Nội dung cơ bản của Luật Công an nhân dân 2018

21/12/2018 16:21

(kiemsat.vn)
Luật Công an nhân dân năm 2018 là cơ sở pháp lý trực tiếp, quan trọng để lực lượng Công an nhân dân nâng cao chất lượng, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho, trọng tâm là đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, vi phạm pháp luật.

Ngày 20/11/2018, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khoá XIV đã thông qua Luật Công an nhân dân năm 2018, thay thế cho qua Luật Công an nhân dân năm 2014, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2019 (riêng các quy định về cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng; phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cấp nhất lả cấp tướng có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2019).

Luật Công an nhân dân năm 2018 đã thể chế hóa được quan điểm, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bô Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thi hành Luật Công an nhân dân năm 2014; bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật của Nhà nước ta, nhất là các đạo luật mới được ban hành như: Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), Luật Cảnh vệ năm 2017, Luật An ninh mạng năm 2018,...

Luật Công an nhân dân năm 2018 gồm 07 chương, 46 điều; so với Luật Công an nhân dân năm 2014 đã tăng 01 điều (trong đó bỏ 02 điều, bổ sung 03 điều), sửa đổi, bổ sung 40 điều; với bố cục và nội dung cơ bản sau:

1. Quy định chung: Gồm 15 điều (từ Điều 1 đến Điều 14), quy định về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; vị trí của Công an nhân dân; nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Công an nhân dân; xây dựng Công an nhân dân; ngày truyền thống của Công an nhân dân; tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân; nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; chế độ phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân và công nhân công an; giám sát hoạt động của Công an nhân dân; quan hệ phối hợp giữa Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ với Công an nhân dân; trách nhiệm của Chính phủ và Bộ, ngành trung ương đối với hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng Công an nhân dân; trách nhiệm của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp đối với hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng Công an nhân dân; trách nhiệm và chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ Công an nhân dân.

2. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Công an nhân dân: Gồm Điều 15 quy định về chức năng của Công an nhân dân và Điều 16 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Công an nhân dân.

3. Tổ chức của Công an nhân dân: Gồm 03 điều (từ Điều 17 đến Điều 19) quy định về hệ thống tổ chức của Công an nhân dân; thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức trong Công an nhân dân; chỉ huy trong Công an nhân dân. 

4. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân: Gồm 13 điều (từ Điều 20 đến Điều 32) quy định về phân loại, bố trí sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân; hệ thống cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân; đối tượng, điều kiện, thời hạn xét phong, thăng cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân; thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và thăng cấp bậc hàm vượt bậc; chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân; cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân; thẩm quyền phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm, nâng lương sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ; bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh trong Công an nhân dân; thủ tục phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm trong Công an nhân dân; điều động sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân; biệt phái sĩ quan Công an nhân dân; hạn tuổi phục vụ của hạ sĩ quan, sĩ quan Công an nhân dân; nghĩa vụ, trách nhiệm của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân; những việc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân không được làm.

5. Bảo đảm điều kiện hoạt động và chế độ, chính sách đối với Công an nhân dân: Gồm 10 điều (từ Điều 33 đến Điều 42) quy định về bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động của Công an nhân dân; công nghiệp an ninh; trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện khác; trang phục, công an hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân; chính sách đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân; tiền lương, phụ cấp, nhà ở và điều kiện làm việc đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân; chăm sóc sức khoẻ đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, sinh viên, học sinh, công nhân công an và thân nhân; chế độ nghỉ ngơi của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ và công nhân công an; chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân nghỉ hưu, chuyển ngành, xuất ngũ, bệnh binh, hy sinh, từ trần; chế độ, chính sách đối với sinh viên, học sinh, công nhân công an, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ và thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ. 

6. Khen thưởng và xử lý vi phạm: gồm 02 điều (Điều 43 và Điều 44) quy định về khen thưởng và xử lý vi phạm.

7. Điều khoản thi hành: gồm 2 điều (Điều 45 đến Điều 46) quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.

Xem thêm>>>

Bộ Công an: Tối đa 6 Thượng tướng, 35 Trung tướng, 157 Thiếu tướng

Thành lập Cục Truyền thông Công an nhân dân

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang