Quy định mới về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân

01/12/2023 11:07

(kiemsat.vn)
Viện trưởng VKSND tối cao vừa ký ban hành Quyết định số 428/QĐ-VKSTC ban hành Quy chế về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân. Quy chế có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/11/2023.

Theo đó, Quy chế quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái đối với công chức của VKSND, VKSQS các cấp. Quy chế được áp dụng đối với công chức của VKSND và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong quá trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phải đối với công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Theo phân cấp, VKSQS thực hiện theo Quy chế này và các quy định khác của Bộ Quốc phòng; Quy chế không áp dụng đối với các chức vụ, chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, cán bộ điều tra Cơ quan Điều tra VKSND tối cao. Ban cán sự đảng VKSND tối cao lãnh đạo công tác tổ chức cán bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân. Lãnh đạo, đảng ủy VKSND cấp cao lãnh đạo công tác cán bộ ở VKSND cấp cao. Ban cán sự đảng VKSND cấp tỉnh lãnh đạo công tác tổ chức cán bộ ở VKSND cấp tỉnh và cấp huyện.

Về nguyên tắc, phải bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trên cơ sở phát huy đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của từng thành viên Ban cán sự đảng, nhất là của người đứng đầu; việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái đối với công chức phải đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, đúng quy định của Đảng, Nhà nước và của VKSND tối cao; tuân thủ các quy định của Đảng về công tác cán bộ và quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh đó, việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái công chức phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và điều kiện, tiêu chuẩn của công chức; bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ công chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Ảnh minh họa.

Về trách nhiệm và thẩm quyền trong bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái công chức, theo Quy chế, Viện trưởng VKSND tối cao quyết định việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái đối với công chức giữ chức vụ, chức danh trong ngành Kiểm sát nhân dân, trừ chức vụ, chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; trừ các chức vụ, chức danh thuộc thẩm quyền bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái của Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh theo Quy chế phân cấp quản lý công chức, viên chức và người lao động trong ngành kiểm sát nhân dân (ban hành kèm theo Quyết định số 208/QĐ-VKTC ngày 08/6/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao).

Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện theo quy định về phân cấp quản lý công chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Ủy ban kiểm sát VKSND các cấp có trách nhiệm tuyển chọn xem xét người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp; đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm Kiểm tra viên và bổ nhiệm lại, hoặc không bổ nhiệm lại Kiểm sát viên các ngạch theo quy định.

Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp (Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên) tổ chức các kỳ thi, thông báo danh sách những người trúng tuyển và đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao bổ nhiệm giữ ngạch Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp. Hội đồng thi tuyển Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp tổ chức các kỳ thi, thông báo danh sách những người đã trúng tuyển và đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao bổ nhiệm Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp.

Đơn vị tham mưu về công tác tổ chức cán bộ có trách nhiệm giúp Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND và Ủy ban kiểm sát cùng cấp đề xuất nhân sự, nhận xét, đánh giá, thẩm định, xây dựng hồ sơ, thực hiện quy trình và các nhiệm vụ khác về công tác tổ chức cán bộ.

Ngoài những quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; điều động, luân chuyển, biệt phái, Quy chế còn quy định chi tiết về quy trình bổ nhiệm chức vụ tại VKSND tối cao, VKSND cấp cao và VKSND cấp tỉnh.

Quy chế có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/11/2023, thay thế các quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, biệt phái đối với công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân tại Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, cách chức đối với công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành theo Quyết định số 400/QĐ-VKSTC ngày 17/11/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao.
Các quy định trước đây trái với Quy chế này đều bị bãi bỏ.

Kiện toàn Hội đồng khoa học Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2020 - 2025

(Kiemsat.vn) - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí vừa ký ban hành Quyết định số 419/QĐ-VKSTC về kiện toàn Hội đồng khoa học Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2020 - 2025, gồm 17 thành viên do đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao làm Chủ tịch Hội đồng.

Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức

(Kiemsat.vn) - Ngày 23/11/2023, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 26-CT/TW về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024. Trong đó nêu rõ, không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố; nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang