Sẽ trình hai phương án về sản xuất vũ khí

22/04/2017 07:39

(kiemsat.vn)
Sáng 22/4, trong chương trình của phiên họp thứ 9, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý (lần 2) của dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã điều hành phiên thảo luận.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Đình Nam

Theo báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Ủy ban Quốc phòng, An ninh, về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí (Điều 15), dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 đề xuất 2 phương án:

Phương án 1: “Các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí”.

Phương án 2: “Các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí. Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, vũ khí tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an thực hiện theo quy định của Chính phủ”.

Đa số ý kiến nhất trí với phương án 1, tuy nhiên, tại Công văn số 3590/VPCP-PL của Văn phòng Chính phủ, thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ thì đề nghị chỉ giữ phương án 2. Theo đó, việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt, về mặt lý luận, Hiến pháp ghi nhận cả Quân đội và Công an cùng tham gia vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng an ninh.

Lâu nay, Quân đội vẫn sản xuất, nhập khẩu vũ khí, nhưng Công an cũng có xưởng sản xuất công cụ phục vụ cho ngành. Thực tế trình tự thủ tục nhập khẩu, sản xuất phải qua Chính phủ, cao hơn nữa là Bộ Chính trị. Ủy ban Quốc phòng và An ninh và các Đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận, chọn phương án 1, luật hóa cho Quân đội và Công an thực hiện việc này, còn phạm vi, mức độ thực hiện đến đâu còn phụ thuộc vào quyết định của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, điều 15 dự thảo Luật quy định về Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí. Tuy nhiên, theo điều 3 dự thảo Luật: “Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo có khả năng sát thương, gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất. Vũ khí gồm: Vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự”. Vậy mà chỉ có Bộ Công an và Bộ Quốc phòng sản xuất là không đúng. Trong xã hội có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất những dụng cụ như thô sơ như cung, nỏ, phi tiêu, dao găm, kiếm, giáo, mác. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị thay từ “vũ khí” bằng từ “vũ khí quân dụng”.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Hiến pháp đã quy định là Công nghiệp Quốc phòng, An ninh nhưng ở nước ta, không phải ngành công nghiệp này sản xuất ra tất cả những loại vũ khí quân dụng cho cả ngành bộ đội và công an.

Trong thực tế ngành công an có đặc thù riêng, do đó Chính phủ chọn phương án 2 để tận dụng hết năng lực sản xuất của công nghiệp quốc phòng. Nhưng khi cần thiết phải nhập khẩu những vũ khí phục vụ cho lực lượng công an thì Chính phủ sẽ quy định.

Phương án 2 không loại bỏ vai trò của các doanh nghiệp thuộc Bộ Công an trong hoạt động nghiên cứu chế tạo, sản xuất, kinh doanh sửa chữa hay xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí, nhưng do xuất phát đặc thù của ngành Công an nên Chính phủ sẽ quy định cụ thể để đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và linh hoạt hơn trong thực tiễn.

Tuy nhiên, phương án 1 lại tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp, Bộ Công an vẫn có thể triển khai các hoạt động nghiên cứu chế tạo, sản xuất, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí. Cho rằng, cả 2 phương án đều phù hợp với Hiến pháp, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội chọn phương án 1 như ý kiến Ủy ban Quốc phòng và An ninh để tạo cơ sở thuận lợi, không để một nền công nghiệp mà lại do cả Luật quy định và Chính phủ quy định.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, do còn có nhiều ý kiến khác nhau nên Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý giữ cả 2 phương án để xin ý kiến Bộ Chính trị, sau đó đưa ra Quốc hội thảo luận và thông qua tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới.

Phạm VIệt Hưng

6 vấn đề lớn cử tri, nhân dân cả nước quan tâm

(Kiemsat.vn) - Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, đã có 3.320 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.tập trung vào 6 nhóm vấn đề.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV: Sẽ xem xét thông qua 6 dự án luật, 12 dự thảo Nghị quyết

(Kiemsat.vn) – Tại buổi họp báo chiều 20/10 tại Nhà Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã công bố chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, trong đó Quốc hội sẽ tập trung, xem xét, thông qua 6 dự án luật, 12 dự thảo nghị quyết.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang