng gia đình; bằng sự tác động của luật pháp, các nạn nhân được bảo vệ, hành vi bạo lực gia đình phải được ngăn chặn kịp thời.

Theo số liệu thống kê, từ ngày 01/12/2007 đến 31/11/2017 các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Cần Thơ khởi tố và giải quyết 64 vụ/69 bị can về các tội liên quan đến hành vi bạo lực gia đình: Giết người 42 vụ/45 bị can; cố ý gây thương tích 08 vụ/08 bị can; hiếp dâm trẻ em 06 vụ/06 bị can; cưỡng dâm 01 vụ/01 bị can; dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm tội và môi giới mại dâm 01 vụ/02 bị can; trộm cắp tài sản 02 vụ/02 bị can; cướp tài sản 02 vụ/ 03 bị can; hủy hoại tài sản 02 vụ/ 02 bị can.

Bạo lực gia đình là một khái niệm rất rộng, bao gồm những hành vi bạo lực về thể xác, tinh thần, kinh tế và tình dục. Dù xét dưới góc độ nào thì kẻ sử dụng bạo lực cũng gây tổn thương đến người phải hứng chịu bạo lực (Ảnh: internet)

Thực tế cho thấy, nhiều người vẫn coi bạo lực gia đình là vấn đề riêng của mỗi nhà và người ngoài không nên can thiệp. Đây là nguyên nhân khiến họ chịu đựng sự ngược đãi mà không muốn cho người ngoài biết. Vì vậy, bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em đang là hiện tượng phổ biến nhưng lại khó phát hiện và khó áp dụng chế tài pháp luật để xử lý.

Trong những năm qua, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Cần Thơ đã thụ lý giải quyết rất nhiều vụ, việc xin ly hôn nhưng rất ít vụ đề cập đến mâu thuẫn do bạo lực gia đình. Những người trong cuộc chỉ đưa ra lý do; do bất đồng quan điểm sống, mâu thuẫn về kinh tế, ngoại tình… họ luôn tránh né về những hành vi bạo lực đã xảy ra với họ. Ngoài ra, tệ nạn xã hội cũng là những yếu tố nguy cơ dẫn tới bạo lực gia đình (Ví dụ như: rượu bia, cờ bạc, nghiện hút, mại dâm…).

Theo Điều 6 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Nhà nước cần thực hiện các chính sách sau để thúc đẩy hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình:

- Bố trí ngân sách hàng năm cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

- Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, tài trợ cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; phát triển các mô hình phòng ngừa bạo lực gia đình và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.

- Khuyến khích việc nghiên cứu, sáng tác văn học, nghệ thuật về phòng, chống bạo lực gia đình.

- Tổ chức, hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lưc gia đình.

- Người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình mà có thành tích thì được khen thưởng. Nếu bị thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng và tài sản thì được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật.

Những hành vi xâm phạm về vật chất có thể còn khắc phục được hoặc khắc phục được phần nào cho người bị hại, nhưng những hành vi làm tổn thất về tinh thần, đạo đức thì không gì bù đắp mà còn gây ra những hậu quả vô hình khác về sau này. Do vậy, về nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình, ta lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hoà giải phù hợp với truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Khi phát hiện hành vi bạo lực gia đình, mọi người đều phải có trách nhiệm báo tin kịp thời cho cơ quan Công an nơi gần nhất, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực. Đối với nhân viên y tế hoặc nhân viên tư vấn trong quá trình chăm sóc hay tư vấn cho nạn nhân bạo lực gia đình, nếu phát hiện hành vi bạo lực gia đình có dấu hiệu tội phạm thì phải báo ngay cho người đứng đầu cơ sở để báo cáo cho cơ quan Công an gần nhất.

Việc tuyên truyền, giáo dục qua kênh truyền thông đóng vai trò rất quan trọng. Thông qua truyền thông mọi người sẽ được tiếp cận với những kiến thức, thông tin cần thiết, từ đó thay đổi hành vi, thói quen ứng xử, lối sống theo hướng tích cực, tiến bộ.

Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Các hành vi bạo lực gia đình được quy định tại Khoản 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 gồm:

- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng.

- Lăng mạ hoặc có hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

- Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng.

- Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.

- Cưỡng ép quan hệ tình dục.

- Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.

- Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình.

- Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính.

- Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

Xem thêm>>>

Xử lý thế nào đối với người có hành vi bạo lực gia đình

Cấm người có hành vi bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang