Nguyễn Văn Đ có là đồng phạm không?

02/03/2017 10:56

(kiemsat.vn)
– Mang tiền cho bạn mượn để đánh bạc có là đồng phạm trong vụ án hình sự không? Mời các bạn cùng trao đổi.

Tóm tắt nội dung vụ án:

Khoảng 19h ngày 20/5/2015, Nguyễn Văn Q, Phạm Quang H, Vũ Đình T và Trần Hữu D rủ nhau chơi bài (tú lơ khơ) ăn tiền tại nhà của Q ở phường B, quận C, thành phố H. Đến khoảng 20h30 phút thì H bị thua hết tiền, nên H gọi điện thoại cho Nguyễn Văn Đ (là anh họ H) nhờ Đ mang tiền đến cho H mượn, tiếp tục chơi bài. Khoảng 15 phút sau thì Đ đi xe máy tới nhà Q, mang theo 6.000.000 đồng để đưa cho H mượn. Khi tất cả đang chơi thì bất ngờ bị Công an quận C ập vào bắt quả tang, đưa tất cả về trụ sở để lập biên bản về việc đánh bài, trong đó có cả Đ.

Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan điều tra Công an quận C đã ra quyết định khởi tố Nguyễn Văn Q, Phạm Quang H, Vũ Đình T, Trần Hữu D và Nguyễn Văn Đ về tội “Đánh bạc” theo quy định tại Điều 248 Bộ luật Hình sự (BLHS). Trong quá trình giải quyết vụ án, việc định tội danh đối với Q, H, T và D không có ý kiến gì khác. Tuy nhiên, hiện còn có các quan điểm khác nhau về việc định tội danh đối với Nguyễn Văn Đ. Cụ thể:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Việc khởi tố Nguyễn Văn Đ về tội “Đánh bạc” với vai trò đồng phạm là chính xác. Bởi lẽ, Đ đã có hành vi mang tiền cho H mượn. Sau khi nhận được tiền do Đ đưa, H tiếp tục dùng số tiền này vào việc chơi bài ăn tiền. Do đó, Đ phải bị truy tố và xét xử về tội “Đánh bạc” với vai trò là người giúp sức.

Quan điểm thứ hai lại cho rằng: Trong trường hợp này, Đ không phạm tội. Những người theo quan điểm này cho rằng, để đánh giá một hành vi là có tội hay không có tội thì trước hết phải đánh giá xem hành vi đó có phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội hay không theo quy định tại khoản 1 Điều 8 BLHS năm 1999. Theo đó, xét về bản chất, hành vi của Đ mang tiền đến cho H mượn theo yêu cầu của H chỉ có thể được coi là một giao dịch dân sự bình thường, Đ hoàn toàn không có bất kỳ hành vi nào khác chứng tỏ có tham gia vào việc đánh bài ăn tiền, cũng như có hành vi nào có vai trò giúp sức trong việc đánh bài của H. Đánh giá một hành vi có phạm tội hay không  phải đánh giá đúng bản chất của hành vi đó. Vì vậy, trong trường hợp này, Nguyễn Văn Đ không phạm tội.

Tôi đồng tình với quan điểm thứ hai, trong trường hợp này Nguyễn Văn Đ không phạm tội. Bởi lẽ, nội dung khoản 1 Điều 8 BLHS năm 1999 đã chỉ rõ:

“Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản…”.

Như vậy, về mặt lý luận, khoa học luật hình sự và thực tiễn pháp lý thừa nhận, để đánh giá một hành vi có phải là tội phạm hay không thì hành vi đó phải thỏa mãn các yếu tố: 1. Hành vi đó phải gây nguy hiểm cho xã hội; 2. Được quy định trong Luật Hình sự; 3. Do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện; 4. Có yếu tố lỗi và 5. Xâm phạm quan hệ xã hội được Luật Hình sự bảo vệ.

Do đó, đối với trường hợp trên, hành vi của Đ chỉ có thể được coi là một giao dịch dân sự thông thường. Để chứng minh Đ phạm tội “Đánh bạc” quy định tại Điều 248 BLHS 1999 với vai trò đồng phạm giúp sức thì phải chứng minh được hành vi của Đ trong vụ án này có ảnh hưởng, tác động như thế nào đối với hành vi đánh bạc của H. Do đó, theo nguyên tắc có lợi thì trường hợp này phải kết luận Nguyễn Văn Đ không phạm tội mới chính xác.

Trên đây là các quan điểm về việc định tội danh đối với Nguyễn Văn Đ. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ bạn đọc để việc nhận thức và áp dụng pháp luật được thống nhất./.

Phạm Thị Quỳnh Nga

Tòa án nhân dân tối cao

B,C, D đồng phạm tội Cố ý gây thương tích

(Kiemsat.vn) - Tác giả cho rằng, B tuy không cùng bàn bạc với C, D nhưng khi thấy C, D mang hung khí đến, B vùng dậy và giật từ tay D một đoạn tuýp cùng C, D đuổi đánh lực lượng Công xã. B, C, D đã thống nhất ý chí với nhau, cùng cố ý thực hiện hành vi gây thương tích cho người khác.

Đề nghị giữ nguyên khoản 4 Điều 17 BLHS năm 2015

(Kiemsat.vn) - Nhằm bảo đảm tính minh bạch của BLHS, Ủy ban kiểm sát VKSND tối cao đã thống nhất cao với quan điểm giữ nguyên quy định tại khoản 4 Điều 17 BLHS năm 2015.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang