Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng Kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030, tập trung vào lĩnh vực thu hồi tài sản"

28/11/2024 17:29

(kiemsat.vn)
Ngày 28/11/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Kiểm sát phối hợp với Cơ quan phòng, chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tại Việt Nam tổ chức tọa đàm về “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030, tập trung vào lĩnh vực thu hồi tài sản”.

Đoàn chủ tọa chỉ đạo, điều hành Tọa đàm.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Dũng, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Tọa đàm.

Đồng chủ trì Tọa đàm có Tiến sĩ Tôn Thiện Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát; bà Annika Wythes, Giám đốc Trung tâm phòng, chống tham nhũng Khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương, UNODC và bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam.

Tham dự Tọa đàm có PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSND tối cao; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức có liên quan; đại diện lãnh đạo VKSND các tỉnh: Thái Bình, Hà Nam, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Hải Dương, Nam Định và Quảng Ninh. Cùng dự có các diễn giả là chuyên gia của UNODC, chuyên gia đến từ Australia.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Dũng, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Theo Ban Tổ chức, tọa đàm về “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030, tập trung vào lĩnh vực thu hồi tài sản” nhằm trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế và của Việt Nam trong xây Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung vào lĩnh vực thu hồi tài sản để tham mưu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền triển khai thực hiện.

Nghiên cứu chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, những trường hợp còn xung đột pháp luật, mâu thuẫn giữa các quy định, chưa thống nhất trong cách hiểu, áp dụng nhằm thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay và nguyên nhân của tình trạng này; những bất cập, hạn chế, thiếu sót về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị với cơ quan tiến hành tố tụng trong phát hiện, thu hồi tài sản tham nhũng... để kiến nghị, đề xuất đến các cơ quan có thẩm quyền nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật.

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống tham nhũng, từ đó tổng hợp, giới thiệu trên các ấn phẩm của Tạp chí Kiểm sát làm tư liệu tham khảo cho các cán bộ, Kiểm sát viên trong và ngoài ngành Kiểm sát nhân dân; góp phần nâng cao nhận thức, phổ biến kinh nghiệm cho cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành Kiểm sát nhân dân liên quan đến chủ đề Tọa đàm.

Tiến sĩ Tôn Thiện Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát phát biểu tại Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng cho biết, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao luôn xác định công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án tham nhũng, chức vụ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong giai đoạn hiện nay, là trách nhiệm chính trị của Ngành trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Theo Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp mạnh mẽ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Với quyết tâm chính trị cao, nước ta đã đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, được Nhân dân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ và dư luận quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Đại biểu tham dự Tọa đàm.

Tuy nhiên, tình hình tham nhũng, tiêu cực vẫn còn diễn biến phức tạp, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và thực tiễn cho thấy, việc thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ta hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, tài sản thu hồi được có tỉ lệ thấp hơn nhiều so với tài sản tham nhũng. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới. Đặc biệt cần tăng cường, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng, nhất là trong phối hợp, chia sẻ thông tin; tiếp thu kinh nghiệm quốc tế về tố tụng tư pháp, tương trợ tư pháp... để đề xuất giải pháp tiếp tục hoàn thiện pháp luật về phòng chống tham nhũng, nhất là về thu hồi tài sản tham nhũng.

Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng đánh giá cao sự phối hợp giữa Tạp chí Kiểm sát với tổ chức UNODC tổ chức tọa đàm về “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030, tập trung vào lĩnh vực thu hồi tài sản”. Đồng thời tin tưởng rằng, đây sẽ là cơ hội để các đại biểu tham luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và của Việt Nam về phòng chống tham nhũng, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực thu hồi tài sản để tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền triển khai thực hiện; trao đổi những khó khăn, vướng mắc, trong áp dụng pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng, chỉ ra những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện pháp luật.

Bà Annika Wythes, Giám đốc Trung tâm phòng, chống tham nhũng Khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương, UNODC.

Phát biểu tại sự kiện, bà Annika Wythes, Giám đốc Trung tâm phòng, chống tham nhũng Khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương, UNODC đánh giá cao mối quan hệ hợp tác với ngành Kiểm sát trong thời gian qua trên nhiều lĩnh vực: Phòng chống bạo lực đối với phụ nữ, xâm hại trẻ em; phòng chống tội phạm mạng; tội phạm xuyên quốc gia; nâng cao năng lực điều tra, truy tố các vụ án tham nhũng, rửa tiền…

Theo bà Annika Wythes, thu hồi tài sản tham nhũng là một nguyên tắc cơ bản, nền tảng cho Công ước UNCAC. Nhiều quốc gia thành viên Công ước đã và đang thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường nỗ lực của mình để có thể thúc đẩy việc thu hồi và hoàn trả các khoản tiền tham nhũng hoặc các tài sản bị đánh cắp. Thông điệp chính gửi đến những cá nhân tham nhũng là sẽ không có nơi trú ẩn an toàn để che dấu số tiền thu được từ tham nhũng.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Giám đốc Trung tâm phòng, chống tham nhũng Khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương, UNODC Annika Wythes cho biết, trong thời gian tới, UONDC sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Việt Nam và hỗ trợ xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng, tập trung vào thu hồi tài sản.

Đại biểu tham luận các chủ đề của Tọa đàm.

Chương trình Tọa đàm diễn ra trong 01 ngày. Các tham luận tại Tọa đàm đã tham luận, thảo luận tập trung về: Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030; thu hồi tài sản do phạm tội mà có theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam; thực tiễn công tác kiểm sát hoạt động thi hành án góp phần thu hồi tài sản do phạm tội mà có; nâng cao hiệu quả kiểm sát việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế; một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đối với hoạt động tương trợ tư pháp liên quan đến thu hồi tài sản trong tố tụng hình sự; kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chiến lược phòng, chống tham nhũng, tập trung vào lĩnh vực thu hồi tài sản; kinh nghiệm của Hàn Quốc và của Úc trong xây dựng chiến lược phòng, chống tham nhũng, tập trung vào lĩnh vực thu hồi tài sản...

Toàn cảnh Tọa đàm.

Phát biểu kết luận Tọa đàm, Tiến sĩ Tôn Thiện Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát khẳng định, sau 01 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, Tọa đàm đã hoàn thành các chuyên đề và trao đổi các vấn đề xoay quanh. Các nội dung của buổi Tọa đàm góp phần bổ sung kiến thức lý luận chung về thu hồi tài sản tham nhũng cũng như có những góc nhìn thực tiễn về hoạt động này.

Đây thực sự là những nội dung rất hữu ích, nâng cao nhận thức cho các cán bộ thuộc các cơ quan có liên quan đến công tác thu hồi tài sản tham nhũng; cán bộ, Kiểm sát viên trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tội phạm liên quan đến tham nhũng và thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng. Đồng thời, thông qua sự kiện này, Tạp chí Kiểm sát cũng có cơ hội nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống tham nhũng để tổng hợp, xây dựng nội dung xuất bản ấn phẩm; phổ biến kinh nghiệm cho cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Một số hình ảnh tại Tọa đàm:

Đồng chí Hoàng Thế Anh, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát phát biểu đề dẫn Tọa đàm.

Các chuyên gia UNODC trao đổi, thảo luận tại sự kiện.

Bàn về thẩm quyền thay đổi quyết định khởi tố bị can

(Kiemsat.vn) - Trong thực tiễn công tác vẫn còn quan điểm khác nhau về thẩm quyền điều tra, dẫn đến thủ tục tố tụng không thống nhất, có thể dẫn đến vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Trong bài viết dưới đây, tác giả xin nêu quan điểm bàn về vấn đề nêu trên để cùng bàn luận.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang