Hà Nội: Hiểm họa rình rập từ những công trường trên cao
(kiemsat.vn) Trên địa bàn Hà Nội hiện nay, người dân luôn phải đối mặt với những nguy cơ tai nạn bất ngờ từ các công trình xây dựng. Liên tiếp các vụ tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra khiến dư luận không khỏi hoài nghi về sự buông lỏng, thiếu quyết liệt của chính quyền các cấp và cơ quan chức năng.
Gia cố “chuồng cọp” là tự nhốt mình trong hỏa hoạn
Phiên xét xử cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh mở trên sân toà 1.000 m2
Những “chiếc bẫy” từ trên cao
Hiện nay, nhiều tuyến phố ở Hà Nội đang trong quá trình xây dựng tòa nhà cao tầng. Các công trình xây dựng khá sát nhau và sát khu dân cư. Tuy nhiên, an toàn thi công tại các công trình này bộc lộ nhiều bất ổn khi liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động, đặc biệt là rơi vật liệu xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Chỉ cần lướt qua vài tuyến phố ở Thủ đô có thể dễ dàng bắt gặp cảnh các công trình xây dựng cao tầng nằm sát mặt đường, thậm chí không có lưới che chắn, hay cảnh những giàn giáo lộ thiên, những cần cẩu trục vươn thẳng ra đường. Nhiều công trình ven đường, tình trạng cần cẩu lơ lửng trên đầu, rào chắn cẩu thả khiến không ít người tham gia giao thông phải “thót tim” vì nguy cơ tai nạn rình rập.
Hiện trường vụ sập giàn giáo làm 3 người chết tại công trường xây dựng đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội (Ảnh: Zing.vn) |
Theo khảo sát của VOV giao thông, trên đường Nguyễn Tuân, Lê Văn Thiêm (quận Thanh Xuân)…, nhiều cẩu tháp của các công trình xây dựng hoạt động liên tục, vươn dài ra phía đường, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn. Hay tại một số khu phố như Nam Trung Yên, Nguyễn Chánh..., hàng loạt công trình xây dựng rầm rập chạy tiến độ ngày đêm song công tác rào chắn bảo đảm an toàn cho người đi đường được chưa được quan tâm đúng mực.
Thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ đứt cáp cần cẩu, rơi cốp pha, sập giàn giáo... cướp đi mạng sống và làm bị thương người đi đường.
Sáng 13/10/2016, giàn giáo công trình xây dựng trên phố Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai bị sập khiến 02 nạn nhân tử vong, 04 người khác bị thương.
Ngày 17/01/2018, xảy ra vụ sập giàn giáo tại công trường xây dựng đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội khiến 3 người tử vong và 03 người bị thương nặng.
Sáng ngày 7/5/2018, chiếc vận thăng dùng để lắp kính tại một hộ dân đang thi công trong ngõ tại 178 Thái Hà (Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội) rơi xuống khiến 3 người bị thương rất nặng. Nguyên nhân tai nạn do giàn cẩu thi công có trọng tải cho phép khoảng 02 tấn nhưng khi xảy ra tai nạn, trọng lượng có vẻ vượt quá khả năng chịu tải.
Nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn trên đường Lê Văn Lương được xác định do trụ bắt ròng rọc trên tầng mái dùng thi công kính mặt tiền tòa nhà rơi xuống (Ảnh: Zing.vn) |
Vụ việc thanh sắt rơi từ công trình xây dựng trên đường Lê Văn Lương cướp đi mạng sống của cô gái trẻ vào ngày 27/9 vừa qua một lần nữa là hồi chuông cảnh báo tình trạng mất an toàn quanh các công trình xây dựng ở Hà Nội hiện nay.
Ai đảm bảo trong tương lai sẽ không còn xảy ra những vụ tương tự nếu tình trạng coi thường tính mạng người dân, coi thường an toàn lao động trong thi công công trình vẫn đang tiếp diễn?
Hiểm họa tai nạn luôn rình rập, nhưng điều đáng nói là câu hỏi về trách nhiệm như quả bóng “đá” khắp nơi rồi rơi vào quên lãng.
Xâu chuỗi các vụ tai nạn xây dựng xảy ra trong thời gian gần đây đã cho thấy những lỗ hổng trong công tác an toàn lao động. Rất nhiều câu hỏi cần được trả lời sau hàng loạt vụ tai nạn đáng tiếc vừa nêu: Quy trình bảo đảm an toàn lao động đã được thực hiện? Trách nhiệm của chủ đầu tư, bộ phận tư vấn giám sát ở đâu? Ai kiểm tra, giám sát an toàn tại các công trình xây dựng? Trách nhiệm của thanh tra xây dựng ở đâu?
Hiểm họa từ trên cao đối với người dân Hà Nội luôn thường trực (Ảnh: Báo Giao thông) |
Trên thực tế, nhiều chủ sử dụng lao động vẫn chưa quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn lao động. Để cắt giảm chi phí, lực lượng thi công đã phớt lờ việc đảm bảo an toàn lao động. Nhiều dự án bộc lộ một số tồn tại như vấn đề không khai báo một số thiết bị chịu cường lực và thiếu biển cảnh báo, biển chỉ dẫn tại công trình; vi phạm an toàn lưới điện; không có lối đi dành riêng cho công nhân trong công trường; công tác đào tạo, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động đối với công nhân còn buông lỏng, trong đó sử dụng số lượng lớn nguồn lao động thời vụ ngắn hạn…”.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong an toàn xây dựng do Bộ Xây dựng quy định có các điều: Công trình đang thi công phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật (như rào chắn, đặt biển báo, hoặc làm mái che…) ở những vùng nguy hiểm nhằm tránh vật liệu rơi từ trên cao xuống. Riêng đối với cần trục tháp (cần cẩu), thì giới hạn vùng nguy hiểm từ chu vi xây dựng công trình xa ít nhất 5 m, từ vị trí cần cẩu vận chuyển xa ít nhất 7 m. Ngoài ra, đơn vị thi công cũng phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, công trình, phải có biển báo, rào chắn vùng nguy hiểm… ngoài phạm vi công trường xây dựng trong thời gian cẩu tháp vận hành… Xét theo quy định này, có thể thấy nhiều công trình đang xây dựng đều đã vi phạm.
Công trình đang thi công được che chắn tạm bợ tại khu đô thị Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội (Ảnh: Báo Hải quan) |
Các đơn vị giám sát thì làm kiểu “chiếu lệ”, “khuất mắt trông coi”, các cơ quan quản lý nhà nước thì lỏng lẻo trong việc kiểm tra, giám sát về bảo đảm an toàn lao động trong quá trình thi công.
Bên cạnh đó, dù hệ thống pháp luật đã quy định rõ ràng về trách nhiệm của từng đối tượng trong việc vi phạm an toàn lao động, tuy nhiên, các chế tài này dường như chưa đủ sức mạnh để răn đe đối với các đơn vị tham gia tổ chức thi công công trình xây dựng, nên tai nạn vẫn thường xảy ra.
Cần siết chặt quản lý
Nhiều người lo ngại khi đi qua những khu vực như thế này (Ảnh: Người lao động) |
Để bảo đảm an toàn cho người dân, rất cần các cơ quan chức năng siết chặt công tác kiểm tra, giám sát việc thi công theo đúng kỹ thuật, đúng tải trọng, đặc biệt là những chiếc cẩu tháp hoạt động tại khu vực đô thị, nơi đông dân cư, sát đường phố. Trường hợp kiểm tra phát hiện các vi phạm quy định về đảm bảo an toàn đối với các máy, thiết bị, vật tư cần kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công để có biện pháp khắc phục, đảm bảo an toàn tuyệt đối theo quy định, đồng thời xử phạt nghiêm các vi phạm theo thẩm quyền.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả chủ sử dụng lao động và người lao động.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng chế tài xử phạt các chủ sử dụng lao động vi phạm về an toàn lao động hiện nay, tăng sức cảnh cáo, răn đe; tránh việc “nhờn luật”, coi thường tính mạng của người dân.
Nghị định 139 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, đã quy định rất rõ. Tùy vào hành vi vi phạm mà có mức phạt tiền khác nhau nhưng mức tối đa đối với hoạt động đầu tư xây dựng có thể lên tới 1 tỷ đồng, ngoài ra chủ thể vi phạm có thể bị áp dụng những quy định bổ sung hoặc bị buộc có các biện pháp khắc phục hậu quả.
Khi nhà thầu để xảy ra tai nạn trong quá trình thi công xây dựng, trước hết phải xác định lỗi thuộc về đơn vị nào để có những biện pháp xử lý cho phù hợp.
Điều 295 BLHS năm 2015 sửa đổi về Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn ở nơi đông người nêu rõ, người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp: Làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên… thì bị phạt tiền từ 20 -100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1- 5 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên… thì bị phạt tù từ 6 - 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Còn trong trường hợp hành vi vi phạm đủ dấu hiệu cấu thành Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 298 BLHS 2015 thì người thực hiện hành vi có thể bị xử lý về tội danh này.
Xem thêm>>>
Người thi công phải bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng gây ra khi có lỗi
-
1VKSND TP Hà Tĩnh phối hợp tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông
-
2VKSND quận Cầu Giấy: Kiến nghị phòng ngừa tội phạm gây rối trật tự công cộng do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn
-
3VKSND quận Liên Chiểu phối hợp với Tòa án tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử vụ án ma túy
-
4Quảng Nam: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giải quyết các vụ án liên quan đến đất đai
-
5VKSND tối cao tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
-
6VKSND TP. Hải Dương kiểm sát việc tiêu hủy pháo nổ trong vụ án hình sự
-
7VKSND huyện Vân Canh ban hành kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn
-
8Những trường hợp áp dụng Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024
-
9VKSND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chủ tịch UBND TP. Hội An về vấn đề liên quan đến người nước ngoài thuê xe tự lái vi phạm pháp luật Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.