Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ (từ 1960 đến 2020)

03/04/2020 21:35

(kiemsat.vn)
Giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2010

Thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng về cải cách bộ máy nhà nước, cải cách tư pháp được nêu trong Nghị quyết Đại hội IX của Đảng trên cơ sở tổng kết 15 năm đồi mới, Quốc hội khoá X đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, tiếp tục hiến định Viện kiểm sát nhân dân có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật nhưng chỉ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các hoạt động tư pháp. Cũng từ giai đoạn này, Viện kiểm sát nhân dân không thực hiện công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội (kiểm sát chung).

Ngày 02/01/2002, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, đã nhấn mạnh đến trách nhiệm của Viện kiểm sát trong thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp. Nghị quyết số 08-NQ/TW nêu rõ: “Viện kiểm sát các cấp thực hiện tốt chức năng công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp. Hoạt động công tố phải được thực hiện ngay từ khi khởi tố vụ án và trong suốt quá trình tố tụng nhằm bảo đảm không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội, xử lý kịp thời những trường hợp sai phạm của những người tiến hành tố tụng khi thi hành nhiệm vụ. Nâng cao chất lượng công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm tranh tụng dân chủ với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác...”. Đồng thời, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp, trong đó có cán bộ ngành Kiểm sát, Nghị quyết số 08-NQ/TW nhấn mạnh phải đổi mới công tác đào tạo cán bộ có chức danh tư pháp; nâng cao tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức và nghề nghiệp chuyên môn của các cán bộ tư pháp; thực hiện luân chuyển cán bộ tư pháp giữa các cấp và các địa phương, đồng thời xây dựng chế độ, chính sách phù hợp để thực hiện việc luân chuyển đó. Rà soát lại đội ngũ cán bộ tư pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh...

Ngày 02/4/2002, Quốc hội đã thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002. Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp. Viện kiểm sát thực hiện chức năng, nhiệm vụ bằng 06 công tác sau: Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự; Điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ các cơ quan tư pháp; Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử các vụ án hình sự; Kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án nhân dân; Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù.

Quán triệt quan điểm đổi mới và nội dung cải cách tư pháp được thể hiện trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng; thực hiện các quy định mới của pháp luật, các nghị quyết của Quốc hội, ngành Kiểm sát nhân dân đã có những bước chuyển mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động. Viện kiểm sát các cấp đã có nhiều biện pháp đổi mới trong thực hành quyền công tố, đấu tranh chống làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm. Phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan tư pháp, đưa ra truy tố, xét xử được nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tham nhũng, ma túy, các tội phạm nguy hiểm xâm phạm trật tự, trị an... Tăng cường kiểm sát các hoạt động tư pháp, phát hiện và ban hành được nhiều kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu các cơ quan hữu quan khắc phục các vi phạm pháp luật. Chú trọng xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên giữ gìn phẩm chất đạo đức, đặc biệt là việc nâng cao tiêu chuẩn về trình độ pháp lý của đội ngũ Kiểm sát viên để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Đồng chí Trần Quốc Vượng - Viện trưởng VKSND tối cao cùng cán bộ cơ quan VKSND tối cao. 

( Còn tiếp)

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang