Xác định Nguyễn Văn M tái phạm hay tái phạm nguy hiểm?

08/10/2018 16:36

(kiemsat.vn)
Do việc xác nhận kết quả thi hành án sai nên Bản án năm 2016 đã không tuyên bố M tái phạm, dẫn đến khi xử lý vụ án sau có quan điểm không thống nhất về việc nên áp dụng tình tiết tăng nặng “tái phạm” hay áp dụng tình tiết định khung “tái phạm nguy hiểm” để truy tố, xét xử bị cáo.

Việc xác định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo trong vụ án hình sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm thể hiện việc áp dụng pháp luật đúng đắn và thống nhất, đồng thời cũng phù hợp với sự thật khách quan của vụ án, các đặc điểm nhân thân, hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra.

Dưới đây là nội dung một vụ án có vướng mắc về việc xác định bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng TNHS theo tiết 2, điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS năm1999, Điều 52 BLHS năm 2015 hay tình tiết định khung tăng nặng TNHS theo điểm c khoản 2, Điều 138 BLHS năm 1999, Điều 173 BLHS năm 2015.

Nội dung vụ việc:

Tháng 8/2017, bị cáo M một mình đi bộ đến xã H huyện N để thực hiện 02 vụ trộm cắp điện thoại di động, gây thiệt hại 10.000.000 đồng.

Quá quá trình điều tra xác định Nguyễn Văn M đã từng 02 lần bị kết án về tội trộm cắp tài sản: 

Năm 2011, bị cáo bị Tòa án huyện N xử 24 tháng tù về tội trộm cắp tài sản, buộc bồi thường cho bị hại 5.000.000 đồng. Năm 2013, bị cáo chấp hành xong hình phạt tù. Tháng 5/2013, bị cáo thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường. Năm 2016, Tòa án huyện N xử bị cáo M 12 tháng tù về tội trộm cắp tài sản xảy ra tháng 7/2015, buộc bồi thường 3.000.000 đồng cho bị hại vì không thu hồi được tài sản, chưa thi hành nghĩa vụ dân sự.

Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã xác định được M chưa thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án dân sự đối với cả 02 Bản án nêu trên. Tại Bản án năm 2016 không xác định bị cáo M tái phạm, nhưng kết quả thi hành án lại xác định M vẫn chưa thực hiện xong nghĩa vụ dân sự theo Bản án năm 2011. Do đó, Viện kiểm sát huyện N đã xem lại hồ sơ xét xử M năm 2016 thì phát hiện tại kết quả xác nhận thi hành án số 02 ngày 07/10/2016 xác định M đã hoàn thành nghĩa vụ dân sự theo Bản án năm 2011 vào tháng 5/2013.

Vì có sự mâu thuẫn trong việc xác định kết quả thi hành án của M tại bản án năm 2011 giữa 02 lần trả lời kết quả thi hành án đối với M nên Viện kiểm sát huyện N đã có công văn yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự huyện N xác nhận kết quả nào là chính xác để có căn cứ giải quyết. Chi cục Thi hành án huyện N đã có công văn xác định do có sự nhầm lẫn nên giấy xác nhận kết quả thi hành án số 02 ngày 07/10/2016 xác nhận M đã chấp hành xong nghĩa vụ dân sự là không chính xác. Hiện nay, M vẫn chưa chấp hành xong nghĩa vụ dân sự đối với cả 02 bản án (năm 2011 và bản án 2016).

Do việc xác nhận kết quả thi hành án sai nên Bản án năm 2016 đã không tuyên bố M tái phạm. Vì chưa chấp hành xong nghĩa vụ dân sự đối với 02 bản án trên, nên M vẫn còn 02 tiền án chưa được xóa án tích. Tuy nhiên, đối với hành vi phạm tội xảy ra năm 2017, có nhiều quan điểm không thống nhất về việc nên áp dụng tình tiết tăng nặng “tái phạm” hay áp dụng tình tiết định khung “tái phạm nguy hiểm” để truy tố, xét xử bị cáo.

Ảnh minh họa


Quan điểm thứ nhất:  M chỉ bị truy tố, xét xử theo khoản 1 Điều 138 và phải chịu tình tiết tăng nặng tái phạm và phạm tội nhiều lần, bởi vì mặc dù trước lần phạm tội này bị cáo đã có 02 tiền án (Bản án năm 2011 và Bản án 2016) nhưng tại Bản án năm 2016 đã không xác định bị cáo có 01 tiền án, không tuyên bố bị cáo tái phạm nên không có căn cứ để xác định bị cáo tái phạm nguy hiểm. Chỉ áp dụng tình tiết định khung “tái phạm nguy hiểm” khi có Bản án gần nhất tuyên bố bị cáo “tái phạm”.

Quan điểm thứ hai: Cần xác định bị cáo M “tái phạm nguy hiểm” để truy tố, xét xử bị cáo theo điểm c khoản 2 Điều 138. Bỡi lẽ, xét về nhân thân của bị cáo thấy rằng năm 2011, M bị Tòa án xử 24 tháng tù, chưa chấp hành xong nghĩa vụ dân sự. Năm 2015, M tiếp tục phạm tội; năm 2016 M bị xử 12 tháng tù, cũng chưa chấp hành nghĩa vụ dân sự. Năm 2017, M tiếp tục phạm tội và sẽ bị xét xử vào năm 2018. Như vậy, trước lần phạm tội này M đã có 2 tiền án. Tại bản án năm 2011, bị cáo chưa chấp hành xong nghĩa vụ dân sự nhưng do việc trả lời kết quả thi hành án của bị cáo đối với Bản án năm 2011 có sự nhầm lẫn nên Bản án năm 2016 đã không xác định bị cáo có 1 tiền án và không buộc bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng “tái phạm”.

Bị cáo M có hai tiền án chưa được xóa án tích, do đó lần xét xử thứ 3 phải xác định bị cáo M tái phạm nguy hiểm dựa trên những kết quả xác minh về nhân nhân của bị cáo và hành vi phạm tội mà bị cáo gây ra để xác định các tình tiết tái phạm và tái phạm nguy hiểm đối với bị cáo, hơn nữa việc Chi cục thi hành án đã xác nhận có sai sót trong việc xác minh kết quả thi hành án của M theo bản án năm 2011 là đã có căn cứ để xác định Bản án năm 2016 không tuyên bố M tái phạm là không đúng (nếu không có sự nhầm lẫn đó Bản án năm 2016 đương nhiên xác định M tái phạm).

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bỡi lẽ nếu việc xác định tái phạm hay tái phạm nguy hiểm chỉ căn cứ vào những Bản án trước đó là không chính xác, chưa phản ánh được những sự thật khách quan về nhân thân của bị cáo. Nếu chỉ căn cứ vào Bản án gần nhất xem có xác định tái phạm hay không thì mới có căn cứ để xác định tái phạm nguy hiểm sẽ dẫn đến việc áp dụng không đúng pháp luật của nhiều Bản án. Theo điểm b khoản 2 Điều 49 BLHS 1999, Điều 53 BLHS 2015 quy định trường hợp được coi là tái phạm nguy hiểm “Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý”. Như vậy, pháp luật không quy định tái phạm phải được xác định trong bản án, nên có thể xác định tái phạm dựa trên những lần bị kết án của bị cáo mà chưa được xóa án tích hoặc dựa trên những sự thật khách quan khác như do nhầm lẫn, sai sót nên việc tái phạm chưa được thể hiện trong bản án.

Sau khi phát hiện tình tiết mới, Viện kiểm sát huyện N đã đề nghị kháng nghị tái thẩm để xét xử lại vụ án đúng với sự thật khách quan. Nếu lần phạm tội này M không bị áp dụng tình tiết định khung “tái phạm nguy hiểm” thì sau khi Bản án năm 2016 được tái thẩm đã bổ sung tình tiết “tái phạm” thì lại tiếp tục được xác định xuất hiện tình tiết mới và Bản án năm 2018 lại tiếp tục được xét xử lại theo thủ tục tái thẩm. Như vậy, sẽ rất rườm rà, máy móc với những thủ tục không cần thiết, gây mất thời gian cho các cơ quan tiến hành tố tụng, vừa ảnh đến tâm lý của bị cáo do phải xét xử nhiều lần vừa gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Theo quy định tại Điều 49 BLHS 1999, Điều 53 BLHS 2015 về các trường hợp “tái phạm nguy hiểm” vẫn chưa rõ ràng, cụ thể, do đó việc hiểu luật và áp dụng pháp luật chưa có sự thống nhất gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Để việc áp dụng pháp luật được thống nhất cần kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn hoặc Án lệ để thống nhất giải quyết đối với những trường hợp như vụ án nêu trên./.            

Xem thêm>>>

Áp dụng tình tiết giảm nhẹ nào với trường hợp trả lại giá trị tài sản trộm cắp?

Chiếc áo quên tại hiện trường “tố” kẻ nhiều lần trộm cắp

                                                      

(4) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang