Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ (từ 1960 đến 2020)

05/04/2020 08:21

(kiemsat.vn)
Giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015

Quán triệt Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội các năm từ 2011 đến 2015, đặc biệt là những chủ trương của Đảng và Nhà nước về Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, từ năm 2011 đến năm 2014, ngành Kiểm sát nhân dân đã đề ra và quán triệt thực hiện nghiêm túc chủ trương “Đổi mới, chất lượng, kỷ cương, hướng về cơ sở”, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đột phá, nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều thành tựu nổi bật, tạo sự chuyển biến thật sự trên các mặt công tác, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và của Ngành. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có nhiều biện pháp chỉ đạo toàn Ngành tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tăng cường trách nhiệm đối với hoạt động điều tra; nâng cao chất lượng xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa; đổi mới công tác điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thực hiện hiệu quả quyền hạn, trách nhiệm trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, các vụ án hành chính và các việc khác theo quy định của pháp luật; chú trọng công tác nghiên cứu khoa học và xây dựng pháp luật; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ; mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế. Tập trung thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các đề án về cải cách tư pháp; đảm bảo các điều kiện về trụ sở làm việc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát các cấp tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy chế tổ chức hoạt động và quy chế nghiệp vụ theo hướng đề cao trách nhiệm của lãnh đạo, Kiểm sát viên Viện kiểm sát các cấp; xây dựng, ban hành nhiều quy chế nghiệp vụ như: Quy chế công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự; Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính; Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự; Quy chế sửa đổi, bổ sung về chức trách, nhiệm vụ và chế độ làm việc của các Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm;... phối hợp xây dựng, ban hành quy chế phối hợp công tác giữa Viện kiểm sát với các cơ quan hữu quan, nhất là các cơ quan tư pháp như đã phối hợp xây dựng, ban hành Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao với Văn phòng Chủ tịch nước; Quy chế phối hợp giữa các Vụ nghiệp vụ Viện kiểm sát nhân dân tối cao với Cơ quan điều tra, Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an...

Viện kiểm sát các cấp đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức khảo sát, nghiên cứu đề xuất biện pháp thực hiện Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị. Trên cơ sở tổng hợp kết quả khảo sát, đề xuất thành lập Viện kiểm sát cấp cao, thực hiện Đề án thành lập Viện kiểm sát các cấp theo Kết luận của Bộ Chính trị, đảm bảo tiến độ. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy chế trong các lĩnh vực công tác, theo hướng nâng cao trách nhiệm của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc và Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp. Quan tâm nghiên cứu, nâng cao chất lượng các đề tài khoa học, chuyên đề nghiệp vụ; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo; tổng kết kinh nghiệm thực tiễn; hướng dẫn, chỉ đạo và giải quyết kịp thời những vướng mắc của Viện kiểm sát cấp dưới trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ động phối hợp với Bộ Công an và Liên đoàn Luật sư Việt Nam xây dựng các quy chế phối hợp nhằm tăng cường quan hệ phối hợp trong công tác, tạo điều kiện hỗ trợ nhau giải quyết tốt nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của mỗi cơ quan.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao triển khai, thực hiện nhiều biện pháp chỉ đạo tăng cường kỷ cương, kỷ luật nghiệp vụ; thường xuyên đôn đốc, yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao chấp hành nghiêm quy chế nghiệp vụ, quy chế về thông tin, báo cáo, quản lý công tác và các quy định liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành; quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; gắn công tác bồi dưỡng tuyển chọn Kiểm sát viên tiêu biểu với cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát: “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Xây dựng, triển khai thực hiện Đề án thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội theo định hướng xây dựng Trường trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành và cho đất nước.

Ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW và Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 92-KL/TW về cải cách tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã xây dựng Kế hoạch số 08-KH/BCS ngày 09/5/2014 và tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai các nhiệm vụ của Viện kiểm sát đảm bảo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả trong toàn Ngành. Toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; trong đó đã xác định: “Tăng cường các biện pháp chống oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm” là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo toàn Ngành thực hiện nhiều nội dung đột phá nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013, Nghị quyết số 63/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, Nghị quyết số 96/2015/QH13 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp về phòng chống oan, sai và đảm bảo bồi thường cho những người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự. Để triển khai, thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã khởi tố điều tra nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp; tỉ lệ hồ sơ Tòa án trả để điều tra bổ sung chiếm tỉ lệ thấp; kiểm sát chặt chẽ và khắc phục các trường hợp lạm dụng đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự; chất lượng tranh tụng có nhiều tiến bộ; việc đề nghị mức án bảo đảm có căn cứ pháp luật, cơ bản được Tòa án chấp nhận. Làm tốt công tác phát hiện vi phạm, kiến nghị, kháng nghị và báo cáo tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; đã ban hành nhiều kiến nghị, kháng nghị yêu cầu cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa vi phạm, bảo đảm pháp chế trong hoạt động tư pháp.

Quán triệt, thực hiện nghiêm túc các kết luận, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, đặc biệt là Thông báo số 92-TB/BCĐTW ngày 17/7/2014 về Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngành Kiểm sát nhân dân đã kịp thời tổ chức hội nghị nâng cao chất lượng công tác giải quyết án tham nhũng, tiến hành kiểm tra, rà soát, đôn đốc, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án về tham nhũng, nhất là đối với các vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy thành phố trực thuộc trung ương theo dõi, chỉ đạo. Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố và xét xử những vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chức vụ do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Đã thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chức vụ, như: Các vụ án xảy ra tại Ngân hàng Agribank, Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank), vụ án xảy ra tại Ban quản lý các dự án đường sắt thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam...; đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm, phúc thẩm những vụ án lớn như: Vụ Dương Chí Dũng, vụ Vũ Quốc Hảo, vụ Nguyễn Hữu Mãng, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Vũ Việt Hùng, vụ Nguyễn Đức Kiên… được xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, được Đảng, Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao, dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.

Ngành Kiểm sát nhân dân đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động nghiệp vụ, công vụ và nội vụ. Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động, xây dựng hệ thống thanh tra của Ngành; thành lập các đơn vị, bộ phận thanh tra tại Viện kiểm sát cấp tỉnh; kiện toàn đội ngũ, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thanh tra; đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế công tác thanh tra. Tăng cường các hình thức hoạt động thanh tra, kiểm tra; đổi mới công tác kiểm tra toàn diện; tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong thực hiện Nghị quyết số 63/2013/QH13 và Nghị quyết số 96/2015/QH13 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp về phòng chống oan, sai và đảm bảo bồi thường cho những người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự. Tiến hành xử lý nghiêm minh, kịp thời những cá nhân, tập thể vi phạm, đặc biệt là để xảy ra oan, sai; thụ lý, xác minh kịp thời và xử lý đúng pháp luật những khiếu nại, tố cáo về cán bộ. Kết quả công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, chất lượng công tác nghiệp vụ và kỷ cương, kỷ luật công vụ, nội vụ, tăng cường sự đoàn kết nội bộ các đơn vị và trong Ngành.

Ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan đầu mối ở Trung ương để thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự: Viện kiểm sát nhân dân tối cao hợp tác ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn với Viện kiểm sát, Viện công tố các nước, các tổ chức quốc tế, cơ quan tư pháp các nước trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia và xây dựng thể chế.

Ngành Kiểm sát nhân dân đã thực hiện nghiêm túc, chất lượng việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, tham mưu xây dựng chế định Viện kiểm sát nhân dân và đóng góp nhiều ý kiến trong quá trình soạn thảo Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, tiến hành tổng kết việc thực hiện Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 và nhiều đạo luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động của ngành; trên cơ sở đó, chủ trì soạn thảo trình Quốc hội thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015… Các dự án luật do Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì xây dựng thể hiện tốt các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động tư pháp ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Viện kiểm sát nhân dân có chức năng là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 được ban hành là sự kiện quan trọng và là cơ sở pháp lý, mở ra một thời kỳ phát triển mới của ngành Kiểm sát nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng,Viện trưởng Viện kiểm sát nhân tối cao phát biểu kết luận Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2013

 

( Còn tiếp)

 

 

 

 

 

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang