Về giải quyết tranh chấp trực tuyến

28/08/2023 08:30

(kiemsat.vn)
Với sự phát triển của công nghệ, giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) được coi là cơ chế hiệu quả. Thông qua ODR, các rào cản tiếp cận công lý được giảm bớt, hiệu quả tăng lên nhưng một số yếu tố của giải quyết tranh chấp truyền thống lại đối mặt với nhiều thách thức. Bài viết giới thiệu sự chuyển dịch của giải quyết tranh chấp từ cách tiếp cận truyền thống sang cách tiếp cận thế hệ mới được gọi là công lý kỹ thuật số.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra đã tác động đáng kể đến đời sống con người. Trong trường hợp giải quyết tranh chấp, sự xuất hiện của các công nghệ đột phá đã thay đổi cách giải quyết xung đột. Nếu hệ thống giải quyết tranh chấp truyền thống mấy năm gần đây được xem là hoạt động có hiệu quả thì cùng với sự phát triển của công nghệ, giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) được coi là cơ chế hiệu quả nhất. Thông qua ODR, các rào cản tiếp cận công lý được giảm bớt, hiệu quả tăng lên, phần mềm trở nên thông minh hơn dẫn đến một số yếu tố trong giải quyết tranh chấp truyền thống đứng trước các thách thức.

Sự phát triển của ODR được thúc đẩy bởi hai động lực chính là tính thực dụng và ý thức hệ. Động lực chính dẫn đến sự xuất hiện của ODR là sự gia tăng các hoạt động và dịch vụ trực tuyến, trước hết phải kể đến là thương mại điện tử và những tiến bộ trong công nghệ giao tiếp trực tuyến, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI). Chất xúc tác thứ hai của ODR là tác động ngày càng tăng của phong trào “tiếp cận công lý hiệu quả”, “mô hình hiệu quả” trong giải quyết tranh chấp và việc sử dụng các phương pháp giải quyết tranh chấp truyền thống có liên quan. Ngoài ra, có thể tóm tắt ngắn gọn quá trình thúc đẩy sự phát triển của các hệ thống ODR như sau: (1) Một loại tranh chấp trực tuyến mới xuất hiện và phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống dường như không phù hợp hoặc không thực tế để giải quyết chúng; (2) Các công nghệ trực tuyến mang đến những cơ hội chưa từng có để điều chỉnh linh hoạt các phương thức truyền thống cho phù hợp; (3) Nhu cầu cải thiện khả năng tiếp cận công lý cũng như giảm chi phí giải quyết tranh chấp, có thể được đáp ứng một phần bằng cách cung cấp các dịch vụ trực tuyến; (4) Các nhà cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp, giống như các nhà cung cấp dịch vụ khác muốn mở rộng trực tuyến.

Có thể thấy, công nghệ đã dần thay đổi cách tiếp cận pháp luật, cách thức thực hiện, cách thức kinh doanh và cuối cùng, công nghệ đã bắt đầu thay đổi cách thức giải quyết tranh chấp. Việc thiết lập các thủ tục giải quyết tranh chấp chủ yếu dựa vào công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin không phải là một sự đổi mới tự phát, mà chỉ đơn thuần là một bước tiếp theo hợp lý trong lịch sử về cách thức công nghệ thâm nhập vào pháp luật.

Sự xuất hiện của ODR là một trong những sản phẩm của mối quan hệ giữa luật pháp và công nghệ. Công nghệ thông tin dựa trên Internet tạo ra sự lưu thông thông tin, bao gồm cả thông tin pháp lý, từ đó trở thành yếu tố thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế và pháp lý. Nói cách khác, có thể nói ODR là một sản phẩm công nghệ thông tin, là biểu tượng của quá trình giải quyết tranh chấp toàn cầu.

1. Khái niệm giải quyết tranh chấp trực tuyến

Giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) là việc triển khai sử dụng các hình thức giải quyết tranh chấp hiện có trên nền tảng Internet. ODR lần đầu tiên được giới thiệu và công nhận là mô hình giải quyết tranh chấp vào đầu những năm 2000. ODR được coi là giải quyết tranh chấp riêng tư dựa trên sự đồng ý của các bên theo cách tương tự như các mô hình giải quyết tranh chấp truyền thống. Mặc dù ban đầu chỉ có nghĩa là các tranh chấp trực tuyến, phạm vi của ODR sau đó đã được mở rộng để bao gồm cả các tranh chấp phát sinh trong bối cảnh ngoại tuyến. ODR có thể được cung cấp bởi một số trung gian khác nhau như nền tảng thương mại điện tử, nhà cung cấp ODR tư nhân, công ty thẻ tín dụng…

ODR là một hình thức giải quyết trực tuyến sử dụng các phương pháp truyền thống để giải quyết tranh chấp. ODR áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông để giải quyết tranh chấp, diễn ra trực tuyến một phần hoặc toàn bộ. ODR giải quyết các tranh chấp từ không gian mạng cũng như các tranh chấp bên ngoài nó. Các quy trình truyền thống được áp dụng để giải quyết vấn đề. Để được coi là ODR, phải có sự kết hợp 04 bên: (1) Bên khởi xướng (bên yêu cầu), (2) Bên bị đơn, (3) Bên trung lập và (4) Bên trung gian dựa trên công nghệ. Bên thứ năm là nhà cung cấp dịch vụ về yếu tố công nghệ cũng có liên quan.

ODR có thể được sử dụng cho các tranh chấp trực tuyến, chẳng hạn như các vấn đề của người dùng eBay (website bán hàng trực tuyến) nhưng nó cũng có thể được sử dụng để giải quyết tranh chấp hôn nhân hay các loại tranh chấp khác. ODR được phát triển như là sự kết hợp giữa giải quyết tranh chấp truyền thống và công nghệ thông tin, truyền thông. Công nghệ liên quan đến giải quyết tranh chấp trong trường hợp này chủ yếu hướng đến các công nghệ như hội nghị truyền hình, nền tảng trực tuyến, hệ thống quản lý vụ việc phức tạp và cuối cùng là trí tuệ nhân tạo hợp pháp. Kết quả của ODR là một hình thức giải quyết tranh chấp không ngừng phát triển, sử dụng công nghệ như một công cụ để giải quyết xung đột một cách thỏa đáng.

Trên thực tế, vẫn chưa có thuật ngữ và định nghĩa chính thức về ODR trong các hiệp định quốc tế. Có học giả cho rằng, những thuật ngữ đồng nghĩa với ODR là “giải quyết tranh chấp thay thế điện tử” (eADR), “giải quyết tranh chấp thay thế trực tuyến” (oADR) hoặc “giải quyết tranh chấp Internet” (iDR). Những thuật ngữ này bao gồm các tranh chấp được giải quyết một phần hoặc toàn bộ qua Internet. Các thuật ngữ “-online”, “e-” và “cyber-ADR” nói lên rằng giải quyết tranh chấp trực tuyến đã phát triển từ hiện tượng giải quyết tranh chấp thay thế. Giải quyết tranh chấp trực tuyến là cơ chế kết hợp một cách linh hoạt giữa các phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống với các hỗ trợ tiện ích mà Internet mang lại. Vì thế họ cho rằng, ODR chính là con đẻ của phương thức giải quyết tranh chấp thay thế ADR. ODR ra đời dựa trên bối cảnh các quy trình ADR truyền thống được triển khai trên nền tảng công nghệ thông tin và giao tiếp từ xa.

Tuy nhiên, tác giả cho rằng, ODR không chỉ chuyển ADR truyền thống sang không gian ảo mà còn mở rộng sang cả phương thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án. Tòa án trực tuyến hay còn gọi là Tòa án “ảo” bao gồm các thủ tục tương tự như ở Tòa án truyền thống. Một số Tòa án truyền thống khi chuyển vào môi trường mạng sẽ có sự thay đổi để tương thích với môi trường trực tuyến như thủ tục Tòa án trực tuyến linh hoạt hơn, được thực hiện nhanh chóng nhờ vào việc ứng dụng công nghệ thông tin. Nếu cho rằng ODR chính là ADR trong môi trường trực tuyến thì chưa bao quát và toàn diện vì sẽ loại bỏ phương thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án trực tuyến. Khi nói về giải quyết tranh chấp trực tuyến cần hiểu rằng nó bao gồm cả giải quyết tranh chấp tại Tòa án và ngoài Tòa án, có sự trợ giúp của truyền thông và công nghệ thông tin. ODR có thể được sử dụng trong toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp hoặc chỉ trong một giai đoạn nhất định nào đó của quá trình giải quyết tranh chấp và có kết hợp với phương thức truyền thống.

Sự hiện diện của các bên thứ ba trong ODR với tư cách là người hòa giải trong việc đạt được thỏa thuận là yếu tố quan trọng. Do đó, ODR có thể được sử dụng trong hòa giải trực tuyến và trọng tài trực tuyến, Tòa án trực tuyến. Hơn nữa, ODR cũng đã sử dụng một “hình thức giao tiếp hiện đại” để phân biệt với giải quyết tranh chấp truyền thống. Từ hình thức giao tiếp hiện đại, ODR được chia thành hai loại. Loại thứ nhất là ODR với cách tiếp cận liên lạc đồng bộ, trong đó các bên tranh chấp có thể liên lạc với nhau trong thời gian thực bằng cách sử dụng các phương tiện có thể như skype, hội nghị từ xa và các phương tiện khác. Trong khi loại thứ hai là ODR với cách tiếp cận liên lạc không đồng bộ, nơi giao tiếp các bên không được thực hiện cùng một lúc.

Hơn nữa, hệ thống ODR có thể được phân loại theo chức năng mà máy móc có thể thực hiện. ODR thế hệ đầu tiên đóng vai trò quan trọng đối với con người trong việc giải quyết tranh chấp. Các công cụ tính toán hiển nhiên được sử dụng, nhưng chúng chỉ được xem như những thiết bị, không có bất kỳ quyền tự chủ hay vai trò chính nào trong quá trình hành động. Trong ODR, các công nghệ chính được sử dụng là tin nhắn tức thời, diễn đàn, cuộc gọi video và điện thoại, hội nghị truyền hình, danh sách gửi thư và gần đây là sự hiện diện của video. Hệ thống thông minh không được sử dụng trong thế hệ đầu tiên. Ngày nay, hệ thống này được dùng phổ biến và thường được hỗ trợ bởi một trang web.

Thế hệ thứ hai của ODR đang sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông một cách hiệu quả. Công cụ này không chỉ được sử dụng để giúp cho việc tiếp cận thông tin dễ dàng hơn mà còn được sử dụng để đưa ra ý tưởng, tổ chức, tạo chiến lược và quy trình ra quyết định. Các công nghệ được sử dụng trong thế hệ mới này sẽ không chỉ bao gồm các công nghệ truyền thông được sử dụng như hiện nay mà còn bao gồm các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, toán học hoặc triết học (mạng lưới thần kinh, tác nhân tình báo, suy luận logic, phương pháp lập luận). Do đó, thế hệ này chuyển từ mô hình các bên sử dụng các công cụ giao tiếp trực tiếp để chia sẻ thông tin sang một môi trường ảo mà trong đó, các dịch vụ ODR chủ động hỗ trợ các bên tranh chấp. Như vậy, có thể phát triển quy trình ODR để xử lý nhiều loại vấn đề phức tạp khác nhau. Việc sử dụng công nghệ như vậy sẽ dễ dàng hơn trong việc phát triển các quy trình bắt chước quy trình nhận thức của chuyên gia con người, làm cho ODR hoạt động hiệu quả hơn.

2. Công lý kỹ thuật số - Thay đổi cách tiếp cận của ODR

Các hệ thống tư pháp trên khắp thế giới đang dần bỏ các thủ tục trên giấy tờ để chuyển sang sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Quá trình chuyển đổi sang công lý kỹ thuật số đang xác định lại cách thức thực hiện công lý. Mục tiêu của công lý kỹ thuật số là làm rõ không chỉ cách thức công nghệ tạo ra các loại tranh chấp mà còn cả cách thức sử dụng công nghệ để giải quyết và ngăn chặn chúng. Nói cách khác, công nghệ có thể giải quyết các vấn đề do công nghệ tạo ra. Hệ thống tư pháp kỹ thuật số không bị gánh nặng bởi các quy trình và thủ tục cũ mà hứa hẹn sẽ hiệu quả hơn, công bằng hơn và ít tốn kém hơn.

Thủ tục tư pháp ảnh hưởng đến nhận thức về sự công bằng tư pháp. Có ba yếu tố ảnh hưởng đến việc đánh giá tính hợp pháp của một quyết định tư pháp. Thứ nhất, các cá nhân phải tin rằng quá trình ra quyết định liên quan đến quan điểm của họ. Thứ hai, việc ra quyết định phải trung lập và mọi ý kiến ​​phải được xem xét bình đẳng, không thiên vị. Thứ ba, công dân phải tin tưởng vào hệ thống tư pháp và những người đại diện của nó. Sự hài lòng của các bên đối với thủ tục tư pháp ảnh hưởng đến nhận thức của họ về tính hợp pháp so với kết quả mà họ mong muốn. Do đó, nhận thức tích cực của công dân về tính công bằng của quy trình làm tăng khả năng hài lòng của họ với quy trình ra quyết định và bản thân quyết định đó. Khi quá trình được nhìn nhận một cách tích cực thì khả năng công dân chấp nhận kết quả sẽ cao hơn.

Khi công nghệ phát triển, các thuật toán có thể đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp theo nhu cầu, sở thích và lợi ích của các bên, ODR đã đại diện cho sự thay đổi sâu sắc từ giải quyết tranh chấp truyền thống, đặt nền tảng cho việc thực hiện công lý kỹ thuật số, cung cấp các quy trình công bằng và hiệu quả của kỷ nguyên kỹ thuật số. Ban đầu, các nhà phát triển cơ chế ODR tìm cách bắt chước các quy trình giải quyết tranh chấp truyền thống và cung cấp các giải pháp trực tuyến cho các phương thức giải quyết tranh chấp này. Điều này đã được chứng minh trong những nỗ lực ban đầu nhằm cung cấp các quy trình giải quyết tranh chấp ngoại tuyến tương đương như đàm phán, hòa giải và trọng tài

Có thể thấy, các quy trình ODR thế hệ mới có những đặc tính độc đáo của tương tác trực tuyến và những thay đổi liên quan đến quá trình chuyển đổi từ phương thức truyền thống sang các phương tiện kỹ thuật số để giải quyết xung đột. Đó là: (1) Sự chuyển đổi từ giao tiếp vật lý sang giao tiếp trực tuyến; (2) Sự chuyển đổi từ “bên thứ ba” là con người sang “bên thứ tư” là công nghệ; (3) Chuyển từ tâm lý “không có dữ liệu” sang các quy trình xoay quanh dữ liệu; (4) Chuyển từ việc ra quyết định của con người sang trí thông minh của máy móc và trí tuệ nhân tạo. Mặc dù, nhiều tính năng ban đầu vẫn còn nhiều thiếu sót, nhưng theo thời gian, chúng được coi là những tính năng có khả năng mang lại lợi ích. Ví dụ: Việc thiếu tương tác vật lý làm giảm sự phong phú của giao tiếp thì nó cũng mang lại lợi thế cho những người được hưởng lợi từ giao tiếp không đồng bộ (có thời gian tham khảo và tiến hành nghiên cứu trước khi trả lời). Tương tự, việc giảm quyền riêng tư lại có thể hỗ trợ để tăng sự kiểm soát chất lượng và ngăn ngừa tranh chấp. Trí thông minh của máy có thể nâng cao hiệu quả thông qua tự động hóa cho phép hệ thống ODR xử lý số lượng xung đột với quy mô rất nhỏ.

Hơn nữa, mỗi sự thay đổi liên quan đến ODR đều có tiềm năng to lớn để tăng khả năng tiếp cận công lý nhưng đồng thời cũng gây ra những khó khăn nhất định trong truy cập và dẫn đến sự bất công kỹ thuật số. Một mặt, tính hiệu quả và công bằng có thể được nâng cao bằng cách cho phép các bên liên lạc dễ dàng cho dù họ ở cách xa về vị trí địa lý, vào bất kể thời gian nào (ngày hay đêm) mà không phải mất chi phí hay bỏ lỡ công việc. Ngôn ngữ đơn giản và các tùy chọn phù hợp được cung cấp trong các nền tảng cũng cho phép các bên hiểu rõ hơn về lựa chọn của họ, đồng thời tìm ra sở thích và nhu cầu của họ. Ngoài ra, năng lực nâng cao của “bên thứ tư” cho phép xử lý số lượng lớn các tranh chấp, tiếp cận một số cách giải quyết tranh chấp đối với các vấn đề mà trước đây chưa từng được thực hiện. Bên cạnh đó, các tùy chọn thuật toán được thiết kế sẵn có thể giúp hạn chế một số thành kiến ​​liên quan đến việc ra quyết định của con người dẫn đến kết quả công bằng hơn cho các bên. Thông thường, dữ liệu lớn có thể cho phép giám sát chất lượng của các quy trình và kết quả, phát hiện ra những sai lệch trong hoạt động của các thuật toán giải quyết tranh chấp và thậm chí cho phép ngăn ngừa tranh chấp. Thay vì chờ đợi bên thứ ba là con người phân tích kinh nghiệm của họ sau khi giải quyết tranh chấp, dữ liệu về tranh chấp có thể dự báo tranh chấp xảy ra trước khi các bên nhận thức được chúng.

Một số khó khăn, vướng mắc trong kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại về tranh chấp hợp đồng tín dụng

(Kiemsat.vn) - Thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại về tranh chấp hợp đồng tín dụng của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (VKSND cấp cao 3) cho thấy một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến: Việc xác định địa chỉ, nơi cư trú của bị đơn; việc xác định thành viên trong hộ gia đình; việc thanh toán tiền lãi chậm trả lãi… đòi hỏi hoàn thiện các quy định của pháp luật để thống nhất trong nhận thức và áp dụng.

Một số lưu ý trong kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại trong lĩnh vực tranh chấp hợp đồng tín dụng

(Kiemsat.vn) - Thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại liên quan đến tranh chấp về hợp đồng tín dụng, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội chia sẻ một số kinh nghiệm và những vấn đề cần lưu ý khi kiểm sát việc giải quyết loại án này.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang