Thẩm quyền phân chia tài sản chung của vợ, chồng ở giai đoạn Thi hành án dân sự

26/12/2017 02:06

(kiemsat.vn)
Khi đến giai đoạn thi hành án, tưởng như quyền lợi của người được thi hành án sẽ được đảm bảo bằng việc cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành là xong. Nhưng, người được thi hành án lại gặp tiếp rắc rối có phát sinh tranh chấp trong việc xác định, phân chia tài sản chung của vợ, chồng.

Thi hành án dân sự là việc cơ quan có thẩm quyền tổ chức, đưa ra thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi chính đáng của người được thi hành án. Do vậy, thi hành án dân sự được xem là khâu cuối cùng, đánh dấu kết thúc một vụ việc dân sự đã trải qua quá trình tố tụng dân sự kể từ khi Tòa án thụ lý đến khi đưa vụ án ra giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và được đưa ra thi hành án. Khi đến giai đoạn thi hành án, tưởng như quyền lợi của người được thi hành án sẽ được đảm bảo bằng việc cơ quan thi hành án dân sự (CQTHADS) tổ chức thi hành án là đã xong. Thế nhưng, ở giai đoạn này người được thi hành án lại gặp tiếp rắc rối đó là người phải thi hành án có phát sinh tranh chấp trong việc xác định, phân chia tài sản chung của vợ, chồng nên việc thi hành án phải bị tạm hoãn để chờ thực hiện thêm một công đoạn nữa là thực hiện phân chia tài sản chung của vợ, chồng làm cho việc thi hành án bị kéo dài, quyền lợi của người được thi hành án chưa được đáp ứng.

Căn cứ pháp lý được áp dụng để thực hiện phân chia tài sản chung của vợ, chồng ở giai đoạn thi hành án dân sự được quy định tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự (THADS) năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS gọi tắt là (Nghị định số 62).

Theo quy định tại Điều 74 Luật THADS thì điều luật chỉ quy định chung chung về việc phân chia tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung với người khác chứ không có quy định rõ ràng về việc phân chia tài sản chung của vợ, chồng. Để cụ thể hóa quy định này được áp dụng dễ dàng hơn thì tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62 đã hướng dẫn rõ hơn về việc phân chia tài sản chung của vợ, chồng, đó là: “Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết; Trường hợp vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ”. Như vậy, theo hướng dẫn của Nghị định số 62 thì người có thẩm quyền phân chia tài sản chung của vợ, chồng là Chấp hành viên và Tòa án nhưng trước hết và chủ yếu thuộc về Chấp hành viên thực hiện. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết trong trường hợp vợ hoặc chồng không đồng ý với việc phân chia tài sản của Chấp hành viên và có khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết, còn nếu vợ hoặc chồng không đồng ý với việc phân chia tài sản của Chấp hành viên nhưng không có khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thì không làm phát sinh thủ tục giải quyết tại Tòa án cho nên cuối cùng cũng do Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản theo quy định.

Về căn cứ pháp lý quy định Chấp hành viên và Tòa án có quyền phân chia tài sản chung của vợ, chồng ở giai đoạn thi hành án dân sự như đã nêu trên là vậy nhưng trong thực tiễn việc vận dụng quy định này có vướng mắc như sau:

Thứ nhất, đối với Chấp hành viên, trong thực tế khi có phát sinh việc phân chia tài sản chung của vợ, chồng thì hầu hết các vụ việc Chấp hành viên không tự mình thực hiện việc xác định, phân chia phần tài sản của vợ, chồng trong khối tài sản chung mà Chấp hành viên hướng dẫn vợ hoặc chồng khởi kiện ra Tòa án để giải quyết, nếu không có ai khởi kiện thì lúc này Chấp hành viên đứng đơn kiện yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung của vợ, chồng. Sở dĩ có sự bất cập này là do đội ngũ Chấp hành viên hiện nay còn thiếu nhiều so với lượng công việc phát sinh. Mặt khác, một số Chấp hành viên có trình độ chuyên môn còn hạn chế. Trong khi việc phân chia tài sản chung của vợ, chồng đòi hỏi phải tuân thủ theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình và các luật có liên quan. Mà nhất là các quy định về chế độ tài sản chung, riêng của vợ, chồng đối với tài sản là bất động sản rất phức tạp, còn nhiều chồng chéo cho nên Chấp hành viên sẽ gặp khó khăn trong việc xác minh làm rõ về nguồn gốc tài sản, do đó có tiềm ẩn nhiều thiếu sót, thiếu công bằng, thiếu khách quan trong việc xác định, phân chia tài sản chung của vợ, chồng. Vì vậy, việc phân chia tài sản bằng một phán quyết của Tòa án sẽ đảm bảo được tính chính xác và khách quan hơn nên Chấp hành viên chọn cách khởi kiện ra Tòa án là giải pháp hữu hiệu.

Thứ hai, đối với quy định trường hợp vợ hoặc chồng khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo hợp lệ nhưng đa phần đương sự không thực hiện việc khởi kiện ra Tòa án. Bởi vì, tâm lý của họ là sợ tài sản của mình bị giảm xuống nên dây dưa, kéo dài thời gian, không muốn thi hành án. Tuy nhiên, do Luật quy định đương sự có quyền này nên Chấp hành viên cũng phải thực hiện đầy đủ các thủ tục và chờ đến khi hết thời hạn mà họ không khởi kiện thì Chấp hành viên mới thực hiện việc khởi kiện ra Tòa án. Từ đó, đã làm cho vụ việc thi hành án lại kéo dài thêm.

Thứ ba, Tòa án chỉ thực hiện quyền phân chia tài sản khi có vợ hoặc chồng khởi kiện ra Tòa án. Vậy khi có một bên vợ hoặc chồng khởi kiện thì Tòa án thụ lý giải quyết vụ tranh chấp chia tài sản chung của vợ, chồng theo trình tự tố tụng dân sự và lúc này Tòa án xác định CQTHADS sẽ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để trình bày những vấn đề có liên quan trong vụ kiện. Thế nhưng, do nhận thực về pháp luật của Tòa án và CQTHADS còn có quan điểm khác nhau nên việc Tòa án tuyên bản án chưa đảm bảo tính triệt để khi chia tài sản chung của vợ, chồng dẫn đến hiệu quả của bản án không cao. Đó là, CQTHADS ít khi tham gia phiên tòa mà thường xin vắng mặt, vì quan niệm rằng việc xét xử là do Tòa án thực hiện. Tòa án thì quan niệm rằng việc xét xử sẽ tuân theo trình tự tố tụng dân sự nên tôn trọng tuyệt đối quyền tự định đoạt, thỏa thuận của đương sự dẫn đến Tòa án phán quyết trên cơ sở sự thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ, chồng. Điều này, vô tình làm cho một bên vợ hoặc chồng là người phải thi hành án được chia tài sản ít hơn nghĩa vụ phải thi hành án hoặc thỏa thuận không chia một tài sản nào đó để có cơ hội tẩu tán tài sản. Kết quả là bản án chia tài sản chưa triệt để, dẫn đến tài sản không đủ để đảm bảo thi hành án nên lại phải thực hiện tiếp việc khởi kiện để chia tiếp phần tài sản mà vợ, chồng thỏa thuận không chia làm cho vụ việc kéo dài và rơi vào vòng luẩn quẩn.

Để không xảy ra thực trạng nêu trên, theo tôi cần phải có nhận thức pháp luật một cách thấu đáo, đó là, CQTHADS phải tham gia tố tụng để trình bày tất cả những vấn đề có liên quan đến nghĩa vụ thi hành án của đương sự và các tài sản có liên quan. Đồng thời, yêu cầu Tòa án chia tài sản của vợ, chồng một cách triệt để nhằm đảm bảo nghĩa vụ thi hành bản án trước đó. Đối với Tòa án thì cũng cần phân chia tài sản chung của vợ, chồng một cách dứt điểm chứ không căn cứ vào sự tự thỏa thuận của đương sự. Vì bản chất sự việc trong vụ kiện này là chia tài sản chung để đảm bảo thi hành án nó hoàn toàn khác với một vụ kiện mới phát sinh thông thường.

Từ bất cập, hạn chế như đã phân tích nêu trên, để giúp cho các cơ quan tư pháp địa phương có sự vận dụng pháp luật trong thực tiễn được thuận lợi, tôi có đề xuất cơ quan có thẩm quyền Trung ương hướng dẫn kịp thời như sau:

1. Cần xác định Tòa án là chủ thể duy nhất có thẩm quyền phân chia tài sản chung của vợ, chồng ở giai đoạn thi hành án dân sự.

2. Cơ quan thi hành án dân sự cần phải tham gia phiên tòa để trình bày ý kiến về nghĩa vụ thi hành án và cung cấp thông tin về tài sản của đương sự để Tòa án có thêm chứng cứ nhằm tuyên một bản án chính xác, có hiệu quả.

(Trích bài: “Bàn về thẩm quyền phân chia tài sản chung của vợ, chồng ở giai đoạn thi hành án dân sự”, tác giả Nguyễn Thị Ngân, VKSND Tp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Tạp chí Kiểm sát số 14/2017).

Bài viết có liên quan >>>

Chấp hành viên có quyền phân chia tài sản chung hay không?

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang