Bài 2: Quy hoạch tích hợp tỉnh Bình Dương - Phát triển bền vững từ tầm nhìn khoa học công nghệ
(kiemsat.vn) Nắm bắt xu hướng xanh hóa để tăng trưởng bền vững, quan điểm phát triển Quy hoạch tích hợp tỉnh Bình Dương được vạch rõ: Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển thông minh, phát triển xanh, dựa trên phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy tối đa nguồn lực phát triển, kết hợp hài hòa giữa ngoại lực và nội lực, lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, văn hóa sáng tạo làm trọng tâm động lực phát triển.
Bình Dương: Công bố dự án Thử nghiệm Công nghệ và Hợp tác nghiên cứu phát triển Chuyển đổi xanh
Bình Dương đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis Trung Quốc 2024
Bình Dương: Phát triển môi trường đầu tư bền vững, nâng cao “sức đề kháng” cho nền kinh tế
Điểm đến Khoa học Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo quốc tế
Thời gian qua, tỉnh Bình Dương luôn chú trọng xác định phát triển Khoa học Công nghệ (KHCN) và Đổi mới Sáng tạo (ĐMST) là một trong những đột phá chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần lớn đưa tỉnh trở thành điểm sáng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cụ thể hóa mục tiêu này, Bình Dương đã và đang tập trung triển khai nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, xây dựng và hoàn thiện Hệ sinh thái ĐMST, thu hút và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và tiếp tục chiến lược phát triển thành phố thông minh - công nghiệp 4.0.
Trung tâm an ninh mạng là một trong những trung tâm thành phần của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Việt Nam Singapore được đặt tại Bình Dương. |
Theo quy hoạch tích hợp tỉnh Bình Dương, tỉnh sẽ phát triển hệ sinh thái KHCN và ĐMST, trong đó cốt lõi là dựa trên nâng cao tiềm lực KHCN và ĐMST đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, phát triển và chuyển giao các công nghệ tiên tiến. Xây dựng Bình Dương trở thành điểm đến, nơi giao lưu thường niên về KHCN và ĐMST quốc tế. Hệ sinh thái và hạ tầng công nghiệp thế hệ mới bao gồm: công viên kinh doanh, công viên khoa học công nghệ, công viên công nghệ thông tin, công viên logistics và công viên TOD. Các khu công nghiệp sẽ chuyển đổi thành khu công nghiệp thông minh, hỗ trợ sản xuất công nghệ cao.
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của KHCN và ĐMST, trọng tâm vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, bảo vệ môi trường, công nghệ thông tin và truyền thông; xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và xây dựng đô thị thông minh để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Để phát triển hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh đủ năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ tiên tiến, tỉnh Bình Dương lên phương án trong tương lai để hạ tầng khoa học công nghệ phải được phát triển đồng bộ trong hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể như, phát triển khu công nghệ thông tin tập trung, đổi mới sáng tạo gồm 04 phân khu với quy mô khoảng 220ha tại Thành phố mới Bình Dương có chức năng nghiên cứu, phát triển, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sản xuất thử nghiệm, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm…
Thiết lập hệ sinh thái giáo dục đào tạo, xây dựng các trung tâm khám phá khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Dĩ An, Thủ Dầu Một, Bàu Bàng; khu công nghiệp khoa học công nghệ (Bàu Bàng); các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Phú Giáo, Bắc Tân Uyên; khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên; khu trình diễn, giới thiệu, mô hình, thực nghiệm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tại Phú Giáo.
Song song đó, phát triển xanh hóa nền kinh tế (sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, hạ tầng xanh, đô thị xanh, nông thôn xanh, môi trường...) nhờ sự dẫn dắt của khoa học và công nghệ, từ đó tạo dựng một nền kinh tế hài hòa giữa con người với tự nhiên và xã hội. Phát triển không gian đô thị xanh, hạ tầng xanh đẹp và hấp dẫn trở thành hình ảnh đặc trưng của đô thị Bình Dương. Quan tâm đầu tư thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường sinh thái, bền vững, phát triển hệ thống năng lượng tái tạo, tái chế rác và xử lý nước thải...
Bình Dương chuẩn bị hình thành Khu Công nghiệp Sinh thái (EIP) theo tiêu chí ESG, hướng đến Net Zero vào năm 2050. |
Chủ động thích nghi với những biến động, được tạo ra bởi các yếu tố địa chính trị và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những biến số khó lường, Bình Dương đã và đang phát triển một hệ sinh thái kiểu mới – Mô hình phát triển mới, bổ sung cho mô hình Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ. Đó là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, xây dựng các khu công nghiệp thông minh, đô thị thông minh sinh thái, bền vững, phát triển lấy bền vững làm trong tâm, đưa nền công nghiệp Bình Dương đi lên phân khúc cao hơn, từng bước xây dựng động lực phát triển kinh tế mới thay thế cho thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai, tham gia tích cực vào quá trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà chính phủ Việt Nam đã cam kết.
Cạnh đó, Bình Dương cũng phối hợp cùng với Ngân hàng Thế giới phát triển khu công nghiệp sinh thái EIP đầu tiên tại Việt Nam, thúc đẩy cộng sinh công nghiệp, sản xuất năng lượng tái tạo, và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và tuần hoàn nước.
Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC cho biết: Trong định hướng tiếp tục đổi mới mô hình phát triển, KCN thông minh - sinh thái được xem là một trong những hệ sinh thái kiểu mới quan trọng và tất yếu của thời đại nhằm bổ sung cho mô hình Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ hiện hữu. Ngoài việc cung cấp đầy đủ các hạ tầng dịch vụ, kỹ thuật và xã hội, Becamex sẽ chuyển đổi dần những KCN hiện hữu để mở rộng về hiệu quả và tính bền vững thông qua cải tiến mô hình quản trị, vận hành KCN để làm sao hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư trong khu. Việc nâng cấp các KCN hiện hữu trở nên thông minh hơn, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... giúp doanh nghiệp dễ dàng chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh nhằm gia tăng năng suất lao động.
Bên cạnh đó, Becamex đã đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh giúp điều phối, giám sát công tác vận hành tốt hơn; đồng thời bổ sung cảnh quan tự nhiên, cây xanh, áp dụng các tiêu chuẩn ISO, quy chế, KPI vận hành để giúp KCN ngày một xanh - sạch - đẹp hơn. Đối với KCN mới, nhiệm vụ quy hoạch, tính toán ngay từ đầu các giải pháp quản lý thông minh, các tiêu chí KCN sinh thái cũng sẽ được xem xét cụ thể. Điều này góp phần thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, công nghiệp xanh và thân thiện với môi trường, làm tiền đề cho KCN khoa học công nghệ trong tương lai.
Tầm nhìn của Bình Dương gắn với xu hướng Khoa học Công nghệ
Để hoàn thiện định hướng phát triển quy hoạch tích hợp tỉnh Bình Dương nhất là phát triển hệ sinh thái KHCN và ĐMST, Bình Dương huy động mọi nguồn lực sẵn có. Trong đó, Thành phố thông minh Bình Dương là một trong những nền tảng, là hình mẫu chia sẻ kinh nghiệm và kết quả phát triển khoa học công nghệ điển hình nhất.
Được biết, Bình Dương đã thực hiện đề án Thành phố thông minh Bình Dương đầy tham vọng từ năm 2016 (mà sau này được nâng lên thành đề án Vùng Đổi mới Sáng tạo Bình Dương) và luôn bám chặt theo khái niệm chuyển đổi kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa. Được hỗ trợ và truyền cảm hứng từ Cộng đồng thông minh ICF của năm (2011) - Brainport Eindhoven (Hà Lan), cùng với sự nỗ lực và hỗ trợ từ Tổng Công ty Becamex IDC, Bình Dương đã bắt đầu một chặng đường phát triển kinh tế - xã hội đầy ấn tượng, ứng dụng triệt để chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong những dự án cụ thể, nhằm xây dựng và phát triển Bình Dương ngày một “thông minh” hơn, tốt đẹp hơn và đáng sống hơn.
Kết quả, Bình Dương đã được vinh danh 5 lần liên tiếp là Smart21, và trong ba năm 2021, 2022, 2023, Bình Dương lọt vào danh sách Top7 cộng đồng có chiến lược phát triển Thành phố Thông minh. Và năm 2023 vừa qua, ICF chính thức vinh danh Bình Dương đạt danh hiệu cộng đồng thông minh của năm Top 1 ICF 2023.
Trung Tâm Thương Mại Thế Giới – WTC Thành Phố Mới Bình Dương nằm trong Thành phố Thông minh Bình Dương được xem là cửa ngõ giao thương quốc tế, thu hút đầu tư, kết nối công nghiệp. |
Không chỉ có vậy, một hệ sinh thái số và đổi mới sáng tạo đang được phát triển mạnh mẽ tại Bình Dương, như: Trung tâm Điều hành thông minh, EIU Campus với Vườn ươm Doanh nghiệp Becamex, Fablab, Trung tâm sản xuất Tiên tiến; Trung tâm thương mại thế giới WTC… Không chỉ dừng ở đó, Tổng công ty Becamex IDC và tỉnh Bình Dương cũng đã và đang thực hiện những chương trình phát triển chiến lược, đi đúng với mục tiêu phát triển bền vững hơn như thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong sản xuất; phát triển công nghiệp 4.0…, tạo môi trường sống Xanh - Sạch hơn, từ đó tạo tiền đề cho việc thu hút doanh nghiệp Công nghệ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chuẩn bị sẵn sàng để lan toả mạnh mẽ mô hình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.
Đồng thời, phát triển Hệ sinh thái Đổi mới Sáng tạo Becamex – EIU (Trường Đại học Quốc tế Miền Đông) tại Thành phố mới Bình Dương. Bao gồm: Viện Nghiên cứu - Phát triển Khoa học - Công nghệ Becamex, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Singapore, Trung Tâm Sản Xuất Tiên Tiến, Vườn Ươm Doanh Nghiệp, và Block 71 Sài Gòn.
Đặc biệt, Becamex IDC còn tập trung đầu tư vào EIU với định hướng là trung tâm đổi mới sáng tạo, là cái nôi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, và tập trung thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao công nghệ, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp tại Bình Dương. Tháng 9/2023 vừa qua, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Singapore được thành lập tại đây nhằm mục tiêu hướng đến hỗ trợ sự chuyển đổi và phát triển của hệ sinh thái công nghiệp; xây dựng năng lực nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ; thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm định vị thương hiệu của Bình Dương – Becamex trong phát triển công nghiệp và công nghệ, đồng thời là giải pháp cấp thiết trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội để Bình Dương vượt qua bẫy thu nhập trung bình, hướng đến xây dựng mô hình Khu công nghiệp Khoa học Công nghệ thế hệ mới thâm dụng tri thức và công nghệ.
Becamex IDC, TÜV SÜD Asia Pacific Pte. Ltd, VSIP và EIU ký kết Biên bản ghi nhớ đẩy nhanh quá trình áp dụng các công nghệ của công nghiệp 4.0 tại Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. |
Ngoài ra, vừa qua, Dự án Thử nghiệm Công nghệ và Hợp tác nghiên cứu phát triển Chuyển đổi xanh VIETPULSE thí điểm tại Trường Đại học Quốc tế Miền Đông cũng đã được công bố bởi các đối tác Q-Energy và Phòng kinh tế Thương Mại Anh. Đây là một minh chứng lớn cho việc EIU cùng Becamex IDC nói riêng và tỉnh Bình Dương đã và đang sẵn sàng chuẩn bị cho những chương trình phát triển và ứng dụng Khoa học Công nghệ; thúc đẩy việc thí điểm những công nghệ mới, đặc biệt trong việc sử dụng những công nghệ về năng lượng tái tạo và phát triển bền vững, tạo điều kiện tối đa trong việc thu hút nguồn nhân lực và doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, Đổi mới Sáng tạo về với tỉnh Bình Dương. Đây cũng chính là những bước triển khai chiến lược cho việc xây dựng mô hình Khu Công nghiệp Thông minh, Khu công nghiệp xanh; hướng đến mô hình Khu Công nghiệp Khoa học Công nghệ trong tương lai.
Tư nền tảng vững chắc đã được chuẩn bị kỹ lưỡng cho tương lai phát triển khoa học công nghệ, Quy hoạch tích hợp tỉnh Bình Dương xác địnhg rõ các giải pháp cụ thể như. Tăng cường đầu tư phát triển tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu triển khai (R&D), trong đó chú trọng nghiên cứu ứng dụng và thương mại hóa các kết quả khoa học và công nghệ. Phát triển nhân lực khoa học công nghệ: gắn liền giáo dục đào tạo với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, phát triển và chuyển giao các công nghệ tiên tiến.
Triển khai quy hoạch và xây dựng khu đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh theo hướng phát triển toàn diện. Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Tạo điều kiện cho các trường đại học, các đơn vị hoạt động khoa học và công nghệ đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế.
Thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hình thành sàn giao dịch công nghệ của tỉnh, kết nối với các sàn giao dịch công nghệ trong khu vực và quốc tế. Khuyến khích, thúc đẩy phát triển các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ, trong đó đẩy mạnh phát triển các tổ chức môi giới, tư vấn, xúc tiến chuyển giao công nghệ.
Trung tâm khởi nghiệp tại EIU là một trong những trung tâm thành phần của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Singapore. |
Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương đã và đang thực hiện công tác quy hoạch tích hợp tầm nhìn 2050, trong đó xây dựng Thành phố mới Bình Dương sẽ là điểm đến cho những doanh nghiệp thâm dụng công nghệ và trí thức, thân thiện với môi trường, là môi trường thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, khuyến khích thử nghiệm và ứng dụng công nghệ mới trong thực tiễn, và tạo điều kiện tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp, hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, hướng đến ứng dụng những giải pháp công nghệ mới để phát triển đột phá và bền vững.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đánh giá cao những nỗ lực thúc đẩy phát triển mô hình khu công nghiệp thế hệ mới, Xanh và thông minh, hướng tới xây dựng mô hình Khu Công nghiệp Khoa học Công nghệ của Becamex IDC trong suốt thời gian qua. Becamex IDC là doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh Bình Dương, luôn đồng hành cùng tỉnh Bình Dương trong những chương trình chiến lược với những định hướng về thúc đẩy Đổi mới Sáng tạo và Phát triển Bền vững. Đặc biệt là việc Becamex chú trọng đầu tư vào EIU với định hướng là trung tâm đổi mới sáng tạo, là cái nôi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, và tập trung thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao công nghệ, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp tại Bình Dương.
Tại buổi làm việc với Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Bình Dương đã nhấn mạnh chỉ đạo phải để EIU trở thành Trung tâm Đổi mới Sáng tạo của Bình Dương. |
Trên cơ sở kế thừa và quy hoạch mới, Bình Dương đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá và định hình tương lai với khát vọng trở thành trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực. Tầm nhìn 2030-2050 đang hiện thực hóa một Bình Dương thông minh, xanh và đáng sống. Với nền tảng công nghiệp vững mạnh, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, tương lại gần Bình Dương hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư và nhân tài toàn cầu, kiến tạo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế tri thức và chất lượng cuộc sống cho mọi người dân.
EIU phải là Trung tâm Đổi mới Sáng tạo của Bình Dương
Đó là nội dung chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương – Nguyễn Văn Lợi trong buổi làm trước đó với Trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU). Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh, “EIU phải là trung tâm ĐMST của Bình Dương, đồng thời làm việc với các doanh nghiệp để đào tạo đội ngũ kỹ sư nhân lực đáp ứng công nghiệp 4.0 trong thời gian tới”. Có thể nói Becamex nói chung và EIU nói riêng là những thành tố quan trọng trong việc xây dựng, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và công nghiệp 4.0 tại Bình Dương. Trong đó, Becamex là doanh nghiệp chủ đạo và tiên phong trong việc xây dựng hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới với đổi mới sáng tạo là nền tảng, đáp ứng những nhu cầu mới của Việt Nam và thời đại như chuyển đổi thông minh và phát triển bền vững. EIU là đầu tàu trong việc kết nối đại học với doanh nghiệp nhằm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Đây là liên kết cực kỳ quan trọng để đồng hành cùng doanh nghiệp nâng cấp quản trị, tổ chức và công nghệ từ đó tiếp tục nâng cao năng suất lao động và cạnh tranh trong bối cảnh mới.
(Còn nữa)
Bài 3: Phát triển kinh tế cân bằng, trụ cột để tăng trưởng bền vững
Bài viết chưa có bình luận nào.