Vì sao tham nhũng “không có đất sống” ở Singapore?
Singapore được công nhận vì hệ thống luật không để lọt bất kỳ hành vi hối lộ và tham nhũng nào. Đây cũng là quốc gia châu Á duy nhất luôn duy trì trong top 10 nước có tỷ lệ tham nhũng thấp nhất thế giới theo số liệu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế.
Truy đến cùng nguồn gốc của tài sản bất minh
Singapore trở thành nước có ‘hộ chiếu quyền lực nhất thế giới’
Trung Quốc tổng kết 5 năm chiến dịch chống tham nhũng
Đáng chú ý nhất, vào năm 2016, Singapore vươn lên vị trí thứ 7 trong danh sách, đứng trước Hà Lan, Canada và Đức. Sự vượt trội của Singapore trên bảng chỉ số tham nhũng có thể nói là nhờ vào các quy định pháp luật chặt chẽ, như Luật Phòng chống Tham nhũng và cách thức hành pháp nghiêm ngặt của những cơ quan thi hành luật như Cục Điều tra các hành động tham nhũng (CPIB).
Tuy nhiên, theo Channel News Asia, thời gian qua ngày càng nhiều tin tức bất thường về các cá nhân đứng đầu nhận hối lộ để đổi lấy đặc ân. Hai tuần trước, một quan chức nhập cư đã bị buộc tội nhận hối lộ để cho phép một hoạt động xã hội được thông qua.
Hay chỉ mới tuần vừa rồi, một cựu nhân viên tuyển dụng cấp cao tại Tập đoàn Keppel Shipyard đã bị cáo buộc thực hiện gần 400 lần tham nhũng, nhận hối lộ để đối lấy việc giúp các công ty tăng cường lợi ích kinh doanh với tập đoàn.
Nhiều trường hợp tham nhũng ở Singapore được đưa ra ánh sáng thời gian gần đây. Nguồn: Reuters
Các trường hợp gần đây là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi tính chất của các vụ việc tham nhũng ngày càng liên quan đến các quan chức có vị trí cao trong các cơ quan chính phủ.
Năm 2013, người đứng đầu Lực lượng Quốc phòng Dân sự Singapore bị kết án vì trao đổi tình dục lấy các hợp đồng kinh doanh. Năm 2014, một cựu Phó giám đốc CPIB cũng bị phạt tù 10 năm vì chiếm đoạt 1,76 triệu đô la Singapore.
Mặc dù những vụ gần đây có vẻ kém nghiêm trọng hơn do số tiền không lớn và địa vị của các bị cáo thấp hơn, song điều đó cũng cho thấy khung quy định và luật pháp hiện tại của Singapore chưa thực sự phù hợp để phát hiện và chấm dứt tình trạng hối lộ cũng như tham nhũng.
Theo chuyên gia Madeline Ong, giáo sư nguồn nhân lực và ứng xử tổ chức tại ĐH Quản lý Singapore thuộc trường kinh tế Lee Kong Chian, phải thừa nhận rằng, không thể hiện thực hóa hy vọng tỷ lệ tham nhũng bằng không, vì vậy để đạt được thành công trong vấn đề này điều quan trọng là phải có các cuộc kiểm tra và cân bằng nghiêm ngặt để đối phó với tham nhũng, giảm các rủi ro tương ứng và xây dựng một văn hóa đạo đức mạnh mẽ.
Các công ty làm chưa đủ
Các nhà nghiên cứu về lối ứng xử phi đạo đức đã tìm ra rằng sự lan tỏa của nạn tham nhũng có thể là do mối liên hệ của các nhân tố cấp độ cá nhân, công ty và chính quyền.
Mặc dù Singapore có hệ thống luật pháp rộng, phát triển nhanh để xóa nạn tham nhũng, song một số công ty ở Singapore vẫn chưa thực hiện đầy đủ để đảm bảo một môi trường làm việc không tham nhũng và bản thân người dân Singapore cũng chưa làm đủ để vượt qua được sự cám dỗ tâm lý liên quan đến các hành vi phi đạo đức.
Các công ty có thể tác động tới sự tham nhũng thông qua môi trường làm việc mà họ tạo ra, từ đó hình thành nên hành động của các nhân viên. Ví dụ, Singtel được công nhận bởi chính sách không để lọt đối với bất kỳ hành vi gian lận và tham nhũng nào. Việc các nhân viên không tuân thủ quy tắc hành xử có thể dẫn tới việc bị kỷ luật nặng, bao gồm thôi việc hoặc đối mặt với nhiều cáo buộc khác.
Singtel là một mô hình công ty xây dựng được thương hiệu đạo đức tốt.
Singtel cũng có một đường dây nóng độc lập, do một bên thứ ba bên ngoài cung cấp và quản lý, cho phép các nhân viên báo cáo những vụ việc liên quan đến cách hành xử không phù hợp. Công ty cũng thực hiện các hoạt động giáo dục nhân viên, tổ chức chương trình huấn luyện nhận thức gian lận cho các nhân viên mới để giúp họ tiếp thu văn hóa đạo đức của công ty.
Các nỗ lực của Singtel có thể đã gặt hái được thành quả. Công ty này thường xuyên xuất hiện trên danh sách Những công ty đạo đức nhất thế giới của Viện Ethisphere có trụ sở tại Mỹ.
Đối lập, có những công ty khác ít dành sự quan tâm hoặc không chú ý tới các chính sách đạo đức hay bộ quy tắc hành xử như vậy. Nhân viên ở đây không bị phạt nếu thực hiện các hành vi phi đạo đức, đơn giản vì hành động của họ không bị coi là tham nhũng.
Thỉnh thoảng, nhân viên ở những công ty này còn được khen ngợi nếu hành động của họ mang lại lợi ích về thu nhập cho công ty, ví dụ như đảm bảo một hợp đồng kinh doanh hay đạt được doanh số bán hàng lớn.
Trên thế giới trong vài năm qua, cũng có hàng loạt vụ việc bị phanh phui, bao gồm bê bối gian lận của Wells Fargo, tạo ra hàng triệu tài khoản tiết kiệm cho các khách hàng mà không có sự chấp thuận của họ; hay bê bối của Volkswagen khi các nhà sản xuất chủ định lập trình cho động cơ diesel để kích hoạt hệ thống kiểm soát khí thải trong quá trình kiểm tra mức độ khí thải trong phòng thí nghiệm.
Lãnh đạo là tấm gương
Lãnh đạo của các tổ chức phải chịu trách nhiệm, không chỉ là đảm bảo rằng có các chính sách đạo đức và hành xử mà còn phải làm tấm gương ứng xử đạo đức cho nhân viên của mình noi theo.
Trong nghiên cứu mới của giáo sư Madeline Ong, nhân viên hy vọng các lãnh đạo có thái độ chuẩn mực trước những hành vi phi đạo đức, ngăn chặn các hoạt động đó xảy ra. Nếu trong một môi trường các cá nhân cấp cao liên quan đến những hành động không đúng mực thì các nhân viên cấp dưới cũng sẽ vi phạm tương tự, cho phép hành vi xấu bắt rễ và lan rộng trong tổ chức đó.
Thủ tướng đầu tiên của Singapore, Lý Quang Diệu là người rất rõ ràng về quan điểm lãnh đạo trong sạch, liêm khiết, không tham nhũng. Trong quá trình xây dựng nên chính phủ Singapore, ông Lý tuyên bố các lãnh đạo cần phải giữ gìn những tiêu chuẩn đạo đức cao nhất và những người có các hành vi phi đạo đức sẽ bị trừng phạt rất nặng. Điều này đã giúp tạo ra và duy trì một văn hóa nghiêm khắc đối với nạn tham nhũng trong chính phủ Singapore.
Ngày nay, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết của việc các quan chức trong chính phủ Singapore luôn phải duy trì được sự liêm khiết ở mức độ cao nhất.
May mắn là, nạn tham nhũng ở Singapore không phải là một vấn đề có tính hệ thống mà nó chỉ giới hạn ở một số trường hợp đơn lẻ. Theo chuyên gia Madeline Ong, Singapore cần tiếp tục duy trì một thái độ cứng rắn đối với tệ tham nhũng ở cấp độ quốc gia, bên cạnh đó các công ty cần tập trung xây dựng một văn hóa đạo đức và các cá nhân cần cố gắng duy trì tiêu chuẩn đạo đức cao nhất mà họ tự đặt ra cho bản thân.
Nguồn: infonet
Bài viết chưa có bình luận nào.