Tổ chức tín dụng có thể xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận mà không cần qua Tòa án
(kiemsat.vn) – Tại phiên họp thứ 10 của UBTV Quốc hội mới đây, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội khoá XIV đã trình Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Dự thảo Nghị quyết này có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều về thu giữ, xử lý tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng.
Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tổ chức Hội thảo góp ý xây dựng chuyên đề bồi dưỡng nghiệp vụ
Chồng vay tiền chơi cá độ, vợ có phải cùng trả nợ không?
Người chưa thành niên có đứng tên sổ đỏ được không?
X ử lý nhanh nợ xấu là cần thiết
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế đã nêu rõ: Hiện nay, hiệu quả của việc xử lý nợ xấu chưa cao, yêu cầu xử lý nhanh tình hình nợ xấu là cần thiết. Do đó, Ủy ban Kinh tế cho rằng cần có giải pháp đột phá, thực chất hơn để xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Việc ban hành Nghị quyết này sẽ tạo cơ sở pháp lý tăng cường hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu, tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, hiệu quả của hệ thống các TCTD, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho các doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn, góp phần phát triển kinh tế bền vững.
Theo Tờ trình của Chính phủ, tính đến 31/12/2016, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 611,59 nghìn tỷ đồng nợ xấu, Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã cùng TCTD xử lý, thu hồi được 14,5% số nợ xấu VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt (50,139 nghìn tỷ đồng/345,924 nghìn tỷ đồng).
Một vấn đề làm nóng phiên họp thứ 10 vừa qua là những ý kiến góp ý về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của TCTD (Điều 7) và việc yêu cầu Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm (Điều 8).
Nhiều ý kiến góp ý về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng tại Phiên họp thứ 10 UBTV Quốc hội
Về vấn đề này, có các loại ý kiến như sau: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị không quy định việc TCTD tự thu giữ tài sản bảo đảm vì gây ra các xung đột và mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật hiện hành (Điều 301 Bộ luật Dân sự), có thể xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định của Hiến pháp. Loại ý kiến thứ hai đồng tình với đề nghị của Chính phủ cho phép TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tổ chức này và đây là cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án trên cơ sở thỏa thuận hợp đồng.
Theo Ủy ban Pháp luật, cần cân nhắc, thận trọng khi quy định về vấn đề TCTD tự thu giữ tài sản bảo đảm. Ủy ban Tư pháp cho rằng cần có giải trình thuyết phục, lấy ý kiến các cơ quan hữu quan nhằm tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, bảo đảm tính hợp lý và khả thi.
Tại công văn số 61/TANDTC-PC&QLKH ngày 30/3/2017, TANDTC đề nghị cân nhắc việc TCTD, VAMC được chuyển nhượng tài sản bảo đảm mà không thông qua quyết định của Tòa án vì theo quy định khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Theo báo cáo của Chính phủ, việc TCTD kiện ra tòa để thu hồi tài sản bảo đảm mất nhiều thời gian và khi có phán quyết của tòa án thì số lượng bản án được thực hiện thấp (trong 6 tháng qua, chỉ thi hành 8,78% tổng số vụ án phải thi hành). Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng nợ xấu, do khách hàng cố tình chây ỳ không chịu trả nợ TCTD.
Việc cho phép TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền nhận tài sản bảo đảm để xử lý có căn cứ: Về cơ sở thực tiễn, hầu hết các nước trên thế giới quy định trường hợp khách hàng của TCTD không trả được nợ, thì TCTD có quyền nhận và xử lý tài sản bảo đảm của khoản tiền khách hàng vay thông qua phát mại, thu lại khoản tiền vay mà không cần phải kiện ra tòa. Về chủ trương, Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016, Hội nghị lần thứ tư BCHTƯ Đảng khóa XII nêu: Ban hành các quy định hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD; giao thẩm quyền và nâng cao năng lực của VAMC trong mua bán nợ theo giá thị trường gắn với xử lý tài sản thế chấp, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ nợ. Về mặt pháp lý, Điều 301 Bộ luật Dân sự quy định bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu. Nếu thuộc 03 trường hợp quy định tại Điều 299 Bộ luật Dân sự, bên nhận bảo đảm hoàn toàn có quyền hợp pháp trong việc xử lý tài sản bảo đảm.
Phân loại để quy định từng trường hợp
Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bên nhận bảo đảm (TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài), cần phân loại thành các trường hợp khác nhau để quy định, không quy định việc TCTD trực tiếp thực hiện tự thu giữ như loại ý kiến thứ 2 mà quy định theo hướng như sau:
Thứ nhất: Trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có thỏa thuận đồng ý cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thì các bên thực hiện quyền xử lý tài sản bảo đảm theo nội dung hợp đồng đã thỏa thuận (tiến hành giao nhận tài sản bảo đảm, bán tài sản bảo đảm cho một bên khác…). Đồng thời, bổ sung quy định về cơ chế thỏa thuận giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án theo kinh nghiệm của các nước như đã đề cập trong Tờ trình và việc công khai, minh bạch thông tin về việc xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận giữa các bên; bổ sung cơ chế để giám sát việc xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận giữa các bên để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định của Hiến pháp.
Thứ hai: Trường hợp không đạt được thỏa thuận giữa các bên về xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thì TCTD có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc về quyền xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu (theo báo cáo, việc áp dụng có thể rút ngắn trình tự thông thường từ 3-7 tháng, quy định này không áp dụng thủ tục rút gọn đối với giải quyết tranh chấp về tài sản bảo đảm nói chung).
Nếu không thoả thuận được, Ngân hàng cũng không thể dùng vũ lực để thu hồi tài sản đảm bảo (ảnh minh họa – nguồn internet)
Để bảo đảm hiệu quả của quy định này, cần nhận thức xử lý nợ xấu hiện nay là trách nhiệm chung, không chỉ của riêng NHNN và các TCTD, đồng thời cần bổ sung trách nhiệm của một số cơ quan liên quan đến thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp và thủ tục thi hành án dân sự.
Cụ thể: Bổ sung trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể việc thực hiện thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm được quy định tại Điều 8 của Nghị quyết. Ngoài ra, giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong cách áp dụng pháp luật của tòa án đối với giải quyết tranh chấp liên quan đến lĩnh vực ngân hàng (theo Tờ trình của Chính phủ, hiện còn một số cách hiểu khác nhau liên quan đến vấn đề này).
Bên cạnh đó cần bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc hướng dẫn cải cách thủ tục và chỉ đạo các biện pháp đẩy nhanh thi hành án liên quan đến xử lý tài sản thế chấp, tài sản kê biên bảo đảm thi hành án (theo Tờ trình của Chính phủ, đến 31/3/2017 nợ tồn đọng khâu thi hành án dân sự là khoảng 65.489 tỷ đồng).
Bài viết chưa có bình luận nào.