10 sự kiện nổi bật của ngành Kiểm sát trong năm 2018

03/02/2019 22:33

(kiemsat.vn)
Năm 2018, nhiều đạo luật quan trọng về tư pháp có hiệu lực thi hành, theo đó, chức năng, nhiệm vụ của Ngành được mở rộng, trong khi nhiều đơn vị trong Ngành đang thiếu biên chế, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp. Trong bối cảnh đó, ngành Kiểm sát nhân dân đã nỗ lực phấn đấu, đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ mà Đảng và Quốc hội giao.

Hoàn thành vượt mức 9/10 chỉ tiêu công tác được Quốc hội giao

Với sự quyết liệt trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, sự cố gắng, nỗ lực của Viện kiểm sát các cấp, năm 2018, ngành KSND đã hoàn thành vượt mức 9/10 chỉ tiêu Quốc hội giao, bao gồm: Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt 92,7%, vượt 2,7%; ban hành quyết định truy tố đúng thời hạn đạt 99,99%, vượt 9,9%; truy tố bị can đúng tội đạt 99,99% vượt 4,9%; tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm hình sự được Tòa án chấp nhận đạt 82,6%, vượt 12,6%; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án dân sự được Tòa án chấp nhận đạt 86,9%, vượt 16,9%; tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm dân sự được Tòa án chấp nhận đạt 82,4%, vượt 12,4%; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính được Tòa án chấp nhận đạt 82,8%, vượt 12,8%; tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm án hành chính được Tòa án chấp nhận đạt 76,5%, vượt 6,5%; tỷ lệ kiến nghị được các cơ quan, đơn vị hữu quan chấp nhận đạt 98,4%, vượt 18,4%.

Kiểm sát viên kiểm sát tại Hòn La

Phiên tòa xét xử vụ án hình sự

Nâng cao chất lượng, đẩy nhành tiến độ giải quyết nhiều đại án tham nhũng

Nhận thức rõ tầm quan trọng của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, năm 2018 ngành KSND đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ như: Tăng cường phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra ngay từ khi giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng; chủ trì xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch về công tác giám định để tháo gỡ vướng mắc trong xác định hậu quả trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng; cử Kiểm sát viên từ VKSND tối cao đến thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án về tham nhũng tại Tòa án cấp tỉnh; tăng cường tổ chức tập huấn chuyên sâu về công tác giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế,... Do đó, năm 2018, số vụ án được phát hiện, khởi tố mới tăng nhiều so với các năm trước đây với 320 vụ/706 bị can (tăng 31,1% số vụ; 13,9% số bị can). Đặc biệt, trong thời gian ngắn, đã tập trung phối hợp điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng lớn, được Đảng và nhân dân ghi nhận, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội.

Phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh (Ảnh Internet)

Thu hồi sản tham nhũng đạt tỉ lệ cao

Năm 2018, VKSND các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản, nên tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế đạt tỉ lệ cao, đã thu hồi được hàng chục nghìn tỷ đồng của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng.

Cụ thể: Vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại 118 tỷ, đã thu hồi được 20 tỷ đồng; vụ Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm tham ô tài sản chiếm đoạt 87 tỷ đồng, đã thu hồi hơn 45 tỷ đồng; vụ Trần Phương Bình và đồng phạm lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt 3.568 tỷ đồng, đã thu hồi hơn 2.000 tỷ đồng; vụ Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao để chuyển quyền sử dụng đất, nhà công sản trái quy định để thu lợi bất chính gây thiệt hại cho Nhà nước khoảng 1.400 tỷ, đã kê biên, phong tỏa để bảo đảm thu hồi tài sản khoảng 1.000 tỷ đồng;…

Toàn cảnh phiên tòa xét xử Phan Văn Anh Vũ

Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai; chống bỏ lọt tội phạm

Năm 2018, ngành KSND đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả các quy định mới của Bộ luật tố tụng hình sự nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp oan sai và bỏ lọt tội phạm như: Kiểm sát chặt chẽ các vụ án từ khi tiếp nhận tin báo; chủ động đề ra yêu cầu xác minh điều tra; trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra...

Kiểm sát viên VKSND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình tham gia khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng tại vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng

Kiểm sát viên làm việc với Cơ quan điều tra

Qua đó, đã yêu cầu khởi tố 754 vụ án (tăng 33,5%); trực tiếp khởi tố và yêu cầu điều tra 20 vụ án; trực tiếp khởi tố 12 bị can (tăng 50%); Tỷ lệ số người bị bắt, giữ chuyển xử lý hình sự đạt 97,8% (tăng 0,2%); số bị can phải đình chỉ do không phạm tội giảm 50%; số bị cáo Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội giảm 11,1%,

Kiểm sát viên tham gia lấy lời khai bị can Vụ án Giết người ở Tuyên Hóa, Quảng Bình

Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp

Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục được ngành Kiểm sát đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Thông qua kiểm sát hoạt động tư pháp, ngành Kiểm sát đã ban hành hơn 14.000 kháng nghị, kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp, tăng 2,5%. Số kháng nghị phúc thẩm án dân sự, hành chính tăng 2,3%, tỷ lệ được chấp nhận vượt 15,2% so với chỉ tiêu Quốc hội; số kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng 16,2%. Tỷ lệ kiến nghị đối với các cơ quan tư pháp được chấp nhận vượt 19,8% so với chỉ tiêu của Quốc hội.

Kiểm sát viên làm việc với đương sự, và Cơ quan thi hành án trong vụ án thi hành án tại Lâm Đồng

Chuyển biến mạnh mẽ của Cơ quan điều tra VKSND

Năm 2018, Cơ quan điều tra VKSND tối cao tiếp tục được kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung lực lượng, cơ sở vật chất; hoàn thiện thể chế và tăng cường tập huấn nâng cao năng lực thực thi công vụ cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra. Kết quả, năm 2018, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp đạt 91,6%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; số vụ án được phát hiện khởi tố mới tăng 11,8% về số vụ, 34% số bị can; qua điều tra các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp, đã thu hồi hơn 6,7 tỷ đồng, đạt 53,8%.

Thông qua công tác điều tra, Cơ quan điều tra VKSNDTC đã ban hành 101 kiến nghị (tăng 12,2%) yêu cầu các cơ quan tư pháp khắc phục, phòng ngừa tội phạm; trong đó, có 03 kiến nghị đối với lãnh đạo Bộ Công an, TAND tối cao và Bộ Tư pháp, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp, xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh.

Cơ quan điều tra VKSND tối cao báo cáo án

VKSND tối cao tổ chức tập huấn một số kỹ năng trong hoạt động điều tra của Điều tra viên, Kiểm sát viên (Hà Nội, ngày 20/11/2018)

Đổi mới công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

Công tác cán bộ được ngành KSND xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018. Toàn ngành đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các đơn vị; thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động, biệt phái Kiểm sát viên ở các cấp kiểm sát; đánh giá công chức trên cơ sở thành tích, sản phẩm cụ thể; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, gắn lý luận với thực tiễn, tập trung bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu, kỹ năng cụ thể.

VKSND tối cao tổ chức Hội nghị tập huấn công tác kiểm sát thi hành án dân sự (Hà Nội, ngày 20/9/2018)

Kết quả, năm 2018 ngành KSND có 2 đồng chí được bổ nhiệm Phó Viện trưởng VKSND tối cao; bộ máy lãnh đạo chủ chốt VKSND các cấp và các đơn vị thuộc VKSND tối cao được củng cố, kiện toàn; điều động, chuyển đổi vị trí công tác 194 công chức, biệt phái hàng trăm Kiểm sát viên của VKSND tối cao và VKSND cấp cao về VKSND địa phương làm nhiệm vụ có thời hạn hoặc theo từng vụ án cụ thể; đã bổ nhiệm 1.151 Kiểm sát viên các cấp thông qua công tác thi tuyển, tạo ra động lực mới cho cán bộ trong thực thi nhiệm vụ.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Viện trưởng VKSNDTC cho hai đồng chí: Nguyễn Văn Quảng và Nguyễn Huy Tiến

Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu khai mạc Lễ khai mạc kỳ thi tuyển Kiểm sát viên cao cấp ngành Kiểm sát nhân dân đợt 1 năm 2018 (Hà Nội, ngày 12/10/2018)

Tăng cường hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp về hình sự

VKSND tối cao là cơ quan đầu mối cấp trung ương trong tham mưu đàm phán và ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự. Trong năm 2018, VKSND tối cao được ủy quyền của Chủ tịch nước đã ký chính thức 02 hiệp định, chuẩn bị đàm phán 02 hiệp định, hoàn thành thủ tục phê chuẩn 03 hiệp định, hoàn thành 02 hồ sơ ký hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với các nước; thực hiện xong 201 ủy thác tư pháp hình sự với các nước. Qua đó, góp phần bảo đảm cơ sở pháp lý trong phối hợp đấu tranh chống tội phạm trong nước và quốc tế, bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Thứ nhất BCH Trung ương Đảng Cộng sản Cuba Raul Castro Ruz chứng kiến ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Cuba (La Habana, Cuba ngày 29/3/2018)

Viện trưởng VKSND tối cao Việt Nam Lê Minh Trí tiếp ông Péter Polt, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao nuớc Cộng hòa Hungary (Hà Nội, ngày 17/9/2018)

Đẩy mạnh công tác xây dựng, hướng dẫn, thi hành pháp luật

Năm 2018, ngành kiểm sát nhân dân đã ban hành 02 chỉ thị về tăng cường công tác xây dựng, tổ chức thi hành các luật; Trực tiếp chủ trì ban hành 08 thông tư liên tịch; phối hợp xây dựng, chỉnh lý tham gia soạn thảo, góp ý xây dựng gần 70 luật, pháp lệnh và văn bản quy phạm pháp luật của một số bộ, ngành trung ương. Đặc biệt, toàn ngành đã tổ chức hơn 200 hội nghị, hội thảo; ban hành gần 2.000 văn bản trả lời thỉnh thị và thông báo rút kinh nghiệm trong công tác nghiệp vụ nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc và tạo sự thống nhất trong thực tiễn thi hành, áp dụng pháp luật.

Hội nghị trực tuyến toàn ngành “Tập huấn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án về tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ” (Hà Nội, ngày 19/9)

Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Văn Quảng và Phó Chủ tịch liên đoàn Luật sư Việt Nam Phan Trung Hoài tại buổi Tọa đàm "Kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự"

Lần đầu tiên số hóa toàn bộ hồ sơ một vụ đại án

Trong quá trình kiểm sát giải quyết vụ án tổ chức đánh bạc, đánh bạc và sử dụng mạng internet thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành phố, VKSND tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Cơ quan điều tra thuê 4 máy chụp Scan, làm ròng rã hơn 1 tháng trời để tích hợp hồ sơ gần một triệu bút lục vào các máy vi tính xách tay của Kiểm sát viên… Tại phiên tòa, VKSND tỉnh Phú Thọ đã bố trí hai màn hình, mỗi màn hình có kích thước 15m2 tại phòng xét xử. Khi bị cáo chối tội hoặc khi đối đáp, tranh luận với Luật sư, các chứng cứ đều được Viện kiểm sát trình chiếu trên hai màn hình này để phân tích, tranh luận đến cùng. Kết quả là: các luật sư đều tâm phục, khẩu phục, các bị cáo đều nhận tội.

Đây là lần đầu tiên, ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện số hóa toàn bộ hồ sơ một vụ đại án. Dự kiến việc số hóa hồ sơ vụ án và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa sẽ được ngành Kiểm sát nhân dân triển khai rộng rãi ở các cấp kiểm sát trong năm 2019 để bảo đảm tính thuyết phục trong quá trình xét hỏi và tranh tụng.

Phiên tòa xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ

Tạp chí Kiểm sát gặp mặt tất niên

(Kiemsat.vn) - Sáng ngày 01/02/2019, Tạp chí Kiểm sát, VKSND tối cao tổ chức chương trình gặp mặt tất niên với toàn thể công chức, viên chức, người lao động tại Tòa soạn.

Phú Thọ: Công bố và trao Quyết định bổ nhiệm các chức danh Kiểm sát viên

(Kiemsat.vn) - Sáng nay 01/02/2019, VKSND tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm các chức danh Kiểm sát viên trung cấp và Kiểm sát viên sơ cấp.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang