Nhiều Đại biểu Quốc hội đồng tình sửa luật chứ không tách Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)

17/11/2020 08:28

(kiemsat.vn)
Ngày 16/11, góp ý vào dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), tại Hội trường Quốc hội có 26 ý kiến và 4 tranh luận về dự án Luật này. Tuy nhiên, nhiều đại biểu chưa đồng thuận việc tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật gồm: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vì 2 luật này có sự trồng chéo, trùng lặp.

Tách luật có làm trật tự, an toàn giao thông đường bộ tốt hơn?

Theo Tờ trình của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, qua tổng kết 10 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho thấy Luật có phạm vi điều chỉnh gồm cả hai lĩnh vực là bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ.

Tuy nhiên, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; còn xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ lại thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật.

Hai lĩnh vực này có mục tiêu và đối tượng điều chỉnh khác nhau (bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với mục tiêu là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo đảm an ninh con người; còn xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn kỹ thuật công trình giao thông).

Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang diễn biến rất phức tạp, vi phạm xảy ra phổ biến là ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đáng báo động. Qua thống kê cho thấy, trong hơn 10 năm qua, tai nạn giao thông ở Việt Nam đã làm chết trên 100 nghìn người, bị thương trên 330 nghìn người.

Nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc xuất phát từ nguyên nhân lái xe sử dụng chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn… Đường bộ là nơi diễn ra nhiều vấn đề phức tạp về hoạt động của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, như: trộm, cướp, gây rối trật tự công cộng, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu… Đây là những lý do để xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành.

Nhiều ĐBQH phản đối tách Luật Giao thông đường bộ. Ảnh Quốc hội 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các Đại biểu Quốc hội cho rằng, cơ sở để xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tách ra từ nội dung Luật Giao thông đường bộ hiện hành có sự khiên cưỡng, áp đặt, không có cơ sở khách quan khoa học, không thuyết phục.

Các đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét không tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 Luật và không chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an mà cần nghiên cứu tổng thể những vấn đề còn bất cập để tích hợp sửa đổi nội dung cho một dự án thống nhất là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)...

Đồng tình sửa luật chứ không tách luật

Qua thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc sửa đổi luật tạo sự đột phá trong quản lý giao thông, song các đại biểu cũng băn khoăn việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật có thể gây nên chồng chéo trong quản lý.

Theo các đại biểu, giao thông đường bộ phải có 4 thành tố quan trọng là kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, con người tham gia giao thông và quy tắc giao thông. Việc đảm bảo an toàn giao thông đường bộ chỉ là mục tiêu để tham gia giao thông đường bộ, vì vậy, việc tách thành hai luật là không hợp lý.

Các đại biểu cũng đặt vấn đề giao thông có 5 lĩnh vực là đường thủy, hàng hải, hàng không, đường sắt, đường bộ. Nếu đường bộ tách thành 2 luật, thì sau này 4 lĩnh vực kia có tách hay không?.

ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đoàn Đà Nẵng) phát biểu. Ảnh Quốc hội

ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đoàn Đà Nẵng) đề nghị cần xem lại tính hợp pháp, hợp lý của việc đưa dự thảo luật. “Tôi đề nghị QH nên lấy ý kiến có nên tách luật hay không, sau đó mới tiến hành các bước tiếp theo”- ĐBQH Đà Nẵng bày tỏ. Ông Sơn cho rằng phải làm rõ lí do tách luật và những hệ lụy sau khi tách luật, bởi trong giải trình rất sơ sài, không đáp ứng yêu cầu.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng). Ảnh Quốc hội 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) lại phân tích, hiện nay ngành giao thông vận tải đã được pháp luật giao chủ trì quản lý nhà nước về các lĩnh vực giao thông vận tải từ đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không với phạm vi điều chỉnh, mục tiêu là một thể thống nhất, không thể tách rời. Đại biểu đoàn Đà Nẵng đề nghị dự thảo Luật nên sửa đổi theo hướng tiếp tục giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì chính trong quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ, bao gồm cả an toàn giao thông đường bộ, đồng thời phân công trách nhiệm các bộ, ngành liên quan chịu thực hiện các nhiệm vụ khác nhau trong giao thông đường bộ phù hợp với chức năng và chuyên môn, tránh chồng chéo, trùng lặp. Theo bà Thúy, sự chồng chéo, trùng lặp vừa vô hiệu hóa chế độ trách nhiệm vừa làm cho các cơ quan quản lý Nhà nước trở nên quá tải.

Phát biểu kết luận tại Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết: Góp ý vào dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), tại Hội trường có 26 ý kiến và 4 tranh luận về dự án Luật này. Các đại biểu tán thành cần sửa đổi Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) năm 2008 để đảm bảo an toàn giao thông, cơ sở hạ tầng và kết cấu giao thông hiện hành.

Tại Phiên thảo luận, nhiều ý kiến không đồng thuận với việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vì 2 luật này có sự trồng chéo, trùng lặp. Nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa luật phải đảm bảo hệ thống giao thông Việt Nam, trách nhiệm quản lý của các Bộ ngành; đồng thời cần rà soát kỹ về thủ tục hành chính, cấp giấy phép lái xe, sát hạch lái xe... sao cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam so với thế giới.

Bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37

(Kiemsat.vn)-Chiều 15/11, phát biểu tại lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan và lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN cho Brunei, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết các nước đã nhất trí nhiều nội dung quan trọng, tạo động lực mới cho quan hệ giữa ASEAN.

Những nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh vừa được Quốc hội thông qua

(Kiemsat.vn) - TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, là đầu tàu kinh tế, có sức thu hút, lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc ban hành Nghị quyết về xây dựng chính quyền đô thị góp phần giải quyết các vấn đề lớn đối với một đô thi loại đặc biệt, nhằm phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của TP. Hồ Chí Minh đối với vùng và cả nước; nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ công; đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững .
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang