Nghiên cứu và lập hồ sơ kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự
(kiemsat.vn) Trường hợp VKS tham gia phiên tòa thì Tòa án phải gửi hồ sơ vụ án cùng quyết định đưa vụ án ra xét xử cho VKS cùng cấp; trong thời hạn 15 ngày, VKS phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho Tòa án (khoản 2 Điều 220 BLTTDS năm 2015).
Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tổ chức Hội thảo góp ý xây dựng chuyên đề bồi dưỡng nghiệp vụ
Thời hạn giao nộp chứng cứ của đương sự
Các trường hợp VKS kiến nghị trong tố tụng dân sự
Ảnh minh họa: Internet
Hồ sơ vụ án ở giai đoạn sơ thẩm chủ yếu là hồ sơ mới lập nhưng cũng có thể là hồ sơ vụ án bị Tòa án cấp phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm sửa, hủy để xét xử sơ thẩm lại. Trong thực tế có một số vụ án phải qua nhiều lần xét xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm. Do đó, Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ tham gia phiên tòa cần nắm rõ loại hồ sơ xét xử lần đầu hay xét xử lại để tập trung nghiên cứu làm rõ yêu cầu của hoạt động kiểm sát xét xử sơ thẩm. Hồ sơ vụ án dân sự do Tòa án có thẩm quyền lập và quản lý theo quy định tại Điều 204 BLTTDS năm 2015 (1).
Với quy định của BLTTDS liên quan đến việc lập hồ sơ giải quyết vụ án, giúp Kiểm sát viên căn cứ để kiểm tra, xác định tính hợp pháp, đầy đủ của hồ sơ vụ án; căn cứ để nhận diện tính hợp pháp của các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ. Vì vậy, trước khi nghiên cứu nội dung vụ án, Kiểm sát viên cần kiểm tra xem về trình tự, thủ tục lập hồ sơ, hình thức hồ sơ đã tuân theo đúng quy định của BLTTDS hay chưa.
Khi nhận được hồ sơ vụ án do Tòa án chuyển đến, KSV được Viện trưởng VKS phân công kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với vụ án đó có trách nhiệm nghiên cứu hồ theo quy định tại khoản 3 Điều 58 BLTTDS năm 2015: “Nghiên cứu hồ sơ vụ việc; yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này”. Kiểm tra viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 59 BLTTDS năm 2015 (2).
Nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ vụ án tham gia phiên tòa sơ thẩm là để kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng khác, kể từ khi thụ lý đến khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ, Kiểm sát viên chuẩn bị các thủ tục, phương án tham gia phiên tòa; chuẩn bị phát biểu quan điểm giải quyết vụ án. Kiểm sát viên tập trung kiểm sát và rút ra kết luận một số hoạt động tố tụng cơ bản sau đây:
Về thẩm quyền thụ lý vụ án
Gồm thẩm quyền về nội dung tranh chấp được quy định tại các điều 26, 30 và 32; thẩm quyền của Tòa án hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật quy định tại Điều 34; thẩm quyền theo cấp Tòa án từ Điều 35 đến Điều 38; thẩm quyền theo lãnh thổ tại Điều 39; thẩm quyền theo lựa chọn của nguyên đơn theo Điều 40 BLTTDS năm 2015.
Xác định tư cách của đương sự, người tham gia tố tụng khác
Kiểm sát viên kiểm sát việc Tòa án xác định có đúng tư cách của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại Điều 68 BLTTDS năm 2015 (Điều 56 BLTTDS năm 2011) không. Cần phân biệt nguyên đơn chính là người khởi kiện trong trường hợp người có đủ năng lực hành vi dân sự làm đơn yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Đối với cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, thì người đại diện hợp pháp của họ (đại diện theo pháp luật) có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự; người đại diện cho cơ quan, tổ chức khởi kiện yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước (tham khảo Điều 2, 3 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao).
Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự
Để xác định quan hệ tranh chấp, trước hết, Kiểm sát viên xem xét đơn khởi kiện đương sự trình bày “những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan” (điểm g khoản 4 Điều 189 BLTTDS năm 2015). Trong thực tế giải quyết tranh chấp dân sự, người khởi kiện có thể nêu đúng quan hệ tranh chấp như “tranh chấp đòi tài sản”; “yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản”; nhưng cũng có thể nêu trong đơn nội dung yêu cầu theo tên gọi của giao dịch dân sự như “đòi nhà cho thuê”, “đòi nhà cho ở nhờ”, “tranh chấp lối đi”; “đòi tiền cho vay”… Do đó, Kiểm sát viên phải căn cứ nội dung đơn khởi kiện và các chứng cứ, tài liệu kèm theo do người khởi kiện cung cấp, xem xét nguyên đơn khởi kiện yêu cầu vấn đề gì; quan hệ pháp luật từ đó phát sinh tranh chấp là quan hệ gì; loại tranh chấp nguyên đơn khởi kiện tương ứng với khoản, điều nào thuộc một trong các điều 26, 28, 30 và 32 của BLTTDS năm 2015.
Xác minh, thu thập chứng cứ vụ án
Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên phải làm rõ các vấn đề về chứng cứ như tính có căn cứ, tính hợp pháp của chứng cứ, tài liệu và trả lời câu hỏi với chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ đủ để giải quyết vụ án chưa. Theo Điều 93 BLTTDS năm 2015 quy định: “Chứng cứ trong vụ án dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”.
Theo quy định trên, để xác định có phải là chứng cứ của vụ án dân sự không cần xác định tính khách quan của chứng cứ. Tính khách quan của chứng cứ thể hiện chứng cứ đó là có thật; phát sinh và tồn tại trong không gian và thời gian cụ thể, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người tiến hành tố tụng hay đương sự.
Giữa các chứng cứ đều có mối liên quan với nhau, chứa đựng thông tin theo hướng củng cố hoặc loại trừ đối với tình tiết của vụ án. Do đó, Kiểm sát viên phải phân tích, đánh giá về tính liên quan của chứng cứ, tài liệu đối với tình tiết của vụ án mà Tòa án dựa vào đó để giải quyết.
Để xác định chứng cứ có giá trị chứng minh đối với yêu cầu của các bên đương sự phải căn cứ vào nguồn gốc chứng cứ; nội dung, hình thức của chứng cứ chứa đựng các thông tin bổ sung cho chứng cứ khác có liên quan đến tình tiết, sự kiện của vụ án.
Về tính hợp pháp của chứng cứ: Kiểm sát viên phải nắm vững quy định của BLTTDS về trình tự giao nộp chứng cứ của đương sự, cung cấp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và chứng cứ do Tòa án xác minh thu thập được theo quy định của BLTTDS (từ Điều 98 đến Điều 106); tham khảo Điều 3 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (hiện nay vẫn còn hiệu lực). Trong hồ sơ vụ án có thể có tài liệu không phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực thì tùy theo nội dung, nguồn gốc của tài liệu để có thể coi là chứng cứ hợp pháp hay không. Thực tế giải quyết vụ án có tài liệu photocopy nhưng nội dung phù hợp với các giấy tờ, tài liệu khác (trong đó có tài liệu được công chứng, chứng thực) thì tài liệu photocopy có thể được Tòa án chấp nhận như tài liệu chính, chứng cứ của vụ án.
Hồ sơ vụ án được coi là đầy đủ chứng cứ là hồ sơ có đủ các chứng cứ để chứng minh một cách rõ ràng, thuyết phục đối với yêu cầu, đề nghị hoặc bác bỏ yêu cầu, đề nghị của các bên đương sự. Đối với một số loại tranh chấp, vụ án cụ thể pháp luật đòi hỏi phải có những tài liệu, chứng cứ có tính đặc thù như Luật Hôn nhân và gia đình quy định giải quyết về nuôi con khi vợ, chồng ly hôn, nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con bằng lời khai, đơn trình bày nguyện vọng được sống với bố hoặc mẹ; phải có biên bản hòa giải ở cơ sở đối với tranh chấp “ai có quyền sử dụng đất”; văn bản giám định thiệt hại khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại; chia tài sản chung của các thừa kế phải có văn bản của những người thừa kế xác định di sản do người chết để lại chưa chia… Nếu hồ sơ vụ án còn thiếu những chứng cứ cơ bản, có tính đặc thù của loại quan hệ tranh chấp mà Tòa án vẫn đưa vụ án ra xét xử là giải quyết không đúng quy định của pháp luật.
Theo quy định của BLTTDS, khi nghiên cứu hồ sơ nếu thấy hồ sơ chưa đủ chứng cứ để bảo đảm giải quyết đúng đắn vụ án thì Kiểm sát viên có quyền ban hành văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu. Tuy nhiên, thời hạn nghiên cứu hồ sơ của Viện kiểm sát chỉ là 15 ngày nên việc thực hiện các thủ tục để yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ vụ án sẽ rất hạn chế. Khi chưa nắm chắc việc giao nộp chứng cứ, yêu cầu cung cấp chứng cứ, tài liệu của các đương sự hoặc Tòa án tự xác minh thu thập chứng cứ như thế nào mà Kiểm sát viên yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ vụ án thì rất khó được Tòa án chấp nhận thực hiện. Vì vậy, Kiểm sát viên cần tập hợp những tình tiết của vụ án chưa đủ chứng cứ, tài liệu chứng minh, làm rõ (nếu có) để đưa vào phương án hỏi đương sự, người tham gia tố tụng khác hoặc Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong việc thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ của Thẩm phán, Hội đồng xét xử tại phiên tòa.
Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án
Trong vụ án dân sự thường có nhiều tình tiết, sự kiện khách quan chi phối quan hệ pháp luật dân sự của các bên đương sự. Quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán có quyền hạn yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp tài liệu, chứng cứ hoặc tự mình xác minh, thu thập chứng cứ để từ đó chấp nhận hoặc bác bỏ tình tiết, sự kiện liên quan của vụ án. Thông qua việc thu thập chứng cứ để chấp nhận hoặc phủ nhận các tình tiết liên quan của vụ án phần nào phản ánh quan điểm giải quyết vụ án của Thẩm phán. Trách nhiệm của Kiểm sát viên một mặt phải kiểm sát việc đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp tài liệu, chứng cứ hoặc việc xác minh, thu thập chứng cứ của Thẩm phán có hợp pháp và đầy đủ hay không. Mặt khác, thông qua việc kiểm tra chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án nếu phát hiện có tình tiết khác liên quan nhưng chưa có chứng cứ, tài liệu chứng minh làm rõ hoặc chứng cứ chứng minh chưa thuyết phục thì Kiểm sát viên phải xác định chứng cứ liên quan đến tình tiết đó đã được thu thập chưa; mối liên hệ của tình tiết với việc giải quyết vụ án như thế nào. Trên cơ sở đó, xác định không còn tình tiết nào liên quan đến vụ án mà không được xem xét, làm rõ.
Sau khi nghiên cứu những nội dung nêu trên, Kiểm sát viên phải lập Hồ sơ kiểm sát theo quy định tại điểm 1.1 Mục 1 Phần II của Hướng dẫn số 27/HD-VKSTC-V5 ngày 22/5/2014 của VKSND tối cao hướng dẫn lập hồ sơ kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự. Trong đó chú ý: Hiện nay không ít Kiểm tra viên được phân công nghiên cứu hồ sơ chưa quan tâm đúng mức việc trích cứu nội dung tài liệu, chứng cứ (nhất là lời khai của các đương sự) mà chủ yếu là photocopy tất cả tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án do Tòa án lập. Thực trạng này dẫn đến hệ quả là Kiểm sát viên tham gia phiên tòa có thể không nhận định, đánh giá đúng giá trị chứng minh của chứng cứ với tình tiết của vụ án hoặc mối liên hệ giữa chứng cứ này với chứng cứ khác của vụ án. Ví dụ, Kiểm tra viên thường chỉ photo mặt chính của tài liệu nhưng có tài liệu có thông tin liên quan được ghi hoặc thể hiện ở mặt sau của tài liệu nhưng không được photo dẫn đến bỏ sót thông tin liên quan.
Quá trình lập hồ sơ kiểm sát, Kiểm tra viên phải trích dẫn điều luật hoặc copy văn bản liên quan đến giải quyết vụ án giúp Kiểm sát viên có căn cứ pháp luật khi phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật và đề xuất quan điểm giải quyết vụ án.
“1) Hồ sơ vụ án dân sự gồm đơn và toàn bộ tài liệu, chứng cứ của đương sự, người tham gia tố tụng khác; tài liệu, chứng cứ do Tòa án thu thập liên quan đến vụ án; văn bản tố tụng của Tòa án, Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án dân sự. 2) Các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ vụ án dân sự phải được đánh số bút lục, sắp xếp theo thứ tự ngày, tháng, năm. Giấy tờ, tài liệu có trước để ở dưới, giấy tờ, tài liệu có sau để ở trên và phải được quản lý, lưu giữ, sử dụng theo quy định của pháp luật”.
(2) “1) Nghiên cứu hồ sơ vụ, việc, báo cáo kết quả với Kiểm sát viên; 2) Lập hồ sơ kiểm sát vụ việc dân sự theo sự phân công của Kiểm sát viên hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát; 3) giúp Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự”.(Trích bài viết: Trao đổi về nghiên cứu hồ sơ và lập hồ sơ kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự theo thủ tục sơ thẩm của tác giả Bùi Văn Kim , Đoàn Thị Thu VKSNDTC. TCKS số 20/2016 )
Kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự và chất lượng bài phát biểu của KSV tại phiên tòa
Khi ly hôn mà vợ chồng không cùng nơi cư trú, xác định Tòa án nào giải quyết?
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
-
7Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam