Thông tư số 10/2016/TT-BTP: Các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức phải bảo đảm mỗi lĩnh vực pháp luật có 01 báo cáo viên pháp luật kiêm nhiệm

09/08/2016 08:40

(kiemsat.vn)
Việc công nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật; công nhận, cho thôi làm tuyên truyền viên pháp luật và một số biện pháp bảo đảm hoạt động của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật là những nội dung được quy định tại Thông tư số 10/2016/TT-BTP ngày 22/7/2016 của Bộ Tư Pháp.

Theo đó, Thông tư số 10/2016/TT-BTP đã bổ sung một số điểm mới đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, về công nhận báo cáo viên pháp luật: Tại Thông tư số 10 đã quy định về số lượng báo cáo viên pháp luật của Bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức do Thủ trưởng đơn vị quyết định nhưng phải bảo đảm mỗi lĩnh vực pháp luật thuộc phạm vi quản lý chuyên sâu có ít nhất 01 báo cáo viên pháp luật kiêm nhiệm thực hiện hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL). Văn bản đề nghị công nhận báo cáo viên pháp luật phải có đầy đủ các thông tin của người được đề nghị công nhận báo cáo viên pháp luật như: Họ và tên; chức vụ, chức danh (nếu có) và cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác; trình độ chuyên môn; lĩnh vực pháp luật chuyên môn sâu dự kiến kiêm nhiệm thực hiện hoạt động PBGDPL.

Thứ hai, về các trường hợp miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật: Thông tư số 10 đã quy định cụ thể, chi tiết hơn về các trường hợp miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật như: Tự nguyện xin thôi làm báo cáo viên pháp luật vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác; và bổ sung thêm trường hợp miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật khi “chuyển công tác khỏi cơ quan, tổ chức đã đề nghị công nhận báo cáo viên pháp luật”, “có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật dân sự”.

Thứ ba, về công nhận tuyên truyền viên pháp luật: Thông tư số 10 đã sửa đổi về thời gian đăng ký làm tuyên truyền viên, thay vì tháng 6 và tháng 12 hằng năm (như quy định củaThông tư số 21), Thông tư số 10 quy định định kỳ tháng 9 hằng năm, công chức Tư pháp – Hộ tịch chủ trì, phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận, Trưởng thôn và người đứng đầu các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn cấp xã thông báo công khai tiêu chuẩn tuyên truyền viên pháp luật để mọi người tự nguyện đăng ký. Sau đó, công chức Tư pháp – Hộ tịch lập danh sách những người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật trên cơ sở trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, công nhận tuyên truyền viên pháp luật.

Thứ tư, về những trường hợp cho thôi làm tuyên truyền viên pháp luật: Thông tư số 10 bổ sung thêm trường hợp “tự nguyện xin thôi làm tuyên truyền viên pháp luật vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác”…

Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/9/2016 và thay thế Thông tư số 21/2013/TT-BTP ngày 18/12/2013 quy định về trình tự, thủ tục công nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật; công nhận, cho thôi làm tuyên truyền viên pháp luật và một số biện pháp bảo đảm hoạt động của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật./.

Ngân Hà (tổng hợp)

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang