Tranh luận quanh hình thức kỷ luật buộc thôi học với học sinh

12/12/2017 01:39

(kiemsat.vn)
– Mới đây, Hội đồng kỷ luật của trường THCS Trần Hưng Đạo (Rạch Giá, Kiên Giang) đã kỷ luật 2 học sinh Lê Thị Hiền và Nguyễn Thị Phương Anh có hành vi đánh bạn dã man với hình thức buộc thôi học có thời hạn từ ngày ra Quyết định kỷ luật đến hết năm học 2017 – 2018.

Chủ tịch UBND TP Rạch Giá chỉ đạo xử lý nghiêm

Trước đó, trong giờ ra chơi ngày 6/12, em Lê Thị Hiền học sinh lớp 9/1, Nguyễn Thị Phương Anh học sinh lớp 9/2 đã đánh dã man vào mặt, đầu, vào người 3 em Nguyễn Như Ý lớp 7/2, Lý Yến Ngọc học sinh lớp 7/2, Dương Hồng Thanh học sinh lớp 7/2 trong nhà vệ sinh dành cho giáo viên. Sự việc có sự chứng kiến của một số học sinh khác nhưng không ai can ngăn mà còn cổ vũ, quay clip tung lên mạng. Theo báo cáo của công an, nguyên nhân đánh nhau là do mâu thuẫn cá nhân. Em Lê Thị Hiền và Nguyễn Thị Phương Anh cho rằng các em kia lên facebook nói xấu mình nên Hiền muốn đánh và quay clip đăng lên face lại để trả thù. Công an xác định đây không phải là vụ việc phức tạp, đánh nhau có tổ chức.

 

Hai em Lê Thị Hiền và Phương Anh đang thực hiện hành vi đánh bạn (Ảnh cắt từ clip trên mạng)

Sáng 11/12, ông Nguyễn Quốc Sử, Chủ tịch UBND TP Rạch Giá chủ trì cuộc họp với công an, phòng giáo dục, nhà trường, và các ngành chức năng để nghe báo cáo cụ thể vụ việc. Tại buổi họp, Chủ tịch UBND TP Rạch Giá chỉ đạo xử lý nghiêm 2 học sinh đánh bạn bằng hình thức buộc thôi học có thời hạn; kiểm điểm trách nhiệm ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm trong việc buông lỏng quản lý. Hội đồng kỷ luật của nhà trường sau đó đã thống nhất đề xuất kỷ luật 2 học sinh Lê Thị Hiền và Nguyễn Thị Phương Anh với hình thức buộc thôi học có thời hạn từ ngày ra Quyết định kỷ luật đến hết năm học 2017 – 2018.

Trước đó, vào ngày 9/12/2017, Ban giám hiệu đã phối hợp với Công an phường Vĩnh Thông cho mời phụ huynh của Lê Thị Hiền và phụ huynh của Nguyễn Thị Phương Anh (đối tượng đánh) và phụ huynh các em Lý Yến Ngọc, Dương Hồng Thanh, Nguyễn Như Ý (đối tượng bị đánh) đến để hoà giải. Tại buổi hoà giải, bản thân em Phương Anh và gia đình đã thừa nhận hành vi sai trái, chịu toàn bộ tiền thuốc men; đồng thời xin lỗi các em học sinh bị đánh cùng gia đình.

Cần có một hình thức kỷ luật nghiêm khắc và nhân văn

Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến một cách xử lý học sinh hư gần như theo “mẫu số chung”: Cứ học sinh mắc lỗi là nhà trường liền “xử lý nghiêm khắc bằng cách đuổi học”. Phải chăng, học sinh có lỗi là đuổi học là biểu hiện của cách dạy chữ mà không coi trọng việc dạy người? Khổng Tử đã nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện, tính tương cận, tập tương viễn, trẻ bất giáo, tính nãi thiên”. Mọi đứa trẻ sinh ra đều lương thiện, trẻ cần phải dạy vì không dạy thì hư. Cho nên, trẻ càng hư thì nhà trường càng phải dạy nhiều, dạy kĩ. Học sinh cá biệt thì nhà trường cần phải có biện pháp giáo dục đặc biệt. Cứ hư là đuổi học, y như cán bộ sai là đuổi việc, các nhà quản lý giáo dục đang lấy luật công chức áp dụng cho học sinh vậy.

Chúng ta còn nhớ, năm 2015, ông Phạm Xuân Định, Hiệu trưởng Trường THCS Vũ Tiến (Vũ Thư, Thái Bình) ra quyết định kỷ luật buộc thôi học 6 tháng đối với 3 nam sinh lớp 9 gồm Trần Văn Thanh, Trần Ngọc Hiệu và Trần Quang Minh vì các em tè bậy trên sân thượng của trường, trong lúc bị phạt cọ rửa lại đánh nhau với các bạn trêu chọc. Vụ việc ầm ĩ khi gia đình làm đơn xin cứu xét và Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Thái Bình đã phải xem xét và chỉ đạo hủy vì quyết định này thiếu căn cứ.

Trường THCS Trần Hưng Đạo (Rạch Giá, Kiên Giang) nơi xảy ra vụ việc.

Cần lưu ý, hai em học sinh Lê Thị Hiền và Nguyễn Thị Phương Anh đang học lớp 9, chuẩn bị thi chuyển cấp. Việc buộc các em thôi học đến hết năm học 2017-2018 sẽ cắt đứt kỳ thi quan trọng này của các em. Ở cái tuổi dở dang, bị buộc thôi học, liệu em còn có quyết tâm tiếp tục theo học để thi lên cấp 3 nữa hay không?

Giáo dục là trách nhiệm không chỉ của nhà trường, mà còn của gia đình và xã hội. Rõ ràng, hành vi của các em là sai trái, là đáng lên án và có cần có hình thức xử lý nghiêm khắc theo quy định, quy chế, nội quy. Đuổi học các em thì quá dễ nhưng giáo dục để các em trở thành con người có ích cho xã hội thì mới là khó, làm được như vậy thì đó mới là giáo dục. Nên chăng, Sở GDĐT tỉnh Kiên Giang và nhà trường nên xem xét, cân nhắc hình thức kỷ luật hợp lý để các em thấy rõ khuyết điểm và có cơ hội sửa chữa sai lầm của mình.

Sơn Tùng

Từ năm 2017, đưa quyền con người vào giáo dục quốc dân

(Kiemsat.vn) – Ngày 5/9/2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1309/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục quốc dân. Đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục tổ chức giáo dục quyền con người cho người học.

Hơn 22 triệu học sinh, sinh viên vào năm học mới

Lễ khai giảng sáng 5/9 chỉ trong một tiếng với đầy đủ phần lễ, hội. Năm học mới, nhiều học sinh hy vọng việc thi cử không quá áp lực
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang