Những nguyên tắc cơ bản và thẩm quyền của Tòa án trong tố tụng dân sự

22/02/2017 09:38

(kiemsat.vn)
– Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng – đó là một nội dung mới trong chế định về nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016.

Những điểm mới về nguyên tắc tố tụng dân sự

Thứ nhất, bổ sung nguyên tắc Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, việc giải quyết vụ việc dân sự được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật Dân sự (BLDS) và BLTTDS quy định (khoản 2 Điều 4).

Liên quan đến vấn đề này, BLDS năm 2015(2) đã quy định rõ nguyên tắc giải quyết các vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng, theo đó, Tòa án sẽ áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng để xem xét, giải quyết vụ việc dân sự. Án lệ được Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong giải quyết các vụ việc dân sự khi đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố. Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó.

Thứ hai, bổ sung nguyên tắc “Bảo đảm tranh tụng trong xét xử”(Điều 24) nhằm cụ thể hóa quy định tại khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013.

Thẩm quyền của Tòa án trong tố tụng dân sự

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của Tòa án theo hướng tất cả những tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trừ trường hợp theo quy định của luật thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác. Quy định này nhằm tạo điều kiện để Tòa án thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý; đồng thời, để phù hợp với nguyên tắc “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Bộ luật này cũng bổ sung, quy định đầy đủ, cụ thể những loại tranh chấp và việc dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án bảo đảm phù hợp với luật nội dung đã quy định, như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Bộ luật Lao động, Luật Thi hành án dân sự…

(Trích bài viết: “Những điểm mới cơ bản của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015” của TS. Hoàng Thị Quỳnh Chi, đăng trên Tạp chí Kiểm sát số 5/2016).

Bài 1: Những quy định mới của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự.

Đón đọc Bài 3: Người tiến hành tố tụng dân sự.

Nghiên cứu và lập hồ sơ kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự

(Kiemsat.vn) - Trường hợp VKS tham gia phiên tòa thì Tòa án phải gửi hồ sơ vụ án cùng quyết định đưa vụ án ra xét xử cho VKS cùng cấp; trong thời hạn 15 ngày, VKS phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho Tòa án (khoản 2 Điều 220 BLTTDS năm 2015).

Khi ly hôn mà vợ chồng không cùng nơi cư trú, xác định Tòa án nào giải quyết?

(Kiemsat.vn) - Đối với vụ án ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn mà nguyên đơn và bị đơn đều cư trú ở hai nơi khác nhau, tài sản là bất động sản lại ở nơi khác thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết sẽ là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang