Những nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh vừa được Quốc hội thông qua

16/11/2020 13:13

(kiemsat.vn)
TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, là đầu tàu kinh tế, có sức thu hút, lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc ban hành Nghị quyết về xây dựng chính quyền đô thị góp phần giải quyết các vấn đề lớn đối với một đô thi loại đặc biệt, nhằm phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của TP. Hồ Chí Minh đối với vùng và cả nước; nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ công; đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững .

Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh

Không còn HĐND cấp quận, phường và sẽ có thành phố trong thành phố

Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh, gồm 11 Điều. Theo đó, chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh gồm: Chính quyền địa phương ở TP. Hồ Chí Minh có Hội đồng nhân dân (HĐND) và Uỷ ban nhân dân (UBND). Ở quận và phường không có HĐND mà chỉ có UBND. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các huyện, thành phố, xã, thị trấn của TP. Hồ Chí Minh được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Nghị quyết cũng cho phép TP. Hồ Chí Minh thành lập thành phố trong thành phố với mô hình một cấp chính quyền hoàn chỉnh, có tổ chức HĐND.

Nghị quyết quy định: HĐND Thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn như: Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình, trong đó bao gồm dự toán ngân sách của quận; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; Giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của HĐND Thành phố trên địa bàn quận, phường thuộc quận; giám sát hoạt động của UBND quận, UBND phường thuộc quận, Tòa án nhân dân (TAND) quận, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) quận; Lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND Thành phố đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức; trường hợp có từ hai phần ba tổng số đại biểu HĐND Thành phố trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì HĐND Thành phố đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Thời hạn, thời điểm, trình tự lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận được thực hiện theo quy định của Quốc hội. Đại biểu HĐND Thành phố có quyền chất vấn Chủ tịch UBND quận, Chánh án TAND quận, Viện trưởng VKSND quận. HĐND Thành phố xem xét việc trả lời chất vấn của người bị chất vấn.

Đối với quy định về UBND, Chủ tịch UBND Thành phố, Nghị quyết nêu rõ: UBND Thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn. Trong đó, xây dựng, trình HĐND Thành phố quyết định nội dung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết này và tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND Thành phố;  Căn cứ vào nghị quyết của HĐND Thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và hằng năm của Thành phố, quyết định giao nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho UBND quận. Phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của UBND quận; Quyết định thành lập, tổ chức lại hoặc giải thể cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận; Quyết định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn các quận trực thuộc.

Chủ tịch UBND Thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ công tác Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận; Đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND quận.

Điều 7 của Nghị quyết quy định: UBND, Chủ tịch UBND thành phố thuộc Thành phố  thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn: Xây dựng, trình HĐND cùng cấp quyết định các nội dung theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 6 của Nghị quyết này và tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND; Căn cứ vào nghị quyết của HĐND thành phố thuộc Thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và hằng năm của thành phố, quyết định giao nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho UBND phường trực thuộc; Quyết định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn các phường trực thuộc.

Nghị quyết cũng quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND phường và nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND phường; nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường.

Với 87,14% đại biểu Quốc hội tán thành, Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 và được thực hiện từ 01/7/2021

Tổ chức thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2021

Về điều khoản thi hành, Điều 10 của Nghị quyết nêu rõ: Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Việc tổ chức chính quyền đô thị quy định tại Nghị quyết này được thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.

Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội được ban hành trước thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này. Bên cạnh đó, HĐND, UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này và quy định khác của pháp luật có liên quan; Ban hành các quy định cần thiết để triển khai thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố theo quy định của Nghị quyết này và hướng dẫn của Chính phủ; thực hiện phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở quận, thành phố thuộc Thành phố và phường phù hợp với yêu cầu quản lý đô thị và khả năng thực tiễn của từng địa phương; Chỉ đạo, thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức làm việc ở quận, phường theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và quy định của cơ quan có thẩm quyền; giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức thuộc diện dôi dư do sắp xếp khi thực hiện Nghị quyết này theo quy định, hướng dẫn của Chính phủ; Đề xuất và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi hoặc bổ sung các chính sách cần thiết khác trong quá trình thực hiện Nghị quyết này…

Về điều khoản chuyển tiếp, Nghị quyết quy định: HĐND, UBND quận, phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc nhiệm vụ vào ngày 30 tháng 6 năm 2021. Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2021, UBND quận, UBND phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị quyết này. Trường hợp chưa bổ nhiệm được Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường thì Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này cho đến khi Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường mới được bổ nhiệm. Văn bản của chính quyền địa phương ở quận, phường được ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 2021, nếu chưa được cơ quan có thẩm quyền thay thế hoặc bãi bỏ thì vẫn được áp dụng.

Từ ngày 01 tháng 7 năm 2021, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường, công chức cấp xã ở phường được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2021 được chuyển thành công chức làm việc tại phường đang công tác; trường hợp chuyển sang vị trí việc làm mới thì công chức phải bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp vị trí việc làm đó theo quy định của Chính phủ.

Việc sử dụng, quản lý và chế độ, chính sách đối với cán bộ cấp xã quy định tại các điểm a, d, đ, e và g khoản 2 Điều 61 của Luật Cán bộ, công chức  công tác ở các phường tại Thành phố vẫn thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và các văn bản pháp luật khác có liên quan./.

PV

Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm các thành viên Chính phủ

(Kiemsat.vn) - Hôm nay 12/11, bằng hình thức bỏ phiếu kín, Quốc hội đã phê chuẩn bổ nhiệm nhiều nhân sự cấp cao: Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội thảo luận Dự án Luật Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

(Kiemsat.vn) - Có cần thiết xây dựng lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trong khi chưa làm rõ mối quan hệ của lực lượng này với Công an xã? Bổ sung 1,5 triệu người vào lực lượng với các chế độ chính sách ngang bằng, thậm chí vượt công chức, viên chức là có phù hợp? Nhiều vấn đề khiến các ĐBQH băn khoăn khi tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang