VKSND tỉnh Vĩnh Phúc kháng nghị bản án dân sự của TAND thành phố Phúc Yên do vi phạm trong việc xác định sai quan hệ tranh chấp
(kiemsat.vn) Thông qua công tác kiểm sát bản án, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án dân sự sơ thẩm số 04/2023/DS-ST ngày 10/4/2023 của TAND thành phố Phúc Yên do có vi phạm trong việc xác định sai quan hệ tranh chấp dẫn đến áp dụng pháp luật không đúng, ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự và Nhà nước.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự
Nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án liên quan đến hoạt động xuất, nhập cảnh và vũ khí, vật liệu nổ
Thực tiễn thi hành pháp luật tố tụng hình sự trong giải quyết các vụ án, vụ việc liên quan đến động vật hoang dã
Tại quyết định kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc xác định: Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2023/DS-ST ngày 10/04/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Phúc Yên giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm “Về việc tranh chấp kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất và buộc tháo dỡ công trình xây dựng trên đất”, giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Tiến D (sinh năm 1968, địa chỉ tại Tổ 2, phường Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) và bị đơn là bà Trần Thị A (sinh ngày 05/10/1963, địa chỉ tại Tổ 2, phường Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) có vi phạm trong việc xác định sai quan hệ tranh chấp dẫn đến áp dụng pháp luật không đúng.
Cụ thể, các đương sự đều thừa nhận, ngày 09/3/1993 bố ông D là cụ N có mua của ông V chồng bà A 01 căn nhà cấp 3 và công trình phụ nằm trên thửa đất diện tích 118,2 m². Khi mua hai bên có thỏa thuận phần đầu 0,45m ở lối đi rãnh nước thuộc quyền sử dụng của ông N, nhưng không được xây dựng gì làm ảnh hưởng đến lối đi. Năm 2012, cụ N tặng cho ông D toàn bộ nhà ở và diện tích đất mua của ông V và ông D được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 119,6 m² (trong diện tích 119,6 m² gồm cả phần lối đi 0,45m). Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay ông D sử dụng nhà và công trình phụ xây trên diện tích đất còn thiếu so với diện tích đã mua của ông V cũng như diện tích đã được cấp trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do đó ông D khởi kiện để đòi bà A diện tích 22,3m² cho đủ diện tích đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án này là “Tranh chấp kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất”.
Việc Tòa án xác định quan hệ tranh chấp là “Kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất” là không chính xác bởi lẽ:
Thứ nhất, giữa ông D và gia đình bà A phát sinh tranh chấp xuất phát từ việc mua bán nhà, đất, không phải phát sinh từ việc cho mượn, thuê hay cho ở nhờ.
Thứ hai, phần diện tích đất tranh chấp là một phần của thửa đất số 47 có vị trí nằm giáp ranh giữa công trình nhà ở của ông D với lối đi vào nhà bà A nên đây là tranh chấp về ranh giới quyền sử dụng đất.
Thứ ba, trong giấy mua bán nhà ở ngày 09/3/1993 giữa ông V và cụ N cũng chỉ thể hiện tứ cận mà không có kích thước đầy đủ các cạnh. Ông D mặc dù được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 119,6m2 nhưng thực tế ông sử dụng ít hơn diện tích đã mua từ năm 1993 và gia đình ông cũng không xác định được mốc giới thửa đất đã mua nên mới phát sinh tranh chấp. Ông D cho rằng phần đất 0,45m đã thỏa thuận thuộc quyền quản lý, sử dụng của gia đình ông nhưng bà A không đồng ý trả vì bà A cho rằng diện tích đất ông V bán cho cụ N là 118,2m2 chứ không phải 119,6m2 như trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông D. Mặt khác, phần đất 0,45m khi mua bán hai bên đã thỏa thuận không được xây dựng công trình gì ảnh hưởng đến lối đi nên không đồng ý trả mà để làm lối đi chung. Do đó, trong trường hợp này giữa ông D và bà A vẫn đang tranh chấp về số diện tích đất đã mua, bán cũng như tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đối với phần 0,45m đất giáp ranh giữa 2 gia đình nên phải xác định quan hệ tranh chấp là tranh chấp quyền sử dụng đất mà cụ thể là “Tranh chấp ranh giới quyền sử dụng đất” mới đúng.
Việc xác định sai quan hệ tranh chấp như trên đã vi phạm điểm c khoản 2 Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Hậu quả của việc Tòa án xác định sai quan hệ tranh chấp dẫn đến việc áp dụng pháp luật không đúng, ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự và Nhà nước.
Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
“1.
…
2. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Lập hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 198 của Bộ luật này;
b) Xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác;
c) Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng;
d) Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án;
đ) Xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này;
e) Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
g) Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn;
h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật này”.
Với những vi phạm nêu trên, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị TAND tỉnh Vĩnh Phúc xét xử phúc thẩm theo hướng: Sửa Bản án sơ thẩm số 04/2023/DS-ST ngày 10/4/2023 của TAND thành phố Phúc Yên. Ngày 12/8/2023, TAND tỉnh Vĩnh Phúc xét xử chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKSND tỉnh Vĩnh Phúc, kháng nghị có căn cứ sửa quan hệ tranh chấp, từ đó sửa về án phí buộc bên bị đơn phải chịu án phí có giá ngạch đối với diện tích tranh chấp.
Bài viết chưa có bình luận nào.