Khi “ma men” lái xe: Những chén rượu đánh đổi cuộc đời

01/11/2018 08:09

(kiemsat.vn)
Tình trạng uống rượu bia khi lái xe và gây tai nạn giao thông vẫn luôn là vấn đề “đau đầu” ở nước ta. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân lớn khiến tình trạng này không “thuyên giảm” là do chế tài xử lý còn quá nhẹ khiến tài xế nhờn luật. Khi “ma men” vẫn còn nhởn nhơ phóng xe trên đường, nghĩa là lúc đó vẫn còn nhiều người phải di chuyển trong sự bất an; thậm chí bị đe dọa tính mạng.

Từ bàn nhậu đến những vụ tai nạn kinh hoàng

Những ngày qua, dư luận không khỏi bàng hoàng về vụ tai nạn giao thông liên hoàn xảy ra tại Tp. Hồ Chí Minh. Hình ảnh người nằm la liệt bên chiếc ô tô đã nát bét phần đầu và những chiếc xe máy biến dạng gây xót xa, ám ảnh.

Trước đó, đêm 21/10, chiếc xế hộp hạng sang do một người phụ nữ điều khiển chạy trên đường Điện Biên Phủ, hướng quận 3 đi cầu Sài Gòn khi đến ngã tư Hàng Xanh bất ngờ mất lái, tông vào 05 xe máy và 02 taxi đang lưu thông cùng chiều.

Hiện trường vụ tai nạn tối 21/10 tại ngã tư Hàng Xanh làm 01 người chết, 05 người bị thương (Ảnh: Báo Lao động)

Vụ tai nạn khiến 01 người tử vong tại chỗ, 05 người khác trong tình trạng nguy kịch. Điều đáng nói, người phụ nữ này có biểu hiện sử dụng bia, rượu khi điều khiển phương tiện. Nồng độ cồn của đối tượng lên tới 0,94mg/lít khí thở, vi phạm nghiêm trọng quy định về nồng độ cồn trong máu (gấp 04 lần mức cho phép). Đối tượng hiện đã bị khởi tố về hành vi “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo khoản 2, Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015.

Ôtô bốc cháy trên đường Võ Văn Kiệt, Q.5, TP.HCM sau khi tài xế say rượu tông chết người rồi bỏ chạy (Ảnh:  BáoTuổi trẻ)

Rượu bia là chất kích thích gây hưng phấn khiến người lái chạy xe với tốc độ cao. Lái xe sau khi uống rượu bia sẽ làm tăng cảm giác buồn ngủ, giảm khả năng tự chủ, phản xạ của lái xe. Nguy hiểm như vậy nhưng rất nhiều người vẫn “điếc không sợ súng”, khi vào cuộc vui dường như không ai nghĩ đến những hậu quả có thể xảy ra khi tự lái xe về nhà. Để rồi sau những chầu rượu đó, nhiều vụ tai nạn giao thông kinh hoàng đã xảy ra.

Ngay trước vụ tai nạn giao thông liên hoàn tại Tp.Hồ Chí Minh, vào khoảng 14 giờ 50 ngày 21/10, anh Phạm Việt H. (36 tuổi, trú tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) điều khiển ô tô 4 chỗ trên đường Kim Ngưu (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng). Khi đến trước số nhà 140 Kim Ngưu, chiếc xe đâm liên hoàn vào 04 xe máy di chuyển chiều ngược lại. Vụ tai nạn làm 06 người bị thương.

Trước đó không lâu, vào khoảng 16 giờ 10 ngày 28/9, người dân trên phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội cũng một phen hoảng hốt khi chứng kiến một chiếc xe ô tô đi với tốc độ cao hướng đi Quốc Tử Giám. Chiếc xe tiếp tục đâm liên tiếp vào 04 chiếc xe máy và 01 chiếc xe taxi đi trước. Vụ tai nạn khiến 04 người bị thương nặng.

Tối ngày 15/7/2016, chiếc ô tô do Lê Thành L. (27 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) điều khiển khi lưu thông trên đại lộ Võ Văn Kiệt đã va chạm với xe máy của ông Trần Văn Hoàng (49 tuổi, ngụ quận 4). Vụ tai nạn khiến ông Hoàng bị hất văng gần 13 m và tử vong, xe máy của nạn nhân bị cuốn xuống gầm ôtô. Lộc tiếp tục tăng ga bỏ chạy thêm 4 km. Chiếc xe máy kẹt dưới gầm xe đã tạo ra ma sát phát ra tia lửa khiến chiếc ôtô bốc cháy.

Đây chỉ là một vài điển hình trong rất nhiều vụ tai nạn giao thông mà người điều khiển phương tiện đều đã sử dụng bia rượu trước khi lái xe. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông Quốc gia, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2018, có đến 65% - 70% người điều khiển phương tiện liên quan đến các vụ tai nạn giao thông có vi phạm nồng độ cồn. 

Khi nào “ma men” vẫn còn nhởn nhơ phóng xe đi trên đường, khi nào người ta vẫn còn “chén chú, chén anh” trước khi cầm lái nghĩa là lúc đó vẫn còn nhiều người phải di chuyển trong sự bất an; thậm chí bị đe dọa tính mạng.

Chế tài đã đủ tính răn đe?

Câu chuyện sử dụng bia rượu khi điều khiển phương tiện không phải bây giờ mới được nhắc đến. Rất nhiều biện pháp đã được đề ra để hạn chế tình trạng rượu bia như cấm công chức uống rượu bia trong giờ làm việc, đặt chốt Cảnh sát giao thông trước cửa quán bia để kiểm tra nồng độ cồn của người ra khỏi quán... Cùng với đó, nhiều chiến dịch “không uống rượu bia trước khi lái xe” cũng đã được phát động nhưng không đem lại hiệu quả cao. Nhiều ý kiến cho rằng một nguyên nhân lớn khiến tình trạng này không “thuyên giảm” là do chế tài xử lý còn quá nhẹ khiến tài xế nhờn luật.

Các vụ tai nạn giao thông do rượu, bia ngày càng gia tăng (Ảnh: Báo Dân sinh)

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng cho biết, năm 2015 đơn vị từng đề xuất nếu phát hiện người vi phạm nồng độ cồn quá cao và tái phạm nhiều lần thì tịch thu phương tiện hoặc tước bằng lái xe 02 năm. Nhưng thời điểm đó còn nhiều ý kiến khác nhau về quyền sở hữu tài sản cá nhân. Về vụ tai nạn xảy ra tại ngã tư Hàng Xanh, ông Hùng cho rằng đây là “giọt nước làm tràn ly”; đặt ra yêu cầu chế tài cần mạnh hơn nữa, cạnh đó có các chế tài phụ như bắt lao động công ích, buộc tài xế phải học lại bằng lái xe… Điều quan trọng là việc thực thi pháp luật phải nghiêm.

“Các biện pháp chế tài đều đủ cả nhưng so với các nước thì còn nhẹ, cần phải tính lại”, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải cũng nhận định. Bởi trước khi uống rượu bia rồi lái xe, hầu hết người vi phạm ý thức được hành vi của mình là nguy hiểm nhưng vẫn thực hiện.

Ngoài ra, Luật định hiện nay tồn tại một bất cập là sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính và tước giấy phép lái xe, người vi phạm vẫn được tiếp tục điều khiển phương tiện về nhà. Việc này vô cùng nguy hiểm vì không thể chắc rằng người vi phạm có thể chạy xe an toàn về nhà hay không.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông (Ảnh:  BáoThanh niên)

Để hạn chế tình trạng này lực lượng chức năng cũng cần kiểm soát sát sao hơn việc tham gia giao thông của người dân để xử lý theo quy định pháp luật. Không thể nhẹ tay, "nương tay" với hành vi lái xe trong tình trạng có nồng độ cồn cao.

Và quan trọng nhất vẫn là ý thức của những người tham gia giao thông. Không có hình thức chế tài hay thiết bị đong đo nào có thể thay ý thức của từng người. Bớt chút bia, ngừng chút rượu hoặc chọn taxi về nhà sau những cuộc vui sẽ chẳng vì thế mà mất đi bản lĩnh. Đằng trước và đằng sau tay lái, vô lăng đều là những cuộc đời, những gia đình, là bình yên của xã hội. Đừng rẻ rúng sự sống, đừng tự xóa đi hạnh phúc của chính mình, của người khác bằng những cuộc nhậu quá đà.

Hành vi vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt theo Nghị định 46/2016 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt). Theo đó, đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì bị phạt cao nhất là 18.000.000 đồng.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01-06 tháng tùy vào mức độ vi phạm. Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì mức phạt cao nhất là: 4.000.000 đồng. Đối với người điều khiển xe máy kéo, xe máy chuyên dùng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì mức phạt cao nhất là 7.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 01- 04 tháng, tùy vào mức độ vi phạm về nồng độ cồn.

Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 260 BLHS năm 2015. Cụ thể, người phạm tội bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù cao nhất đến 15 năm. 

Xem thêm>>>

Để hạn chế những nỗi đau do tai nạn giao thông

Viện trưởng VKSND tỉnh Gia Lai trực tiếp chỉ đạo công tác khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn thảm khốc

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang