Những nội dung cần rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại tỉnh Tây Ninh
(kiemsat.vn) VKSND tối cao vừa ban hành Thông báo số 93/TB-VKSTC về việc rút kinh nghiệm đối với vụ án Huỳnh Thị Triểu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại tỉnh Tây Ninh, để các đơn vị trong toàn Ngành cùng rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự.
Nội dung vụ án
Hồ sơ vụ án thể hiện, bà Huỳnh Thị Triểu biết bà Huỳnh Thị Chông (sinh năm 1957) đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa đất 367, tờ bản đồ số 14 (xã Hiệp Tân, huyện Hiệp Thành, tỉnh Tây Ninh). Năm 2007, lấy tên là Huỳnh Thị Chông, bà Huỳnh Thị Triểu đã đến Công an tỉnh Tây Ninh khai báo mất Giấy chứng minh nhân dân và được cấp lại Giấy chứng minh nhân dân mang tên Huỳnh Thị Chông, chỉ bản và ảnh là của bà Triểu.
Năm 2010, bà Huỳnh Thị Triểu lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên, lấy Chứng minh mang tên Huỳnh Thị Chông đem đi thế chấp tại Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh huyện Hòa Thành để vay số tiền 150 triệu đồng. Lần vay này bà Huỳnh Thị Triểu đã trả nợ và lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng quyền sử dụng đất về.
Ngày 29/7/2016, bà Huỳnh Thị Triểu tiếp tục sử dụng chứng minh thư mang tên Huỳnh Thị Chông thế chấp quyền sử dụng đất nêu trên tại Ngân hàng TMCP cổ phần An Bình vay số tiền 2,5 tỷ đồng.
Năm 2017, mặc dù Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang thế chấp tại Ngân hàng, nhưng bà Huỳnh Thị Triểu sử dụng Giấy chứng minh mang tên Huỳnh Thị Chông thực hiện giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên cho vợ chồng ông Nguyễn Duy Nhật và bà Lê Thị Đông với giá 5 tỷ đồng. Bà Huỳnh Thị Triểu đã nhận 4,9 tỷ đồng của vợ chồng ông Nguyễn Duy Nhật để thanh toán nợ cho Ngân hàng TMCP An Bình, lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đưa cho vợ chồng ông Nhật và tiêu xài cá nhân.
Ngày 15/8/2017, vợ chồng ông Nhật, bà Đông được Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với thửa đất nêu trên. Ngày 20/6/2018, ông Nguyễn Duy Nhật đến nhận bàn giao nhà, đất thì phát hiện hành vi gian dối của bà Huỳnh Thị Triểu, gia đình bà Huỳnh Thị Chông không biết việc bà Huỳnh Thị Triểu lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình đi sang nhượng cho ông Nhật.
Ảnh minh họa |
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 34/2020/HS-ST ngày 15/9/2020, TAND thành phố Tây Ninh áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; điểm b khoản 3 Điều 341; khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự xử phạt Huỳnh Thị Triểu 16 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 03 năm tù về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Ngoài ra, Bản án còn quyết định về trách nhiệm dân sự buộc Ngân hàng TMCP An Bình hoàn trả cho ông Nguyễn Duy Nhật số tiền 2,5 tỷ đồng; buộc Huỳnh Thị Triểu bồi thường cho ông Nhật số tiền 2,3 tỷ đồng. Kiến nghị Công an tỉnh Tây Ninh khởi tố về hành vi gian dối của Huỳnh Thị Triểu vay tiền tại Ngân hàng TMCP An Bình; Ngân hàng được quyền yêu cầu giải quyết số tiền 2,5 tỷ đồng đồng đối với bị cáo Huỳnh Thị Triểu.
Sau khi xét xử, Ngân hàng TMCP An Bình kháng cáo về phần dân sự, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không buộc ngân hàng phải hoàn trả lại số tiền 2,5 tỷ đồng.
Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 180/2021/HSPT ngày 01/4/2021, TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định sửa bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự: buộc bị cáo phải bồi thường cho ông Nhật số tiền 4,9 tỷ đồng.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
Trong vụ án này, bà Huỳnh Thị Triểu lừa đảo chiếm 4,9 tỷ đồng của vợ chồng ông Nguyễn Duy Nhật. Theo khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự , người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu. Vì vậy bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường 4,9 tỷ đồng cho vợ chồng ông Nguyễn Duy Nhật. Tuy nhiên, trong số đó Huỳnh Thị Triểu đã sử dụng tiêu xài 2,3 tỷ, còn lại 2,5 tỷ đồng Huỳnh Thị Triểu chuyển trả cho Ngân hàng TMCP An Bình để lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao cho ông Nguyễn Duy Nhật. Về bản chất số tiền này là của ông Nguyễn Duy Nhật nên Tòa án cấp sơ thẩm buộc Ngân hàng TMCP An Bình trả cho ông Nguyễn Duy Nhật là đúng. Còn lại bị cáo vẫn có trách nhiệm phải trả số tiền đã vay Ngân hàng TMCP An Bình. Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã kiến nghị Công an tỉnh Tây Ninh khởi tố về hành vi gian dối của Huỳnh Thị Triểu trong việc vay tiền của Ngân hàng và dành cho Ngân hàng có quyền khởi kiện yêu cầu Huỳnh Thị Triểu bồi hoàn số tiền đã vay.
Tòa án cấp phúc thẩm chỉ buộc bị cáo bồi thường cho bị hại là vợ chồng ông Nguyễn Duy Nhật 4,9 tỷ đồng, không đề cập đến việc Ngân hàng TMCP An Bình trả lại 2,5 tỷ đồng là không chính xác.
Ngày 19/7/2022, Chánh án TAND tối cao có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, kháng nghị bản án phúc thẩm số 180/2021/HSPT 01/4/2021 của TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh về phần trách nhiệm dân sự. Tại phiên tòa Giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao chấp nhận quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án TAND tối cao, hủy phần Bản án phúc thẩm số 180/2021/HSPT và giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 34 ngày 15/9/2020 của TAND tỉnh Tây Ninh về phần buộc Ngân hàng TMCP An Bình hoàn trả cho ông Nguyễn Duy Nhật số tiền 2,5 tỷ đồng; buộc Huỳnh Thị Triểu bồi thường cho Nguyễn Duy Nhật số tiền 2,3 tỷ đồng./.
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
-
7Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.