Những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng Điều 341 BLHS về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
(kiemsat.vn) Việc áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 để xử lý hình sự đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức trong thực tế vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc nhất định; thậm chí, nhiều trường hợp chưa có sự thống nhất trong nhận thức áp dụng pháp luật giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như người tham gia tiến hành tố tụng.
Infographic: Các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng
Ban hành Bộ Chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí
Quy định mới của Chính phủ về tinh giản biên chế
Một số nội dung còn thiếu thống nhất
Một là, sự thiếu thống nhất trong việc áp dụng quy định của BLHS đối với hành vi cung cấp thông tin để thuê người khác làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức sau đó sử dụng những tài liệu đó để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt là khi không xác định được người trực tiếp làm giả giấy tờ thì xử lý hành vi của người này về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” hay đồng phạm về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”? Có những trường hợp đối tượng thuê người làm giả tài liệu, giấy tờ sử dụng tài liệu, giấy tờ đó vào mục đích lừa đảo để chiếm đoạt tài sản thì bị xử lý về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” hay tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hay cả hai tội trên?
Hai là, thiếu thống nhất trong áp dụng đối với hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, lừa dối để công chứng, chứng thực và hành vi lưu trữ các tài liệu giả nhưng không sử dụng hoặc sử dụng để đối phó với cơ quan chức năng (ví dụ: sử dụng giấy phép lái xe giả, đăng ký xe giả…) để lưu hành. Có quan điểm cho rằng hành vi này cần phải xử lý hình sự về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng đối với hành vi nêu trên chỉ bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực liên quan theo quy định của pháp luật.
Ba là, thiếu thống nhất về áp dụng tình tiết định tội “Thực hiện hành vi trái pháp luật”. Có quan điểm cho rằng hành vi trái pháp luật có thể là trái các quy định pháp luật nói chung, không chỉ là pháp luật hình sự. Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng, vì khách thể của tội phạm này là xâm phạm trật tự quản lý hành chính nên người thực hiện hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc sử dụng con dấu giả, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật mà hành vi trái pháp luật này là tội phạm thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 341. Còn thực hiện hành vi sử dụng tài liệu giả mà không nhằm thực hiện tội phạm thì chỉ bị xử lý hành chính...
Điều 16 Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định “…3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả”.
Bốn là, chưa có sự thống nhất nhận định biển kiểm soát ô tô, xe máy giả có được coi là tài liệu giả của cơ quan, tổ chức hay không? Việc sử dụng biển kiểm soát giả để tham gia giao thông, tránh việc xử phạt vi phạm của cơ quan chức năng thì có bị xử lý về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức hay không?
Năm là, theo quy định hiện hành, việc giám định giấy tờ, tài liệu giả phải được thực hiện trên bản gốc của tài liệu (giám định so sánh); thực tế có một số vụ án, vật chứng là tài liệu giả không thu giữ được thì sẽ không thể tiến hành trưng cầu giám định để xác định tài liệu đó là giả hay thật. Do đó, ngoài lời khai nhận tội của đối tượng thì không có tài liệu khác chứng minh nên không đủ căn cứ để xử lý về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Sáu là, thực tiễn cho thấy, đối với các tài liệu giả về nội dung, giả về hình thức thì được xác định tài liệu giả; hay đối với tài liệu phô tô được chỉnh sửa nếu được chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền và có thể sử dụng để thực hiện hành vi phạm pháp luật thì cũng được coi là tài liệu giả. Tuy nhiên đối với dữ liệu điện tử bị chỉnh sửa (chưa in ra) là một loại tài liệu mới thì lại chưa có hướng dẫn nào cho trường hợp này.
Bảy là, hiện nay việc xác định số lượng tài liệu giả cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Trong trường hợp người thực hiện hành vi làm giả một bộ hồ sơ gồm nhiều giấy tờ (như: Biên lai nộp tiền thu phí cấp quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận nguồn gốc đất…) thì hành vi này vi phạm khoản 1 Điều 341 BLHS với số lượng là 01 tài liệu giả (tương ứng với 01 bộ hồ sơ) hay phạm tội ở khoản khác của Điều 341 BLHS do đã làm giả 02 tài liệu giả trở lên (tương ứng với số lượng giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ). Ngoài ra, trong trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội sao y 01 tài liệu thành nhiều bản sao khác nhau, thì xác định số lượng tài liệu làm giả theo bản gốc hay theo bản sao?
Bên cạnh đó tại khoản 2 Điều 341 BLHS có 02 tình tiết định khung là “Phạm tội 02 lần trở lên” (điểm b) và “Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu” (điểm c). Quy định như trên gây bất lợi cho người phạm trong một số trường hợp như một người 02 lần làm ra 02 tài liệu thì bị áp dụng 02 tình tiết định khung như trên. Tuy nhiên cũng với hành vi này, một người làm 05 tài liệu trong 01 lần giả thì lại chỉ bị áp dụng 01 tình tiết định khung.
Tám là, số tiền “thu lợi bất chính” được xác định chỉ là số tiền bị can, bị cáo thu lợi từ việc làm giả con dấu, tài liệu hay cả số tiền bị can, bị cáo có được do sử dụng con dấu, tài liệu giả để thực hiện hành vi trái pháp luật?.
Chín là, trên thực tế, một số trường hợp không thu giữ được bản gốc tài liệu, giấy tờ giả nhưng có bản photo, bản photo có công chứng, chứng thực nên gây khó khăn trong việc xử lý hành vi của đối tượng (như trường hợp đối tượng sử dụng Giấy phép lái xe giả, sau khi gây tai nạn đã đến cơ quan Công an làm đơn mất giấy tờ, chỉ thu được Giấy pháp lái xe bản photo…; Cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định, ban hành công văn yêu cầu cung cấp thông tin…, tuy nhiên một số trường hợp không nhận được Công văn trả lời trong khi thời hạn giải quyết nguồn tin không đủ, nên phải tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin).
Đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật
Như vậy, có thể thấy, nguyên nhân của những vướng mắc nêu trên chủ yếu là do nhận thức pháp luật của các cơ quan tố tụng chưa thống nhất và liên ngành trung ương cũng chưa hướng dẫn áp dụng pháp luật cụ thể, rõ ràng. Theo đề xuất của tác giả bài viết, trong thời gian tới cần có những giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần có sự thống nhất về nhận thức của các cơ quan tố tụng về hành vi “làm giả” hoặc “sử dụng” trong tội này: Điều 341 BLHS quy định “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt…”. Điều đó có nghĩa là yếu tố “thực hiện hành vi trái pháp luật” chỉ được quy định gắn với hành vi “sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả”. Do vậy, hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” không bắt buộc phải gắn với yếu tố “thực hiện hành vi trái pháp luật” và phải bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, ban hành hướng dẫn thống nhất nội dung thuật ngữ “làm giả” để thuận tiện áp dụng trong thực tiễn: Theo đó, làm giả là hành vi làm giống như thật các loại con dấu, tài liệu hiện đang được phép lưu hành hoặc làm ra các loại con dấu, tài liệu mới hoàn toàn, chưa có loại tương tự trong đời sống. Nói cách khác, làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức là hành vi của người không có thẩm quyền cấp các giấy tờ đó nhưng đã tạo ra các giấy tờ đó bằng những phương pháp nhất định để coi nó như thật. Vì vậy tài liệu xác định là tài liệu giả có thể là giả toàn bộ hoặc chỉ từng phần (tiêu đề, chữ ký, con dấu, nội dung…). Hành vi phạm tội này hoàn thành kể từ khi người không có thẩm quyền tạo ra được con dấu, tài liệu, các giấy tờ giả của một cơ quan Nhà nước, tổ chức nhất định (kể cả cơ quan Nhà nước hay tổ chức đó không có thật hoặc đã bị giải thể).
Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành hướng dẫn “Hành vi trái pháp luật” quy định tại khoản 1 Điều 341 được hiểu là hành vi trái pháp luật nói chung mà không nhất thiết phải là tội phạm. Trường hợp trái pháp luật hình sự, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý theo quy định tại điểm d khoản 2 (sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng) hoặc điểm b khoản 3 (sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng).
Thứ tư, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành hướng dẫn xác định hành vi có cấu thành tội phạm hay không trong một số trường hợp như: Hành vi cung cấp thông tin của người khác để thuê người khác làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức thì bị xử lý về tội làm giả tài liệu. Trường hợp cá nhân có hành vi cung cấp thông tin của chính bản thân để thuê làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, sau đó đặt mua tài liệu giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì không xử lý về tội làm giả tài liệu mà chỉ xử lý về tội sử dụng tài liệu giả; bởi lẽ người đó không trực tiếp làm giả tài liệu, mà nhằm mục đích sử dụng tài liệu giả để phạm tội; do đó, chỉ cấu thành tội “sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức” mà không cấu thành tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Hành vi lưu giữ các tài liệu giả sử dụng để đối phó với cơ quan chức năng (như: Sử dụng bằng lái xe giả, giấy đăng ký xe giả.. để lưu hành) thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ.
Thứ năm, ban hành hướng dẫn về xác định một số đối tượng có phải tài liệu giả hay không để làm căn cứ truy cứ trách nhiệm hình sự. Cụ thể: Dữ liệu điện tử bị chỉnh sửa (chưa in ra) cũng có thể được xác định là tài liệu giả; bởi theo quy định của Luật lưu trữ: “Tài liệu là vật mang tin được hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tài liệu bao gồm văn bản, dự án, bản vẽ thiết kế, bản đồ, công trình nghiên cứu, sổ sách, biểu thống kê; âm bản, dương bản phim, ảnh, vi phim; băng, đĩa ghi âm, ghi hình; tài liệu điện tử; bản thảo tác phẩm văn học, nghệ thuật; sổ công tác, nhật ký, hồi ký, bút tích, tài liệu viết tay; tranh vẽ hoặc in; ấn phẩm và vật mang tin khác”. Tài liệu photo không được coi là tài liệu giả, bởi tài liệu photo mà không chứng thực thì không có giá trị pháp lý; do đó việc sửa chữa tài liệu photo không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341.
Thứ sáu, ban hành hướng dẫn về định tội danh Điều 341 BLHS đối với các hành vi trên thực tế theo hướng: Người chỉ có hành vi làm giả để cung cấp cho đối tượng khác sử dụng thực hiện hành vi trái pháp luật, thì xem xét xử lý về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Người chỉ có hành vi sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả (không có hành vi làm giả) để thực hiện hành vi trái pháp luật thì xem xét xử lý về hành vi “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Người có hành vi làm giả, sau đó sử dụng giấy tờ giả này để thực hiện hành vi trái pháp luật thì xem xét xử lý về hành vi đầy đủ là “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức”. Người có hành vi sử dụng giấy tờ giả để thực hiện hành vi khác mà BLHS quy định là tội phạm, thì cần xem xét xử lý về hai hành vi “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “hành vi khác mà BLHS quy định là tội phạm”.
Thứ bảy, để tránh trường hợp một số loại tài liệu mà các cơ quan tiến hành tố tụng không xác định được đó có được xem là tài liệu giả của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 341 BLHS hay không, cần thiết phải ban hành hướng dẫn trong đó định nghĩa cụ thể và liệt kê một số loại tài liệu giả (xảy ra phổ biến trong thời gian qua như biển số giả, giấy phép lái xe giả, biên lai chuyển tiền giả,…) để có sự thống nhất áp dụng trong thực tiễn.
Thứ tám, liên ngành tư pháp trung ương cần hướng dẫn trường hợp không có Kết luận giám định xác định là tài liệu giả nhưng có đủ căn cứ các tài liệu, chứng cứ khác thì vẫn xử lý về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Do tại Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định giấy tờ, tài liệu giả thuộc trường hợp bắt buộc phải giám định.
Trên đây là ý kiến của tác giả - Thạc sỹ Phan Diệu Linh, Giảng viên trường Đại học Kiểm sát Hà Nội về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng Điều 341 Bộ luật Hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; nguyên nhân và những giải pháp kiến nghị, đề xuất để hoàn thiện pháp luật. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp, phản hồi của bạn đọc và đồng nghiệp.
Xây dựng, hoàn thiện Quy định về văn hoá công vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân
Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ án “Giết người” có bị cáo là người dưới 18 tuổi xảy ra tại huyện Thường Tín, TP. Hà Nội
-
1Vướng mắc về đánh giá chứng cứ khi giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
2Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
Bài viết chưa có bình luận nào.