Tiến độ, chất lượng giải quyết án của ngành Kiểm sát đều đạt và vượt chỉ tiêu của Quốc hội

06/11/2020 11:14

(kiemsat.vn)
Sáng 06/11, theo Nghị trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội bắt đầu bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn của nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Bắt đầu phiên chất vấn kéo dài 2,5 ngày

Theo chương trình Kỳ họp, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày làm việc từ ngày 06/11 đến hết sáng ngày 10/11, để tiến hành xem xét, chất vấn việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát. Đây là lần thứ 2 trong nhiệm kỳ, Quốc hội tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn theo đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Trước đó, lần đầu tiên tiến hành là tại Kỳ họp thứ 6 – kỳ họp giữa nhiệm kỳ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu mở đầu phiên chất vấn

Liên quan đến triển khai hoạt động này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngay từ rất sớm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch để các cơ quan chức năng chủ động triển khai thực hiện. Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao đã tích cực chuẩn bị và gửi đến các đại biểu Quốc hội 20 báo cáo về các lĩnh vực, trong đó nêu khá chi tiết, cụ thể việc thực hiện đối với từng nội dung, lĩnh vực được nêu trong các nghị quyết của Quốc hội. Trên cơ sở đó, các cơ quan của Quốc hội đã thẩm tra, đánh giá cụ thể về các nội dung đã thực hiện. Tổng Thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra về những nội dung này.

Qua các báo cáo, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, về tổng thể đã nổi lên nhiều kết quả tích cực, thể hiện tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành cũng như từng thành viên Chính phủ và các trưởng ngành trong việc triển khai các yêu cầu của Quốc hội. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng những kết quả đạt được đã góp phần không nhỏ trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo niềm tin trong Nhân dân và xã hội.

Phiên chất vấn này là phiên cuối cùng về hoạt động chất vấn của Quốc hội khóa XIV. Mục đích chính là đánh giá lại một cách toàn diện kết quả triển khai các yêu cầu của Quốc hội được nêu trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần chủ động, sâu sát, tập trung phân tích, làm rõ những vấn đề còn tồn tại, những nhiệm vụ chưa hoàn thành theo yêu cầu của Quốc hội, làm rõ nguyên nhân, đề ra các yêu cầu cần tiếp tục thực hiện để xây dựng Nghị quyết chuyển giao cho Quốc hội khóa sau giám sát, theo dõi.

Tiến độ, chất lượng giải quyết án của Viện kiểm sát đều đạt 99,9% và vượt chỉ tiêu của Quốc hội

Báo cáo trước Quốc hội, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến năm 2020, Quốc hội không có nghị quyết riêng về giám sát chuyên đề đối với ngành Kiểm sát nhân dân. Nhưng trong 5 nghị quyết về giám sát của Quốc hội có 5 nhóm nhiệm vụ liên quan đến trách nhiệm của Ngành. Đó là: Chống oan sai trong truy tố và thực hiện tốt Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Nâng cao chất lượng kiểm sát điều tra và truy tố để hạn chế mức thấp nhất việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; Truy tố kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi phạm tội liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị; Hoàn thiện quy trình truy tố tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em; Ban hành Thông tư liên tịch về công tác phối hợp trong giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

Thời gian qua, ngành Kiểm sát đã thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và giải quyết yêu cầu bồi thường; kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Qua đó, Viện kiểm sát các cấp đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố hơn 3.000 vụ án, hủy bỏ 78 quyết định khởi tố vụ án. Đồng thời, Viện kiểm sát đã trực tiếp khởi tố và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra 92 vụ án hình sự; trực tiếp hủy bỏ hơn 600 quyết định không khởi tố vụ án hoặc quyết định khởi tố vụ án; hủy hơn 3.300 lệnh, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn thiếu căn cứ, trái pháp luật.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí báo cáo trước Quốc hội 

"Kết quả công tác kiểm sát đã góp phần quan trọng bảo đảm việc khởi tố vụ án, bắt, tạm giữ, tạm giam và điều tra đúng pháp luật; hạn chế thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm và oan, sai", Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí khẳng định.

Theo báo cáo, ngành Kiểm sát đã kiểm sát chặt chẽ 100% các vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố và trong suốt quá trình điều tra. Thông qua kiểm sát, Viện kiểm sát đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố gần 2.900 bị can; hủy hơn 1.100 quyết định khởi tố bị can và 138 quyết định tạm đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ điều tra thiếu căn cứ, trái pháp luật. "Tiến độ, chất lượng giải quyết án của Viện kiểm sát đều đạt 99,9% và vượt chỉ tiêu của Quốc hội".

Từ năm 2016 đến nay, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng chất lượng điều tra, truy tố để giảm tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Kết quả, chất lượng điều tra, truy tố được nâng lên, số vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung giảm dần. Cụ thể, tỷ lệ trả hồ sơ năm 2018 là 3,02%, giảm 0,65%; năm 2020 còn 2,7%, giảm 0,8%.

Bên cạnh đó, toàn ngành Kiểm sát đã kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết các vụ việc liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị; phối hợp với các cơ quan tố tụng kịp thời điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh nhiều vụ án xâm phạm đất đai được dư luận xã hội quan tâm. Đơn cử như vụ Nguyễn Thành Tài, vụ Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm phạm tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại TP Hồ Chí Minh; vụ Trần Văn Minh và đồng phạm phạm tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", "Vi phạm quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại TP Đà Nẵng.

Nhiều vấn đề nóng về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước được Quốc hội đưa ra thảo luận

(Kiemsat.vn) - Trong hai ngày 04, 05/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường tiếp tục nội dung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Trong quá trình thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Chủ nhiệm các Ủy ban cũng phát biểu giải trình, làm rõ thêm ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội: Chính phủ đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao

(Kiemsat.vn) - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, về tổng thể các báo cáo cho thấy có nhiều kết quả tích cực, thể hiện tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, quyết tâm rất cao của Chính phủ, các bộ, ngành cũng như từng thành viên Chính phủ và các vị trưởng ngành trong việc triển khai các yêu cầu của Quốc hội.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang