Tiếp tục quan tâm xây dựng và phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trong thời gian tới

23/04/2020 00:26

(kiemsat.vn)
Trong quá trình 60 năm hình thành và phát triển của ngành Kiểm sát nhân dân (1960 - 2020), công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên có năng lực, bản lĩnh, góp phần bảo vệ pháp luật và pháp chế, chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền, lợi ích của nhân dân luôn được xác định là một nội dung trọng tâm, xuyên suốt, thực hiện theo đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.

Ngày 16/4/1962, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh “Quy định cụ thể về tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân tối cao”. Pháp lệnh quy định một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao là: “Chỉ đạo công tác xây dựng tổ chức, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của ngành Kiểm sát”. Thực hiện nhiệm vụ này, từ cuối năm 1963, đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn nhằm trang bị những kiến thức pháp luật, kiến thức nghiệp vụ kiểm sát cơ bản cho cán bộ trong ngành theo yêu cầu, nhiệm vụ chính trị thời kỳ đó.

Ngày 12/10/1964, sau một năm mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ kiểm sát, Viện trưởng VKSND tối cao đã ký Quyết định số 220/QĐ thành lập Trường Cán bộ kiểm sát trực thuộc VKSND tối cao. Đồng chí Trần Hiệu - Phó Viện trưởng VKSND tối cao được cử trực tiếp phụ trách Nhà trường. Đồng chí Nguyễn Văn Ngoạn - Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, nguyên Xứ ủy Trung kỳ, được cử làm Phó Hiệu trưởng.

Sau khi được thành lập, Trường Cán bộ kiểm sát đã liên tục khai giảng các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ 03 tháng, 06 tháng để bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về đường lối, nhiệm vụ cách mạng, về Hiến pháp, pháp luật và về nghiệp vụ kiểm sát cho cán bộ trong ngành. Như vậy, có thể khẳng định rằng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Kiểm sát là nhiệm vụ được đặc biệt coi trọng và quan tâm. Ngay sau khi ngành Kiểm sát được thành lập (năm 1960) thì cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã được thành lập. Sự ra đời của Trường Cán bộ kiểm sát năm 1964 theo quyết định của đồng chí Hoàng Quốc Việt, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng lực lượng của ngành Kiểm sát, góp phần đào tạo, bồi dưỡng những lớp cán bộ đầu tiên của ngành, đồng thời là cơ sở để tiếp tục xây dựng đội ngũ giảng viên, xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống bài giảng, giáo trình cho những năm sau này.

Trước những chuyển biến mạnh mẽ của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và yêu cầu tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, ngày 21/4/1970, Viện trưởng VKSND tối cao đã ký Quyết định số 62/QĐ-TC về tổ chức bộ máy của VKSND tối cao, trong đó có Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát. Quyết định này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn tại Nghị quyết số 900/NQ- UBTVQH ngày 25/4/1970, từ đây ngày 25/4 hàng năm được coi là ngày truyền thống của Nhà trường.

Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát được thành lập trong bối cảnh nước ta chưa có một cơ sở đào tạo trình độ cử nhân luật; trường Đại học Luật và Khoa luật Đại học Tổng hợp (sau này là Đại học Quốc gia Hà Nội) vẫn chưa ra đời. Sau khi Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát được thành lập, ngày 04/10/1970, Viện trưởng VKSND tối cao đã ký Quyết định số 116/QĐ-V9 giao cho Trường nhiệm vụ “mở các khóa bổ túc cho cán bộ trong ngành và mở các khóa đào tạo mới để bổ sung cán bộ cho ngành”. Lớp Trung cấp kiểm sát khóa I được khai giảng vào đầu năm 1971.

Quá trình xây dựng và phát triển Nhà trường đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm với nhiều lần đổi tên để phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao, phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ phát triển đất nước: Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát (1970 - 1981), Trường Cao đẳng Kiểm sát (1981 - 2005), Trường Đào tào, Bồi dưỡng cán bộ kiểm sát (2005 - 2013) và từ tháng 4/2013 đến nay là Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.

Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội được thành lập là một sự kiện lớn, đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường nói riêng và của ngành Kiểm sát nói chung. Với nhiệm vụ được giao là: Đào tạo trình độ đại học, sau đại học để cung cấp nhân lực cho ngành Kiểm sát và cho xã hội; đào tạo nghiệp vụ kiểm sát, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành Kiểm sát theo quy định của pháp luật và quy định của ngành Kiểm sát; tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ để xây dựng, hoàn thiện chương trình, giáo trình, tài liệu phục vụ các nhiệm vụ đào tạo trình độ đại học, sau đại học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Kiểm sát và góp phần giải quyết những vấn đề có tính chiến lược của ngành Kiểm sát. Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã kế thừa và phát huy truyền thống quý báu trong suốt 50 năm hình thành và lớn mạnh. Đến nay, nhà trường đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào, góp phần vào công cuộc xây dựng ngành Kiểm sát và khẳng định uy tín, vị thế của Trường trong hệ thống cơ sở giáo dục đại học nước nhà.

Việc định hướng xây dựng và phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội - cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Kiểm sát và cho xã hội trong nhiều năm qua nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, sự phối hợp của các Viện kiểm sát địa phương cũng như sự ủng hộ của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Có thể kể đến một số kết quả nổi bật của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội từ năm 2013 đến nay như sau:

Thứ nhất, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội luôn bám sát lộ trình xây dựng và phát triển nhà trường theo đề án đã trình các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổ chức và triển khai thành công việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo: Đào tạo hệ đại học chính quy ngành luật, đào tạo hệ đại học chính quy văn bằng 2 và đào tạo trình độ thạc sĩ. Tính đến nay, Nhà trường đã đào tạo 2.336 sinh viên, trong đó có 03 khóa đã tốt nghiệp với 885 sinh viên; 04 khóa đang đào tạo với 1.371 sinh viên; 01 khóa văn bằng 2 đang đào tạo với 80 sinh viên. Ngày 28/01/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định số 226/QĐ-BGDĐT cho phép Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đào tạo hệ thạc sĩ chuyên ngành Luật hình sự và tố tụng hình sự. Hiện nay, Trường đã tuyển sinh được 01 khóa đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Luật hình sự và tố tụng hình sự với 41 học viên. Đây là một kết quả đáng khích lệ thể hiện sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể Ban Giám hiệu và toàn thể cán bộ, giảng viên của Nhà trường trong suốt 8 năm qua.

Thứ hai, công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức được đẩy mạnh. Bên cạnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tập trung tại Trường theo Kế hoạch của VKSND tối cao, Trường còn thường xuyên chủ động, tích cực phối hợp với các Viện kiểm sát địa phương thực hiện mở lớp tại chỗ theo nhu cầu của đơn vị.

Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng được xây dựng và triển khai đa dạng như: Đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho cán bộ, công chức mới được tuyển dụng vào ngành; Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn công chức, viên chức (các lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, bồi dưỡng kiến thức quản lý chỉ đạo điều hành); Bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu cho đối tượng là Kiểm tra viên, Kiểm sát viên… Nhằm trang bị toàn diện kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ cho học viên, bên cạnh giảng dạy lý thuyết, Nhà trường còn thường xuyên đổi mới và áp dụng đa dạng các phương pháp giảng dạy như: Nghiên cứu hồ sơ, thực hành viết các văn bản, kiến nghị, kháng nghị; diễn án; thực hành lấy dấu vết, khám nghiệm hiện trường...

Thứ ba, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội là một trong số ít trường được cấp phép hoạt động Tạp chí khoa học ngay sau khi có Quyết định thành lập trường. Tạp chí có mã số chuẩn quốc tế (ISSN) và được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đưa vào danh sách các Tạp chí khoa học được tính điểm công trình nghiên cứu khoa học ngành Luật. Tạp chí đã khẳng định được vị trí trong số các tạp chí chuyên ngành luật và thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học đầu ngành tin tưởng gửi gắm để công bố các sản phẩm khoa học của mình.

Thứ tư, bên cạnh hệ thống giáo trình đào tạo tương đối đầy đủ và chất lượng, Trường đã triển khai biên soạn, xuất bản và phát hành trên toàn quốc sách tham khảo rất có ý nghĩa trong công tác nghiên cứu, học tập và làm thực tiễn pháp luật. Thông qua sự phối hợp với các dự án quốc tế, các hội thảo, các khóa tập huấn quốc tế được tổ chức thường xuyên, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao năng lực, nhận thức và kỹ năng cho cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành cũng như giảng viên Nhà trường. Không chỉ vậy, thụ hưởng kết quả từ những hoạt động này, học viên, sinh viên sớm được tiếp cận với kiến thức chuyên ngành và luật quốc tế, làm nền tảng cho hoạt động học tập tại Trường; một số giáo trình chuyên sâu đã được thẩm định và đưa vào chương trình đào tạo là môn học tự chọn của sinh viên; sinh viên, học viên có cơ hội được học tập cùng các chuyên gia quốc tế.

Tuy nhiên, với định hướng phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Kiểm sát có chất lượng cao đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành Kiểm sát và cho xã hội, là một trong những cơ sở đào tạo ngành Luật theo định hướng ứng dụng hàng đầu của Việt Nam, trong thời gian tới, Nhà trường cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Một là, quán triệt thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục đại học theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI; Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn  2019 - 2025 và Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030.

Hai là, gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường với việc thực hiện nguyên tắc tổ chức và hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân và với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, yêu cầu về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân trong từng giai đoạn, từng thời kỳ. Yêu cầu này là nền tảng, là điều kiện đảm bảo sự ổn định và phát triển của Trường gắn với sự phát triển của ngành Kiểm sát, đồng thời là cơ sở để Trường triển khai thực hiện tốt những yêu cầu trong giáo dục đại học theo tinh thẩn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên hàng đầu của Trường là đào tạo sinh viên, bồi dưỡng cán bộ, Kiểm sát viên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của ngành Kiểm sát. Đồng thời nghiên cứu có thể mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình, chuyên ngành và ngành đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội khi có đủ các điều kiện; tiếp tục làm tốt nhiệm vụ đào tạo Thạc sĩ, tiến tới mục tiêu đào tạo Tiến sĩ vào năm 2021 như đề án phát triển Trường.

Ba là, đẩy mạnh công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo lộ trình, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản trong công tác đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.

Bốn là, tiêu chuẩn hóa cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý từ Ban Giám hiệu đến các khoa, phòng, ban, trung tâm, bộ môn; chú trọng tiêu chí về tầm nhìn chiến lược, năng lực sáng tạo và tính chuyên nghiệp của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Có chiến lược đào tạo cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý trung hạn và dài hạn, sắp xếp cán bộ đúng chuyên môn đào tạo và sở trường; có quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận. Có chiến lược xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, phù hợp về cơ cấu và đạt chuẩn theo quy định, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có kiến thức thực tiễn và có kỹ năng thực hành nghề luật.

Năm là, tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên, gắn công tác nghiên cứu khoa học với việc đổi mới, nâng cao chất lượng của từng bài giảng, từng môn học, bảo đảm giảng viên có thể truyền đạt cho người học nội dung tri thức sâu sắc về lý luận và thực tiễn liên quan đến nội dung giảng dạy. Ngoài ra, công tác nghiên cứu khoa học còn phải hướng tới việc đổi mới nội dung đào tạo; xây dựng các môn học mới, chuyên ngành mới theo nhu cầu của thực tiễn thực hành nghề luật và đòi hỏi của xã hội; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học, sau đại học.

Bên cạnh đó, phải có kế hoạch và chiến lược nghiên cứu khoa học dài hạn, trong đó cần xác định được những hướng nghiên cứu mũi nhọn và đặc thù của Trường. Cần xác định xây dựng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trở thành trung tâm nghiên cứu lý luận và khoa học kiểm sát của ngành.

Sáu là, tăng cường đầu tư, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và các trang thiết bị tiên tiến, môi trường phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học đạt tiêu chuẩn; có phòng thực hành và trang thiết bị phục vụ việc thực hành nghề luật, trong đó có các phòng thực hành diễn án, khám nghiệm hiện trường...

Đầu tư xây dựng Thư viện số, tiến hành số hóa các tài liệu để tạo cơ sở dữ liệu mềm cho Thư viện; xây dựng và phát triển nguồn tài liệu điện tử; hợp tác, liên kết và chia sẻ nguồn thông tin với các cơ quan thông tin, thư viện của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, thực hành pháp luật trong nước và trên thế giới.

Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào công tác đào tạo; từng bước xây dựng giáo án, bài giảng điện tử; phát triển hệ thống trực tuyến đào tạo từ xa, kết nối với các phiên tòa xét xử các vụ án hình sự, vụ việc dân sự; kết nối giữa các phòng học, tiến tới những bài học lý thuyết chuyên sâu, một giảng viên có trình độ chuyên môn cao có thể giảng dạy cho nhiều lớp.

Với niềm tự hào, với sự quan tâm của các thế hệ cán bộ ngành Kiểm sát, với những thành tích Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã đạt được trong nửa thế kỷ vừa qua, chúng ta tin tưởng và tự hào rằng Nhà trường sẽ tiếp tục hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà ngành Kiểm sát nhân dân đã giao, dần trở thành một cơ sở đào tạo giáo đục đại học học uy tín và có vị thế xứng tầm. Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (25/4/1970 - 25/4/2020), chúc Nhà trường thành công và đạt nhiều thành tích xuất sắc.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang