VKSND tối cao hướng dẫn phát hiện vi phạm và thực hiện quyền kháng nghị

07/11/2018 16:57

(kiemsat.vn)
Ngày 01/11/2018, VKSND tối cao ban hành Hướng dẫn số 29/HD-VKSTC về phát hiện vi phạm và thực hiện quyền kháng nghị đối với những vi phạm trong việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động, phá sản và xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

Theo đó, VKSND tối cao hướng dẫn VKSND cấp cao, VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương một số nội dung trong việc phát hiện vi phạm và thực hiện quyền kháng nghị như sau:

Về đối tượng kháng nghị

- Đối tượng kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm: 

Đối với vụ án hành chính gồm Bản án sơ thẩm; Quyết định tạm đình chỉ; Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.

+ Đối với vụ việc kinh doanh thương mại, lao động: Đối tượng kháng nghị gồm Bản án sơ thẩm; Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án kinh doanh thương mại, lao động; Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án kinh doanh thương mại, lao động của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.

+ Đối với thủ tục phá sản: Đối tượng kháng nghị gồm các quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nhân dân: Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản; Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

+ Đối với xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/1/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, sau đây viết tắt là Pháp lệnh 09): Đối tượng kháng nghị gồm Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Quyết định không áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

- Đối tượng kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm: (Chỉ áp dụng đối với vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại và lao động) thì đối tượng kháng nghị gồm Bản án; Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Ảnh minh họa (Internet)

Nội dung, phương pháp phát hiện vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị:

- Đối với án hành chính; án kinh doanh – thương mại, lao động: Phát hiện vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm và thực hiện quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

- Đối với thủ tục phá sản: VKSND thực hiện quyền kháng nghị đối với quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản; Viện kiểm sát tiến hành xem xét để thực hiện kháng nghị quyết định tuyên bố phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

- Đối với việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND (Pháp lệnh 09): Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật quy định tại khoản 2 Điều 30 Pháp lệnh số 09.

Để thực hiện thẩm quyền kháng nghị của Viện kiểm sát đối với những quyết định cần chú ý đối với Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Quyết định không áp dụng biện pháp xử lý hành chính và Quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì tổng hợp, phản ánh về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 10) để xem xét, bổ sung cho phù hợp.

Xem toàn bộ Hướng dẫn tại đây

Xem thêm >>>

Hướng dẫn viết kháng nghị trong kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự

Viện kiểm sát kháng nghị chuyển tội danh thành giết người với những kẻ côn đồ

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang