Thừa phát lại trong thi hành án dân sự
(kiemsat.vn) Thừa phát lại là gì? Thừa phát lại là ai? các dịch vụ pháp lý mà Thừa phát lại được phép thực hiện hiện nay như thế nào? sẽ được trả lời trong bài viết dưới đây.
TANDTC hướng dẫn cách xác định người đại diện, hoạt động của HTX
Vụ 11 VKSND tối cao sơ kết công tác 6 tháng đầu năm
Kỹ năng kiểm sát việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự
Thực hiện chủ trương xã hội hóa thi hành án dân sự, kể từ năm 2009, chế định pháp luật về Thừa phát lại được khôi phục tại Việt Nam. Từ đó đến nay, Thừa phát lại (Thừa hành viên) ngày càng trở nên quen thuộc. Trên thực tế, các dịch vụ pháp lý liên quan đến các công tác thi hành án dân sự mà Thừa phát lại cung cấp dần trở thành lựa chọn tối ưu cho các khách hàng. Đồng thời, Thừa phát lại còn góp phần san sẻ một phần trách nhiệm, áp lực công việc cho các cơ quan thi hành án dân sự.
Thừa phát lại xuất hiện tại Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc. Trong giai đoạn này, Thừa phát lại có khá nhiều tên gọi khác nhau như: Chưởng Tòa (ở miền Bắc), Mõ Tòa (miền Trung) hay Thừa phát lại (miền Nam). Khi đó, Thừa phát lại có các quyền hạn như: “Thông báo tòa khai mạc và bế mạc; gọi các đương sự, nhân chứng; thi hành lệnh giữ trật tự tại tòa; Tống đạt giấy tờ theo yêu cầu của tòa án, lập các vi bằng…”.[1]
Còn hiện nay, Thừa phát lại được pháp luật trao quyền thực hiện các nhóm quyền hạn như:
– Tống đạt: bản chất của Tống đạt là việc thông báo, giao nhận các văn bản của Tòa án và Cơ quan thi hành án dân sự do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật.[2] Mặc dù, việc tống đạt các văn bản, giấy tờ là công việc khá đơn giản nhưng lại có tầm quan trọng và luôn chiếm khối lượng không nhỏ trong công việc của các cơ quan tiến hành tố tụng và thi hành án dân sự. Bởi “đối với hoạt động tố tụng, cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng đem lại sự thông suốt cho cả quá trình tố tụng, chúng là các mắt xích quan trọng để tiến hành các trình tự tố tụng, chỉ cần các mắt xích đó “lỗi” hoặc “đứt” thì công tác tố tụng bị đình trệ, tắc nghẽn”.[3]
– Lập vi bằng: về bản chất, vi bằng là văn bản pháp lý do Thừa phát lại lập để ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Hoặc nói cách khác, vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Vi bằng là sản phẩm hoàn toàn độc quyền của riêng Thừa phát lại. Bởi ngoài Thừa phát lại thì không một chủ thể nào có quyền lập vi bằng.
– Xác minh điều kiện thi hành án: là việc thu thập thông tin về tiền, tài sản của các chủ thể cá nhân, tổ chức là đối tượng phải thi hành án. Nhờ có sự tham gia của Thừa phát lại, công tác xác minh điều kiện thi hành án trở nên hiệu quả và nhanh chóng hơn.
– Trực tiếp thi hành bản án, quyết định của Thừa phát lại: thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự là hoạt động do Thừa phát lại tiến hành khi trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định dân sự theo yêu cầu của đương sự và sử dụng những biện pháp nghiệp vụ được quy định trong luật Thi hành án dân sự. Trên thực tế, đây là hoạt động rất quan trọng và khó khăn của Thừa phát lại. Nhờ sự tham gia của Thừa phát lại, các bản án, quyết định dân sự đã nhanh chóng được thực hiện từ đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự.
Như vậy, hiện nay, các dịch vụ pháp lý mà Thừa phát lại cung cấp đã bổ sung thêm lựa chọn cho các đương sự khi có nhu cầu liên quan đến các hoạt động của thi hành án dân sự. Tuy nhiên, về lâu dài, cần thiết xây dựng luật về Thừa phát lại như đã từng thực hiện với Luật sư và Công chứng viên trước đây. Bởi có như vậy, sự phổ biến và hiệu lực pháp luật của Thừa phát lại mới thực sự được củng cố và gây được sự tín nhiệm của đông đảo quần chúng nhân dân hơn.
TS.Nguyễn Vinh Hưng
Khoa Luật, ĐHQGHN
- [1] Tổng cục Thi hành án dân sự (2009), Sổ tay Thừa phát lại, Nhà xuất bản Thời đại, tr. 18.
- [2] Khoản 3, Điều 2, Nghị định số 135/NĐ-CP ngày 18/10/2013 về “sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh”.
- [3] Khoa Luật – ĐHQGHN (2014), Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 189 – 190.
Kỹ năng kiểm sát việc áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự
Thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2017: Đã “giải phóng” gần 17 nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
-
7Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.