VKSND tối cao ban hành Quy chế kiểm sát việc TAND xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp hành chính

19/02/2024 11:12

(kiemsat.vn)
Quy chế kiểm sát việc TAND xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp hành chính được áp dụng đối với VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện; Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức khác và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.

Ngày 31/01/2024, VKSND tối cao ban hành Quy chế kiểm sát việc TAND xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính kèm theo Quyết định số 16/QĐ VKSTC của Viện trưởng VKSND tối cao (gọi tắt là Quy chế). Theo đó, Quy chế này quy định hoạt động kiểm sát việc TAND xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây viết tắt là biện pháp xử lý hành chính) và biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng. Quy chế này không điều chỉnh các hoạt động kiểm sát việc xem xét, quyết định hoãn hoặc miễn chấp hành; giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại của Tòa án; hoạt động kiểm sát việc giải quyết khiếu nại hành vi của người có thẩm quyền của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Đối tượng kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của Tòa án, Thẩm phán, Thư ký Tòa án; người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (sau đây viết tắt là người bị đề nghị); người đại diện hợp pháp của họ; cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên; người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị; cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong quá trình Tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc.

Phạm vi kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính bắt đầu từ khi Viện kiểm sát nhận được thông báo thụ lý hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đến khi có quyết định giải quyết việc xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà không có khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15 ngày 13/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND (Pháp lệnh số 03/2022).

Ảnh minh họa.

Khi kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, VKSND có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

Kiểm sát việc thụ lý hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; kiểm sát việc yêu cầu bổ sung tài liệu; kiểm sát việc mở phiên họp, hoãn phiên họp; sao chụp, nghiên cứu hồ sơ; tham gia phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án; phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với các quyết định giải quyết của Tòa án; kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên họp; phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát tại phiên họp.

Kiểm sát quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; kiểm sát quyết định áp dụng, không áp dụng biện pháp xử lý hành chính, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng; kiểm sát việc thụ lý, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quyết định của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính; thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của Pháp lệnh số 03/2022; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Quy chế nêu rõ, trong quá trình kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, nếu phát hiện thiếu sót, vi phạm pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan khác thì Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị khắc phục vi phạm và phòng ngừa vi phạm theo quy định tại Điều 5 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và Điều 4 Pháp lệnh số 03/2022. Việc kiến nghị được thực hiện đối với từng vi phạm cụ thể hoặc tổng hợp vi phạm để kiến nghị chung. Văn bản kiến nghị của Viện kiểm sát ghi thời hạn cơ quan, tổ chức, cá nhân trả lời kiến nghị và Viện kiểm sát đã kiến nghị phải theo dõi việc trả lời kiến nghị theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Tổ chức VKSND năm 2014.

Viện trưởng VKSND cấp huyện kháng nghị đối với quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; quyết định áp dụng, quyết định không áp dụng biện pháp xử lý hành chính, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng của TAND cùng cấp khi có căn cứ cho rằng các quyết định đó là trái pháp luật.

Thời hạn kháng nghị của VKSND cấp huyện là 05 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án công bố quyết định hoặc kể từ ngày nhận được quyết định trong trường hợp Tòa án ra quyết định mà không mở phiên họp theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Pháp lệnh số 03/2022. Quyết định kháng nghị được lập theo mẫu do VKSND tối cao ban hành và lưu vào hồ sơ kiểm sát.

VKSND cấp huyện phải gửi quyết định kháng nghị cho TAND cùng cấp, VKSND cấp tỉnh và những người có liên quan ngay sau khi ban hành.

Quy chế kiểm sát việc TAND xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp hành chính được ban hành kèm theo Quyết định số 16/QĐ-VKSTC ngày 31/01/2024 của Viện trưởng VKSND tối cao gồm 5 chương, 38 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Quy chế này thay thế Quy chế kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND ban hành kèm theo Quyết định số 299/QĐ-VKSTC ngày 19/8/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao.

Hướng dẫn thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự các cấp

(Kiemsat.vn) - Chánh án TAND tối cao ban hành Thông tư 03/2023/TT-TANDTC ngày 28/12/2023 hướng dẫn thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2024.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang