"Ăn bớt" tiền thi đua, khen thưởng phạm tội gì?

03/04/2019 11:16

(kiemsat.vn)
Ngày 15/4/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng có hiệu lực thi hành vào ngày 01/6/2010.

Ảnh minh họa

Theo đó, tiền thưởng đối với tập thể được tặng giấy khen bằng 0,6 lần mức lương tối thiểu chung; đối với tập thể đạt danh hiệu khu phố, ấp văn hóa được tặng giấy chứng nhận thì được thưởng 1,5 lần mức lương tối thiểu.

Căn cứ danh sách các tập thể được khen thưởng, ông Nguyễn Công T đã chỉ đạo cho bà Nguyễn Thị Hồng N áp dụng, chi trả tiền thưởng đối với các đơn vị đạt danh hiệu khu phố, ấp, phường văn hóa năm 2010 theo mức tiền thưởng như tập thể được tặng giấy khen là 0,6 lần mức lương tối thiểu chung, với tổng số tiền là 62.040.000 đồng. Số tiền này đã được bà N chi cho ông Lê Hoàng T, đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố để phát thưởng cho các đơn vị trong Đại hội thi đua phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Sau đó, khi bà N chưa lập thủ tục quyết toán với ngân sách nhà nước, ông Nguyễn Công T phát hiện việc áp dụng mức tiền chi thưởng là không đúng, mà phải bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu chung. Sau khi phát hiện, ông Nguyễn Công T và bà Nguyễn Thị Hồng N đã bàn bạc thống nhất với ông Võ Thanh Th do đã áp dụng mức tiền chi khen thưởng bằng 0,6 lần mức lương tối thiểu cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, nhưng đã lập hồ sơ chứng từ quyết toán với ngân sách nhà nước thành phố với mức 1,5 lần mức lương tối thiếu theo quy định tại Nghị định 42/NĐ nêu trên, để lấy tổng cộng số tiền chênh lệch. Tính từ tháng 11/2010 đến 01/2015, Phòng Nội vụ đã quyết toán và rút ra được tổng số tiền 723.590.000đ. Số tiền này đã sử dụng vào các mục đích như: Chi tiền biếu tết các cấp, tiền tổ chức cho cán bộ công chức Phòng Nội vụ đi du lịch, tiền tiếp khách, ma chay, tiền mua quà tặng,... hết 511.175.000 đồng, còn lại 212.415.000 đồng, theo chỉ đạo của ông Th, bà N đã cất giữ tại tủ cá nhân của mình ở cơ quan.

Khi ông Th được bổ nhiệm và chuyển công tác về giữ chức vụ Trưởng ban Ban Tổ chức Thành ủy thành phố thì không tiếp tục sử dụng nữa. 

Ngày 10/7/2015, Ủy ban nhân dân thành phố có quyết định điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn C, giữ chức vụ Trưởng Phòng Nội vụ; ông C đã ký ban hành quyết định quy chế làm việc Phòng Nội vụ thành phố và giao cho ông Nguyễn Thành Tr trực tiếp phụ trách công tác thi đua khen thưởng, bà Nguyễn Thị Ánh Ng trực tiếp tham mưu công tác thi đua khen thưởng. Tuy nhiên, khi đi nhận công tác mới, ông Th không bàn giao cho ông Nguyễn C số tiền trên, nên ông C không biết có số tiền chênh lệch còn lại mà bà N đã cất giữ.

Ngày 11/12/2015, bà Nguyễn Thị Ánh Ng đã trực tiếp tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định khen thưởng nhưng vẫn với mức 0,6 lần mức lương tối thiểu để lấy số tiền chênh lệch. Tuy nhiên, ông C đã chỉ đạo cho bà N không thực hiện việc quyết toán, để ông báo cáo xin ý kiến lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố hướng xử lý. Nhưng ông C chưa kịp báo cáo thì có đơn tố cáo về việc sai phạm ở Phòng Nội vụ.

Quá trình làm việc với Thanh tra và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, do nhận thức được hành vi sai phạm, bản thân ông Th, bà N, ông Nguyễn Công T đã chủ động nộp khắc phục hậu quả với tổng số tiền chênh lệch từ năm 2010 đến năm 2014 là 723.590.000 đồng vào ngân sách của Ủy ban nhân dân thành phố. 

Sau khi Thanh tra nhà nước và Ủy ban kiểm tra Thành ủy thành phố B kết luận sai phạm tại Phòng Nội vụ, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành quyết định và thành lập Tổ hoàn trả kinh phí khu phố, ấp, phường đạt danh hiệu khu phố, ấp văn hóa và phường văn hóa trên địa bàn thành phố Biên Hòa từ năm 2010 đến 2014, chi trả bổ sung số tiền chênh lệch 723.590.000 đồng.

Ngày 10/10/2018, Sở tài chính tỉnh ĐN có Kết luận giám định số 5920/KLGĐ-STC, Kết luận:… “Khoản tiền chênh lệch này, Phòng Nội vụ đã giữ lại chi sai không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cấp có thẩm quyền quy định. Đây là khoản tiền, Phòng Nội vụ thành phố đã làm thất thoát và gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước thành phố”.

Ngày 30/11/2017, Cơ quan điều tra tỉnh ĐN ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Võ Thanh Th, khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Nguyễn Thị Hồng N về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Ngày 04/12/2017, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh ĐN đã phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra. 

Vấn đề đặt ra trong vụ án này là hành vi của ông Võ Thanh Th và bà Nguyễn Thị Hồng N có phải là hành vi phạm tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” hay không ?

Trước hết, theo quy định tại Điều 280 Bộ luật Hình sự năm 1999 hay Điều 355 Bộ luật hình sự năm 2015 thì Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản gồm 02 hành vi khách quan, đó là hành vi “lạm dụng chức vụ quyền hạn” và hành vi “chiếm đoạt tài sản”. Đây là 02 dấu hiệu cần và đủ để xác định một người có phạm tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản hay không? Nếu thiếu một trong hai dấu hiệu trên thì không phải là hành vi phạm tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Về lý luận, hành vi “lạm dụng chức vụ quyền hạn” là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm một việc vượt quá  quyền hạn của mình. Theo nội dung vụ án thì ông Võ Thanh Th và bà Nguyễn Thị Hồng N đều được Ủy ban nhân dân thành phố bổ nhiệm và giao thực hiện việc chi trả tiền thưởng cho các đối tượng được thưởng theo quy định của pháp luật; ông Võ Thanh Th và bà Nguyễn Thị Hồng N không hề có hành vi nào vượt quá quyền hạn của mình, mà chỉ lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để rút tiền từ ngân sách của Nhà nước, mà lẽ ra số tiền này phải chi trả cho các đối tượng được thưởng. Nói cách khác, ông Võ Thanh Th và bà Nguyễn Thị Hồng N đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn “ăn bớt” tiền của các cá nhân và đơn vị được thưởng. Giả thiết số tiền chênh lệch 723.590.000 đồng mà ông Th và bà N “ăn bớt” được rồi chia nhau bỏ túi cá nhân thì hành vi của ông Th và bà N là hành vi “tham ô tài sản”, vì ông Th và bà N là người trực tiếp quản lý số tiền này.

Tuy nhiên, số tiền chênh lệch 723.590.000 đồng mà ông Th và bà N “ăn bớt” được lại sử dụng vào các mục đích như: Chi tiền biếu tết các cấp, tiền tổ chức cho cán bộ công chức Phòng Nội vụ đi du lịch, tiền tiếp khách, ma chay, tiền mua quà tặng,... đều là những khoản chi không đúng theo quy định, nên tất nhiên cũng không thể có hóa đơn, chứng từ hợp lệ để quyết toán. Các khoản chi này, Cơ quan điều tra đã chứng minh và thừa nhận là các khoản chi là có thực. Mặt khác, số tiền còn lại 212.415.000 đồng, ông Th và bà N cũng không sử dụng cho riêng mình mà vẫn cất giữ tại tủ của bà N ở cơ quan. Do đó, ông Th và bà N cũng không có hành vi “chiếm đoạt”.

Khi đã không có hành vi “vượt quá quyền hạn và hành vi chiếm đoạt” thì không phải là tội “lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Mặt khác, sau khi có đơn tố cáo, Thanh tra nhà nước và Ủy ban kiểm tra Thành ủy thành phố B kết luận sai phạm tại Phòng Nội vụ, thì ông Th và bà N đã bỏ tiền túi ra để khắc phục hậu quả về những hành vi chi sai mục đích; đồng thời, Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã quyết định và thành lập Tổ hoàn trả kinh phí khu phố, ấp, phường đạt danh hiệu khu phố, ấp văn hóa và phường văn hóa trên địa bàn thành phố từ năm 2010 đến 2014, chi trả bổ sung số tiền chênh lệch: 723.590.000 đồng, nên có thể nói: “hậu quả đã được khắc phục toàn bộ”.
 

Thực tiễn cho thấy đối với các trường hợp tương tự, rất ít khi bị khởi tố, mà chỉ xử lý kỷ luật. Nếu đã khởi tố thì có thể áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự “miễn trách nhiệm hình sự” cho ông Th và bà N cũng đủ tác dụng giáo dục và phòng ngừa tội phạm.

Đinh Văn Quế/Nguyên Chánh tòa hình sự TAND tối cao
 

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang