Bộ Công an: Tối đa 6 Thượng tướng, 35 Trung tướng, 157 Thiếu tướng

20/11/2018 15:37

(kiemsat.vn)
Sáng 20/11, với 416/464 đại biểu có mặt tán thành, đạt gần 86%, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Theo Luật, ngành Công an có không quá 199 người giữ hàm cấp tướng.

Luật Công an nhân dân (sửa đổi) đã được thông qua sáng 20/11 với 85,77% đại biểu tán thành (Ảnh: TTXVN)

Luật Công an nhân dân (sửa đổi) có 7 chương với 46 điều, quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với công an nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Hệ thống tổ chức của Công an nhân dân bao gồm: Bộ Công an; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Công an xã, phường, thị trấn. Việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy sẽ do Chính phủ quy định cụ thể.

Tại Điều 25, Luật quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an Nhân dân như sau:

Đại tướng: Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng: Thứ trưởng Bộ Công an. Số lượng không quá 6.

Trung tướng: Số lượng không quá 35.

Thiếu tướng: Số lượng không quá 157, trong đó trần quân hàm Thiếu tướng được áp dụng đối với Giám đốc công an tỉnh, TP trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I và là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, diện tích rộng, dân số đông. Tuy nhiên, luật quy định rõ số lượng không quá 11.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương: Số lượng không quá 03.

Phó Cục trưởng, Phó Tư lệnh và tương đương của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an quy định tại điểm c khoản 1 điều này, số lượng: 17 đơn vị, mỗi đơn vị không quá 4, các đơn vị còn lại mỗi đơn vị không quá 03.

Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh số lượng mỗi đơn vị không quá 3.

Về số lượng cấp phó có cấp bậc hàm cấp tướng, theo quy định của Luật Công an nhân dân hiện hành thì có 02 đơn vị (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) có số lượng cấp phó có cấp bậc hàm cấp tướng không quá 04, cấp Tổng cục số lượng cấp phó không quá 05.

Do đó, để đáp ứng yêu cầu, UBTVQH đề nghị quy định số lượng cấp phó có cấp bậc hàm Thiếu tướng của 02 Bộ Tư lệnh và 15 đơn vị cấp Cục không quá 04, các đơn vị còn lại không quá 03.

Như vậy, theo Luật mới, tối đa có 199 người giữ hàm cấp tướng (giảm 06 người so với 205 trần cấp tướng hiện hành).

Về thủ tục phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm trong Công an nhân dân, Luật quy định Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng. Việc phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng đối với sĩ quan Công an nhân dân biệt phái theo đề nghị của cơ quan, tổ chức nơi được cử đến biệt phái và Bộ trưởng Bộ Công an. Thủ tục phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm sĩ quan cấp tá, cấp úy và hạ sĩ quan, chiến sĩ do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

Về biệt phái sĩ quan Công an nhân dân, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với sĩ quan biệt phái được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này. Đối với luân chuyển sĩ quan nhằm mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có hai trường hợp: trường hợp luân chuyển trong nội bộ ngành công an được thực hiện thông qua điều động, các chế độ, chính sách được thực hiện theo quy định của Luật này; trường hợp luân chuyển ra ngoài ngành công an được thực hiện theo các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ.

Luật Công an nhân dân sửa đổi sẽ có hiệu lực từ 01/7/2019.

Các quy định về cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng; phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2019.

Xem thêm>>>

Luật Công an nhân dân (sửa đổi): Cần có lộ trình khi chính quy hoá lực lượng Công an xã

Chiến sĩ cảnh vệ được hưởng phụ cấp đặc thù từ 15% đến 30% mức lương cấp bậc hàm

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang