Bằng Đại học chính quy và tại chức có giá trị như nhau

22/11/2018 15:57

(kiemsat.vn)
Với 84,12% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã nhất trí không phân biệt giá trị văn bằng đại học chính quy và tại chức khi bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19/11 vừa qua.

Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến đại biểu Quốc hội đóng góp hoàn thiện thêm đối với Dự thảo Luật, UBTVQH báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua như sau:

Về hình thức và trình độ đào tạo giáo dục đại học: UBTVQH nhận thấy loại hình đào tạo chính quy được quy định trong Dự thảo Luật chính là loại hình đào tạo tập trung toàn thời gian, còn các hình thức đào tạo khác là loại hình không tập trung. Các loại hình đào tạo này chỉ khác nhau về thời gian đào tạo và kỹ thuật tổ chức, quản lý đào tạo còn tất cả các yêu cầu về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, chuẩn kiến thức kỹ năng, kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra... của các chương trình đào tạo thực hiện theo loại hình nào đều phải đảm bảo chất lượng như nhau. Dự thảo Luật quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo khác nhau.

Căn cứ vào đó, cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) được tự chủ quyết định hình thức, phương thức tổ chức và quản lý đào tạo phù hợp với từng loại hình và trình độ đào tạo của GDĐH.

Ngoài ra, kết quả học tập tích lũy được trong quá trình đào tạo sẽ được công nhận theo nguyên tắc liên thông, sinh viên không phải học lại phần khối lượng kiến thức đã tích lũy khi chuyển đổi từ hình thức đào tạo này sang hình thức đào tạo khác theo quy chế đào tạo.

Về cơ sở giáo dục đại học: Có ý kiến đại biểu đề nghị chỉ quy định một mô hình cơ sở giáo dục đại học là trường đại học; xóa bỏ mô hình đại học tổ chức theo 2 cấp hành chính hoặc sắp xếp lại các đại học theo hướng trường thành viên trong đại học chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện của đại học.

Dự thảo Luật không quy định cứng mô hình quản lý hai cấp, mà quy định cơ sở giáo dục đại học tự xác định mô hình phát triển phù hợp với mục tiêu và sứ mệnh; tự quyết định mô hình tổ chức và cấu trúc của mình. Mối quan hệ giữa đại học và các trường thành viên tuân thủ theo quy định của pháp luật và theo quy chế tổ chức và hoạt động của từng đại học do cơ sở giáo dục xây dựng. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xin được giữ quy định như trong dự thảo Luật.

Một vấn đề khác thu hút sự quan tâm là vấn đề đào tạo Tiến sĩ. Theo đó, có ý kiến đại biểu đề nghị quy định viện nghiên cứu phải phối hợp với cơ sở giáo dục đại học để thực hiện tuyển sinh, đào tạo trình độ Tiến sĩ.

UBTVQH nhận thấy, ở Việt Nam hiện nay có hai viện hàn lâm khoa học, những viện nghiên cứu khoa học uy tín với các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực và có kinh nghiệm, truyền thống đào tạo Tiến sĩ. Vì vậy, để tận dụng tiềm lực của đội ngũ tri thức có trình độ cao hiện đang công tác trong các viện nghiên cứu này, Dự thảo Luật quy định cho phép các viện nghiên cứu đã được phép đào tạo trình độ tiến sĩ vẫn được tiếp tục thực hiện tuyển sinh và đào tạo theo quy định của Luật này.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua luật tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV (Ảnh: Quochoi)

Về tự chủ đại học: UBTVQH chỉ rõ, dự thảo Luật đã quy định rõ điều kiện, yêu cầu thực hiện quyền tự chủ tại khoản 2, Điều 32. Theo đó, mức độ tự chủ của cơ sở giáo dục đại học phụ thuộc vào việc đáp ứng đủ điều kiện tự chủ, những cơ sở chưa đáp ứng điều kiện tự chủ thì tiếp tục chịu sự quản lý chặt chẽ theo các quy định của Luật, đồng thời quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước trong quy hoạch và xác nhận tiêu chí các cơ sở giáo dục đại học. Do đó sẽ giới hạn việc các trường đồng loạt tự chủ dẫn đến mất cân bằng cung – cầu nhân lực.

Dự thảo Luật lần này mở rộng quyền tự chủ, cho phép các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm chất lượng và phù hợp nhu cầu thì được tự mở ngành đào tạo ở tất cả các trình độ của giáo dục đại học, chỉ trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên và an ninh, quốc phòng.

Về giảng viên và người học: Để bảo đảm quyền lợi của người học trong các chương trình đào tạo ở các ngành mới mở, Dự thảo Luật đã quy định cơ sở GDĐH thực hiện đánh giá chương trình trước khi có khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp và phải thực hiện kiểm định chất lượng chương trình ngay sau khi sinh viên khóa đầu tốt nghiệp. Nếu không thực hiện đánh giá, kiểm định hoặc nếu kiểm định không đạt thì cơ sở GDĐH không được tiếp tục tuyển sinh, có trách nhiệm cải thiện các điều kiện để bảo đảm chất lượng chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo.

Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) gồm 69 điều sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019.

Xem thêm>>>

Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật liên quan đến quy hoạch được thông qua

Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi): Chưa bổ sung quy định xử lý tài sản không rõ nguồn gốc

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang