Về tội “Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội”

30/01/2022 08:00

(kiemsat.vn)
So với Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những điểm mới trong quy định về tội “Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” như: Bổ sung thêm các dấu hiệu định khung hình phạt mới; thay thế các dấu hiệu định tính bằng dấu hiệu định lượng… Trong bài viết, tác giả phân tích các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội này và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

1. Quy định của pháp luật về tội “Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội”

Trước khi được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, tội “Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” đã được quy định trong BLHS năm 1985 và BLHS năm 1999.

Theo khoản 1 Điều 231 BLHS năm 1985: “Kiểm sát viên, Điều tra viên nào cố ý truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội thì bị phạt…”. Như vậy, theo quy định của BLHS năm 1985, tội “Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” là hành vi của Kiểm sát viên hoặc Điều tra viên cố ý truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội. Hình phạt đối với tội này được quy định gồm có 02 khung: Mức hình phạt thấp nhất (khoản 1) là cải tạo không giam giữ 06 tháng và mức hình phạt cao nhất (khoản 2) là phạt tù đến 07 năm. Ngoài ra, hai trường hợp có tình tiết định khung hình phạt tăng nặng là “truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia” hoặc “gây hậu quả nghiêm trọng”.

Khoản 1 Điều 293 BLHS năm 1999 quy định: “Người nào có thẩm quyền mà truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là không có tội, thì bị phạt...”. Dấu hiệu “người nào có thẩm quyền” được sử dụng thay thế cho dấu hiệu “Kiểm sát viên, Điều tra viên”; dấu hiệu “truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là không có tội”, được sử dụng thay thế cho dấu hiệu “cố ý truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” trong BLHS năm 1985. So với BLHS năm 1985, tội “Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” trong BLHS năm 1999 bổ sung thêm 01 khung hình phạt tăng nặng (khoản 3). Theo đó, mức hình phạt đối với tội này cũng được tăng lên; mức hình phạt thấp nhất đối với tội này là 01 năm tù (khoản 1), mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù (khoản 3). Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn bị áp dụng hình phạt bổ sung “bắt buộc” là “cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”.

Trong BLHS năm 2015, tội “Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” được quy định tại Điều 368, với nội dung là hành vi của “người nào có thẩm quyền mà truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là không có tội”. Dấu hiệu pháp lý của tội “Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” trong BLHS năm 2015 không thay đổi so với quy định của BLHS năm 1999, có các dấu hiệu pháp lý đặc trưng như sau:

- Về chủ thể: Theo quy định của điều luật, chủ thể của tội “Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” là chủ thể đặc biệt, là “người có thẩm quyền” thực hiện hành vi tố tụng hình sự là truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội. Theo Điều 368 BLHS năm 2015, đặc biệt là nội dung mô tả các dấu hiệu định khung hình phạt: “Dẫn đến việc kết án oan người vô tội về tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng” (khoản 2), “dẫn đến việc kết án oan người vô tội về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” (khoản 3) và trong mối tương quan giữa tội này với tội “Ra bản án trái pháp luật” (Điều 370 BLHS năm 2015), thì hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội (Điều 368 BLHS năm 2015) không bao gồm việc kết án (đối với người không có tội). Nói cách khác, người có thẩm quyền thực hiện hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội chỉ là người có thẩm quyền trong Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và những người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động tố tụng hình sự theo quy định tại các điều 153, 163, 164 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015. Đó là người có thẩm quyền ra các quyết định khởi tố bị can, phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, kết luận điều tra đề nghị truy tố và người có thẩm quyền ra quyết định truy tố (bị can) theo quy định tại các Điều 179, 232, 236 BLTTHS năm 2015.

- Về mặt khách quan: Trong trường hợp bình thường, hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người là hành vi của người có thẩm quyền tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh, làm rõ các dấu hiệu của hành vi phạm tội cũng như các tình tiết khác liên quan làm căn cứ cho việc buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm mà họ đã thực hiện. Đối với trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, các hoạt động mà người có thẩm quyền trong trường hợp này thực chất là những hành vi trái pháp luật, làm cho người không có tội phải chịu trách nhiệm hình sự một cách sai trái, vô lý. 

Bộ luật Hình sự cũng như BLTTHS năm 2015 không quy định thế nào là người không có tội. Tuy nhiên, thông qua các quy định của BLHS cũng như các quy định liên quan của BLTTHS có thể hiểu rằng không có tội là người không phải chịu trách nhiệm hình sự. Người không có tội có thể là: Người không có bất kỳ hành vi nguy hiểm nào cho xã hội. Các hành vi mà họ thực hiện không cấu thành bất cứ tội phạm nào trong BLHS; người thực hiện hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội không đáng kể nên hành vi không cấu thành tội phạm được quy định trong BLHS; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự; người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội nhưng được loại trừ trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, người không có tội còn là người thực hiện hành vi phạm tội nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc các trường hợp khác mà theo quy định của BLHS họ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Các trường hợp người không có tội được phân tích trên đây cũng thuộc những trường hợp mà BLTTHS quy định không khởi tố vụ án hình sự tại Điều 157 BLTTHS năm 2015. Theo khoản 1 Điều 158 BLTTHS năm 2015, khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 157 BLTTHS năm 2015 (tức là có căn cứ xác định người có hành vi gây thiệt hại là người không có tội) “thì người có quyền khởi tố vụ án ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự; nếu đã khởi tố thì phải ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự…”. Trường hợp, vụ án đã được khởi tố, điều tra và có bản kết luận điều tra (đối với người không có tội), thì “Viện kiểm sát quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án…”. Do đó, khi đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ vụ án hình sự thì người có thẩm quyền cũng không còn căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người liên quan (người không có tội).

Như vậy, hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội chỉ là các hành vi của người có thẩm quyền trong Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can đối với người mình biết rõ là không phạm tội hoặc trong quá trình điều tra không ra quyết định đình chỉ điều tra mà ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố đối với người mà mình biết rõ là không phạm tội. Hành vi phạm tội này còn có thể là hành vi của người có thẩm quyền ra quyết định truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng mặc dù biết rõ người đó không phạm tội hoặc không ra quyết định đình chỉ vụ án mà quyết định truy tố một người trước Tòa án bằng bản cáo trạng, mặc dù biết rõ người đó không phạm tội…

- Về mặt chủ quan: Lỗi của người phạm tội “Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” là lỗi cố ý trực tiếp. Dấu hiệu “biết rõ là không có tội” thể hiện sự nhận thức rõ của người phạm tội về hành vi của mình là trái pháp luật, không có căn cứ; đối tượng của hành vi là người không có tội, không phải chịu trách nhiệm hình sự. Khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội có thể có các động cơ khác nhau như tư thù, vụ lợi hoặc hống hách, coi thường pháp luật… Tuy nhiên, động cơ phạm tội không được quy định là dấu hiệu định tội của tội phạm này. Việc đánh giá tính chất của động cơ phạm tội có thể được xem xét khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội.

Tội “Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” trong BLHS năm 2015 có 03 khung hình phạt với mức hình phạt khá nghiêm khắc. Khung hình phạt cơ bản (khoản 1) có mức hình phạt là “phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”. Khung hình phạt tăng nặng tại khoản 2, khoản 3 có mức hình phạt tối thiểu là 5 năm tù và 10 năm tù, nặng hơn so với mức hình phạt tại Điều 293 BLHS năm 1999). Các dấu hiệu định khung hình phạt đối với tội này cũng được sửa đổi và bổ sung thêm nhiều dấu hiệu mới nhằm áp dụng luật, phù hợp với tính chất và mức độ của hành vi phạm tội. Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất (khoản 2 Điều 368), được bổ sung hai dấu hiệu định khung hình phạt mới là “b) Đối với từ 02 người đến 05 người; c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu”. Dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng” (điểm b khoản 2 Điều 293 BLHS năm 1999) được thay bằng các dấu hiệu: “d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; đ) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội về tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” (khoản 2 Điều 368 BLHS năm 2015). Dấu hiệu “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” (khoản 3 Điều 293 BLHS năm 1999) được thay bằng các dấu hiệu: “a) Đối với 06 người trở lên; b) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; d) Làm người bị truy cứu trách nhiệm hình sự oan tự sát” (khoản 2 Điều 368 BLHS năm 2015). Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn phải chịu thêm hình phạt bổ sung bắt buộc là “cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm (tương tự quy định tại Điều 293 BLHS năm 1999).

2. Một số đề xuất, kiến nghị

Việc bổ sung dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng mới cũng như việc thay thế các dấu hiệu định tính bằng dấu hiệu định lượng  tại Điều 368 BLHS năm 2015 cho thấy nhà làm luật đã nhận thức đầy đủ hơn về tính nguy hiểm của tội phạm, qua đó góp phần làm cho hoạt động đấu tranh chống tội phạm này đạt hiệu quả cao trong thực tiễn. Tuy nhiên, nghiên cứu tội “Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” trong BLHS năm 2015 cho thấy quy định về tội phạm này cũng còn những hạn chế cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung. Cụ thể:

Thứ nhất, truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội là hành vi của người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, cụ thể là hoạt động điều tra và hoạt động truy tố. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là sai trái, vi phạm pháp luật, đồng thời nhận thức rõ đối tượng của hành vi là người không có tội, không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ. Theo mô tả của điều luật, dấu hiệu động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, hành vi phạm tội này thường có động cơ, trong đó có những dấu hiệu động cơ làm cho hành vi phạm tội có tính nguy hiểm cao hơn so với những trường hợp bình thường như động cơ vụ lợi, tư thù hoặc hống hách coi thường pháp luật. Vì vậy, chúng tôi đề nghị bổ sung dấu hiệu “vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác” là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng tại khoản 2 Điều 368 BLHS năm 2015 nhằm tạo điều kiện cho người áp dụng luật đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và áp dụng hình phạt phù hợp đối với từng người phạm tội.

Thứ hai, cấu thành tăng nặng của tội “Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” đã được bổ sung nhiều dấu hiệu định khung hình phạt mới, đồng thời cụ thể hóa dấu hiệu mang tính chất định tính. Tuy nhiên, các dấu hiệu này chưa bao quát hết các trường hợp định khung tăng nặng của tội này. Ví dụ: Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, mà cụ thể là việc bắt, giam giữ “oan” lâu ngày không chỉ “gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân” mà còn có thể tổn hại cho sức khỏe của họ với các mức độ tổn thương cơ thể khác nhau. Việc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân thường diễn ra trước hoặc đồng thời với việc “gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân”. Vì vậy, chúng tôi đề nghị bổ sung thêm dấu hiệu “gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%” là dấu hiệu định khung tăng nặng tại khoản 2 Điều 368 BLHS năm 2015; đồng thời bổ sung thêm dấu hiệu “gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên” là dấu hiệu định khung tăng nặng tại khoản 3 điều này.

Thứ ba, việc truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, cụ thể là việc bắt, giam giữ oan, sai lâu ngày không chỉ “gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân”, “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, “làm người bị truy cứu trách nhiệm hình sự oan tự sát” mà còn có thể gây ra những thiệt hại về tài sản cho họ như: Thu nhập bị mất, hoạt động sản xuất kinh doanh của nạn nhân bị thiệt hại hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đối với tài sản nhà nước. Trong thực tế, có nhiều trường hợp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải bỏ ra số tiền rất lớn bồi thường cho các nạn nhân do những hành vi sai trái, vi phạm của người có chức vụ, quyền hạn (theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017). Vì vậy, chúng tôi đề nghị bổ sung dấu hiệu “gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng” là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng tại khoản 2 Điều 368 BLHS năm 2015; đồng thời bổ sung dấu hiệu “gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên” là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng tại khoản 3 điều này. Bởi vì, việc bồi thường do oan, sai trong tố tụng hình sự không chỉ đối với trường hợp oan, sai khi bị kết án mà cả đối với các trường hợp oan, sai trong hoạt động điều tra, truy tố; cụ thể là hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội.

Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất trong Thi hành án dân sự

(Kiemsat.vn) - Từ thực tiễn công tác kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất trong thi hành án dân sự còn gặp những khó khăn, vướng mắc, tác giả đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát lĩnh vực này như: Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; nâng cao năng lực và kỹ năng nghiệp vụ cho Kiểm sát viên…

Bàn về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng trong tố tụng dân sự

(Kiemsat.vn) - Trong tố tụng dân sự, người làm chứng là người biết các tình tiết liên quan đến nội dung vụ án được đương sự yêu cầu hoặc Tòa án triệu tập tham gia tố tụng. Mặc dù, pháp luật tố tụng dân sự có quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng, tuy nhiên, thực tiễn áp dụng còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang