Từ 01/01/2018, sẽ không còn “vành móng ngựa”

01/08/2017 03:39

(kiemsat.vn)
Ngày 28/7/2017, Chánh án TAND tối cao đã ký ban hành Thông tư 01/2017/TT-TANDTC, quy định về phòng xử án. Một trong những nội dung đáng chú ý là bục khai báo sẽ được thay thế cho vành móng ngựa.

Đây là một cải cách đột phá, mang tính nhân văn, đề cao nguyên tắc “suy đoán vô tội” và phù hợp với quy định “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Hình ảnh mang tính chất minh họa

Theo Thông tư  01/2017/TT-TANDTC của TAND tối cao thì bị cáo và người tham gia tố tụng khác sẽ có bục khai báo riêng. Vị trí bục khai báo của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác được bố trí đối diện với vị trí của HĐXX.

Bục này nằm phía dưới vị trí của đại diện VKS và người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Tại tòa người tham gia tố tụng khác cũng có thể đứng tại chỗ để khai báo theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.

Thực tiễn xét xử ở nước ta cho thấy, đa số mọi người định kiến rằng bất cứ ai đứng trước vành móng ngựa đều bị hiểu là có tội và phải bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc nên đối xử với họ như với người có tội. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, bị cáo trước khi bị tuyên án thì vẫn được coi là chưa có tội để việc xét xử đảm bảo tính khách quan.

Bên cạnh đó, khi không có luật sư, bị cáo tự thực hiện quyền bào chữa thì sẽ gặp khó khăn vì vành móng ngựa không có chỗ đặt và sử dụng tài liệu.

Thông tư quy định rõ bục khai báo của bị cáo tại phiên tòa được làm bằng gỗ tự nhiên hoặc gỗ công nghiệp, màu nâu. Việc thay vành móng ngựa bằng bục khai báo về cơ bản không thay đổi bản chất của phiên tòa; sự đổi mới này đã được lãnh đạo các cơ quan tố tụng là Bộ Công an, TANDTC và VKSNDTC cũng như các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý đồng thuận ủng hộ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.

Phạm Hằng

(giới thiệu)

Phiên tòa rút kinh nghiệm phải thể hiện văn hóa pháp lý nơi xét xử

(Kiemsat.vn) - Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đã được coi là giải pháp đột phá, hữu hiệu để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án. Vừa qua, TANDTC đã ban hành hướng dẫn số 136/HD-TANDTC ngày 30/3/2017 hướng dẫn công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm.

Thông tư số 10/2016/TT-BTP: Các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức phải bảo đảm mỗi lĩnh vực pháp luật có 01 báo cáo viên pháp luật kiêm nhiệm

(Kiemsat.vn) - Việc công nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật; công nhận, cho thôi làm tuyên truyền viên pháp luật và một số biện pháp bảo đảm hoạt động của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật là những nội dung được quy định tại Thông tư số 10/2016/TT-BTP ngày 22/7/2016 của Bộ Tư Pháp.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang