Quy định về việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công trong ngành KSND

14/08/2018 10:36

(kiemsat.vn)
Nhằm quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, tiêu chuẩn, chế độ, định mức, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm, mới đây, VKSND tối cao đã ban hành Quyết định số 94/QĐ-VKSTC ngày 30/7/2018 về Quy định việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công trong ngành KSND; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/7/2018.

Tài sản công của ngành KSND được quy định bao gồm: Trụ sở làm việc là đất, nhà làm việc, công trình sự nghiệp, nhà lưu trú công vụ và tài sản khác gắn liền với đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; quyền sử dụng đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà lưu trú công vụ; xe ô tô và phương tiện vận tải khác; máy móc, thiết bị quy định tại Điều 3 Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị; quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu; các loại tài sản, hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tài sản khác do pháp luật quy định; tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa

Về nguyên tắc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công, Quyết định nêu rõ: Phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng tài sản công được thực hiện theo đúng quy định tại Luật quản lý, sử dụng tài sản công, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng đơn vị và trách nhiệm phối hợp giữa các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Việc phân cấp phù hợp với quy định về phân cấp quản lý nhà nước theo Luật ngân sách nhà nước năm 2015, phù hợp với thực tế, yêu cầu công tác quản lý tài sản công của ngành KSND. Đối tượng được giao quản lý, sử dụng tài sản công gồm VKSND cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh; VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; VKSND quận, huyện, thị xã, thành phố, thị xã thuộc tỉnh; các đơn vị dự toán trực thuộc VKSND tối cao: Văn phòng, Cục Kế hoạch - Tài chính, Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Trường Đại học Kiểm sát, Trường đào tạo - Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh, Báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát; các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản công tạo điều kiện và nâng cao năng lực quản lý cho VKSND các cấp, đơn vị trực thuộc VKSND tối cao; đồng thời tăng cường thực hiện công tác giám sát, hướng dẫn, kiểm tra về quản lý, sử dụng tài sản công. Mặt khác, tài sản công do nhà nước đầu tư phải được quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, được thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật và giá trị, những tài sản có nguy cơ chịu rủi ro cao do thiên tai, hỏa hoạn và nguyên nhân bất khả kháng khác được quản lý rủi ro về tài chính thông qua bảo hiểm hoặc công cụ khác theo quy định của pháp luật.

Tài sản công phục vụ công tác quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm an ninh của VKSND các cấp, đơn vị trực thuộc phải được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, công năng, đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ theo quy định của pháp luật. Việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công phải tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, việc quản lý, sử dụng tài sản công được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, quy định trên cũng đề cập đến một số nội dung phân cấp thẩm quyền quản lý, sử dụng tài sản công bao gồm: Quyết định mua sắm, thuê tài sản phục vụ hoạt động; quyết định khoán kinh phí sử dụng tài sản công; quyết định việc sử dụng tài sản công; quyết định xử lý tài sản công: Thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và các hình thức xử lý khác đối với tài sản công; quyết định đầu tư xây dựng, bảo dưỡng, sửa chữa, bảo trì tài sản công, cải tạo, nâng cấp, mở rộng trụ sở làm việc.

Xem toàn bộ Quyết định tại đây

Xem thêm >>>

Triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 trong ngành KSND

Hướng dẫn sắp xếp lại, xử lý nhà, đất công từ 01/6/2018

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang