VKSND tối cao hướng dẫn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự năm 2019

26/01/2019 19:44

(kiemsat.vn)
Vừa qua, VKSND tối cao ban hành Hướng dẫn số 03/HD-VKSTC về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình năm 2019 đến các VKS địa phương.

Theo đó, 05 nhiệm vụ trọng tâm được VKSND tối cao hướng dẫn tới các VKS địa phương bao gồm:

1. VKSND các cấp tập trung chỉ đạo Kiểm sát viên, công chức phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát theo đúng quy định của BLTTDS để khắc phục hạn chế, thiếu sót, thực hiện đầy đủ các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trong lĩnh vực này; đặc biệt chú trọng vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát, của Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự liên quan đến đất đai.

2. Nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, phiên họp, nhất là đối với các vụ án về tranh chấp đất đai: Viện kiểm sát nhân dân các cấp tăng cường các biện pháp để nâng cao chất lượng Bài phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình (sau đây viết tắt là vụ việc dân sự). Viện kiểm sát các cấp tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng Bài phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, nhất là phiên tòa xét xử các vụ án tranh chấp về đất đai. Đối với những vụ án dân sự phức tạp, kéo dài, có nhiều quan điểm cần phải có ý kiến của tập thể Lãnh đạo Viện, Ủy ban Kiểm sát hoặc thỉnh thị Viện kiểm sát cấp trên trước khi Kiểm sát viên tham gia phiên tòa. Dự thảo Bài phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa phải được Lãnh đạo VKSND phê duyệt. Tăng cường kiểm tra chất lượng nghiên cứu lập hồ sơ, chất lượng báo cáo đề xuất quan điểm giải quyết vụ việc và Bài phát biểu của Kiểm sát viên.

Ảnh minh họa

3. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao “Về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính”, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự. Viện kiểm sát cấp sơ thẩm phải tích cực phát hiện vi phạm để tăng cường kháng nghị phúc thẩm ngang cấp, Viện kiểm sát cấp trên có trách nhiệm bảo vệ kháng nghị; trường hợp kháng nghị của Viện kiểm sát có căn cứ nhưng không được Tòa án chấp nhận thì phải báo cáo để Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Kháng nghị không được Hội đồng xét xử chấp nhận cần tổ chức rút kinh nghiệm kịp thời.

4. Tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ, thỉnh thị, thông báo và tổ chức rút kinh nghiệm: Viện kiểm sát cấp dưới chủ động đề nghị Viện kiểm sát cấp trên giải đáp những khó khăn vướng mắc trong áp dụng các quy định của pháp luật; những vụ việc phức tạp có nhiều quan điểm hoặc các vụ việc mới phát sinh chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết phải xin ý kiến của Viện kiểm sát cấp trên trước khi tham gia phiên tòa. Viện kiểm sát cấp trên phải tích cực hướng dẫn và trả lời thỉnh thị theo đúng quy định của Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 28/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Viện kiểm sát các cấp tăng cường thông báo và tổ chức rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự.

5. Tăng cường công tác kiểm tra: Thực hiện nghiêm chỉnh Kế hoạch kiểm tra của ngành Kiểm sát nhân dân số 02/KH-VKSTC ngày 01/01/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao với các hình thức phù hợp, như: Tự kiểm tra; trực tiếp kiểm tra; kiểm tra đột xuất; kiểm tra chéo… nhằm bảo đảm mục đích và yêu cầu của công tác kiểm tra.

Viện kiểm sát cấp trên tích cực, chủ động theo dõi hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự của Viện kiểm sát cấp dưới, trên cơ sở đó thực hiện việc kiểm tra để hướng dẫn các đơn vị làm chưa tốt đồng thời nhân rộng cách làm hay của những đơn vị làm tốt để các đơn vị trong toàn ngành nghiên cứu áp dụng.

Ngoài ra, VKSND tối cao còn hướng dẫn cụ thể một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể tới VKS địa phương như: Kiểm sát 100% bản án, quyết định giải quyết vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình của Tòa án; thực hiện thẩm quyền kháng nghị ngang cấp theo thủ tục phúc thẩm, nhằm giảm tỷ lệ bản án, quyết định của Tòa án bị Tòa án cấp trên hủy, sửa có trách nhiệm của Viện kiểm sát, đồng thời nâng tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát ngang cấp; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; công tác kiến nghị; phối hợp, tổ chức các phiên tòa để rút kinh nghiệm; tăng cường thông báo và tổ chức rút kinh nghiệm, hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc, trả lời thỉnh thị và xác định nội dung đột phá...

Tải toàn bộ hướng dẫn tại đây

Hướng dẫn thủ tục hành chính trong quản lý, sử dụng tài sản công trong ngành KSND

(Kiemsat.vn) - Để thực hiện thống nhất việc quản lý nhà nước đối với tài sản công trong ngành KSND theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, ngày 13/11/2018, VKSND tối cao ban hành Công văn số 4931/VKSTC-C3 hướng dẫn một số thủ tục hành chính trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công. 

VKSND tối cao tập huấn hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý văn bản

(Kiemsat.vn) - Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, thực hiện cải cách hành chính, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành các nghiệp vụ trong đơn vị, sáng nay, tại trụ sở, VKSND tối cao đã tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý văn bản.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang