Nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra của CQĐT VKSND tối cao đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

22/08/2019 11:14

(kiemsat.vn)
Trải qua gần 60 năm xây dựng và trưởng thành, hoạt động của Cơ quan Điều tra VKSND tối cao đã góp phần rất lớn vào vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của ngành Kiểm sát nhân dân; trở thành công cụ sắc bén để Viện kiểm sát nhân dân thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp

Được thành lập từ năm 1962, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 12/LCT ngày 18/4/1962 công bố Pháp lệnh quy định về tổ chức Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong đó có Vụ Điều tra thẩm cứu – tiền thân của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao (CQĐTVKSNDTC) ngày nay. Hiện nay, theo quy định của luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, CQĐTVKSNDTC có thẩm quyền tiến hành điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân.

Trải qua gần 60 năm xây dựng và trưởng thành, mặc dù tổ chức bộ máy và thẩm quyền của đơn vị có sự thay đổi qua mỗi giai đoạn, nhưng hoạt động của CQĐTVKSNDTC luôn đảm bảo đúng pháp luật, khách quan, góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội; “làm trong sạch đội ngũ cán bộ trong các cơ quan tư pháp; là công cụ sắc bén thực sự có hiệu quả để Viện kiểm sát nhân dân thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa” (Trích Chỉ thị số 05 ngày 17/5/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác điều tra của CQĐTVKSND tối cao).

Trong bối cảnh tiếp tục thực hiện chủ trương về cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW với mục tiêu xuyên suốt là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa..., ngành KSND nói chung và CQĐTVKSNDTC nói riêng đã và đang nghiên cứu để từng bước hướng tới sự hoàn thiện hệ thống tổ chức cả về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền hoạt động. Đề án về tổ chức của Cơ quan điều tra cũng đã và đang được xây dựng, hoàn thiện theo hướng xác định đúng, đủ quyền năng pháp lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Quá trình đổi mới hệ thống CQĐTVKSNDTC được tiến hành trong mối liên hệ với việc phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với việc đề cao trách nhiệm và bảo đảm tính độc lập của các chức danh tư pháp trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, việc đổi mới và hoàn thiện hệ thống CQĐTVKSNDTC luôn được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với quá trình cải cách hành chính và cải cách bộ máy nhà nước nói chung.

Mặt khác, một trong những phương hướng quan trọng mà chất lượng cải cách tư pháp đặt ra là: xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp theo hướng đề cao quyền hạn, trách nhiệm pháp lý... Chính vì vậy, trong thời gian qua, ngành KSND, CQĐTVKSNDTC đã đặt biệt quan tâm công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ Điều tra viên, cán bộ điều tra cả về chuyên môn, nghiệp vụ, giáo dục bồi dưỡng phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp. Đến nay đội ngũ Điều tra viên, cán bộ điều tra của CQĐTVKSNDTC đã có sự trưởng thành nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu nhiệm vụ được giao.

1. Khó khăn, hạn chế trong hoạt động điều tra của Cơ quan Điều tra VKSND tối cao thời gian qua

Về điều tra các loại tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra

Một là: Trong bối cảnh một loạt các đạo luật về tư pháp hình sự được ban hành và có hiệu lực khi áp dụng trong thực tiễn làm nảy sinh những khó khăn, vướng mắc do một số quy định mới chậm được hướng dẫn thi hành. Sự hạn chế của pháp luật luôn trở thành cơ hội được các loại tội phạm triệt để lợi dụng, trong đó làm suy giảm rồi tiến tới vô hiệu hóa hoạt động của các cơ quan tư pháp. Mặc khác, từ những bất cập của hệ thống pháp luật hình sự liên quan đến nhóm tội này dẫn đến hệ quả về sự thiếu thống nhất trong nhận thức giữa các chủ thể tiến hành hoạt động điều tra, dẫn đến tình trạng có thể bỏ lọt tội phạm hay điều tra, truy tố sai.

Điều 397 BLHS quy định:Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án”; về cơ bản vẫn chưa bao quát hết được các nội dung cần thiết của khái niệm tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, dẫn đến sự thiếu thống nhất trong áp dụng. Định nghĩa như trên của luật chưa bao quát hết các hoạt động tư pháp như hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, tạm giữ, tạm giam, hỗ trợ tư pháp, thi hành án và bổ trợ tư pháp; đồng thời, chưa làm rõ hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp như Bộ đội Biên phòng, Thuế, Kiểm lâm, Hải Quan, Kiểm ngư, Cảnh sát biển, lực lượng công an cấp xã… và các cơ quan có thẩm quyền khác trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, tạm giữ, tạm giam, hỗ trợ tư pháp và bổ trợ tư pháp. Điều này gây nên tình trạng lúng túng, còn mâu thuẫn trong việc xác định thẩm quyền tiến hành điều tra.

Hai là: Xét về tình hình vi phạm, tội phạm thời gian qua xảy ra trong hoạt động tư pháp với mức độ, số lượng ngày càng lớn, diễn biến ngày càng tăng và phức tạp, các đối tượng phạm tội có trình độ, am hiểu pháp luật cao, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, điều này gây ra nhiều khó khăn cho việc phát hiện, xử lý.

Ba là: Trong quá trình điều tra của CQĐTVKSNDTC, các cơ quan tư pháp ít nhiều đều có quan hệ phối hợp, chế ước lẫn nhau trong hoạt động tư pháp nói chung, trong đó có hoạt động điều tra. Vì vậy, không ít trường hợp họ có thể tác động, thậm chí gây trở ngại đến hoạt động điều tra, xử lý vụ án. Điều này xuất phát từ nguyên nhân do lo sợ ảnh hưởng xấu đến uy tín, thành tích của cơ quan tư pháp chủ quản, ảnh hưởng đến trách nhiệm của người lãnh đạo cơ quan nếu có cán bộ trong cơ quan phạm tội, bởi vậy, “cơ quan tư pháp dễ này sinh tâm lý muốn “gói kín” sự kiện phạm tội, để xử lý nội bộ. Người phạm tội cũng muốn dựa vào cơ quan để lẩn tránh trách nhiệm, đối phó với Cơ quan điều tra” (Trích bài viết “Một số kinh nghiệm điều tra các tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ cơ quan tư pháp” trên Tạp chí Kiểm sát số 11, tháng 6/2012; tác giả Nguyễn Văn Hải – nguyên Phó Cục trưởng Cục Điều tra VKSNDTC, nguyên Vụ trưởng Vụ 4 VKSNDTC).

Bốn là: Các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐTVKSNDTC, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, các tội phạm chức vụ khác xảy ra trong hoạt động tư pháp đều là những vụ án rất khó khăn trong việc định tội, xác định người phạm tội, những chứng cứ vật chất để chứng minh tội phạm không có nhiều, không thu giữ được hoặc có thu giữ được nhưng không đủ điều kiện để giám định; do địa điểm, thời gian thực hiện tội phạm phần lớn ở nơi kín đáo, nơi vắng vẻ, không có người làm chứng; sự đối phó quyết liệt, tinh vi, xảo quyệt của người thực hiện tội phạm. Đặc biệt, có trường hợp nhờ sự chỉ dẫn của người bị tạm giam, tạm giữ chung trong phòng và một số người am hiểu pháp luật đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót, vi phạm của người tiến hành tố tụng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử để xúi giục người phạm tội khai báo gian dối, không đúng sự thật.

Đối tượng phạm tội tham nhũng trong hoạt động tư pháp là những người có chức vụ quyền hạn, có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ xã hội rộng, hành vi phạm tội rất kín kẽ, có điều kiện và nhiều thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội cũng như che giấu tội phạm, đồng thời cũng tìm mọi cách để tác động, mua chuộc cán bộ làm công tác điều tra... Mặt khác, các vụ án tham nhũng thường xảy ra sau một thời gian khá lâu mới bị phát hiện nên đối tượng đã cất giấu, hợp lý hóa hoặc đã tiêu hủy tài liệu dẫn đến việc thu thập tài liệu gặp nhiều khó khăn. Tất cả những yếu tố này đã tạo áp lực tâm lý cho các CQĐT và gây cản trở lớn đến công tác phát hiện, điều tra tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp. Riêng đối với hành vi nhận hối lộ trong quá trình tiến hành hoạt động tư pháp, việc thu thập chứng cứ để chứng minh tôi phạm thường gặp nhiều khó khăn, một số trường hợp, chỉ có lời khai của người đưa hối lộ và người nhận hối lộ, sau đó lại phản cung chối tội hoặc chỉ có lời khai từ phía người đưa hối lộ nhưng người bị cáo buộc nhận hối lộ không thừa nhận lời khai đó. Vì vậy, nhiều trường hợp không có đủ cơ sở kết luận hành vi phạm tôi của các bị can hoặc chỉ chứng minh được môt phần hành vi phạm tội của các bị can này.

Các vụ án tham nhũng xảy trong hoạt động tư pháp được phát hiện nói chung thường chậm, sau khi tội phạm xảy ra một thời gian tương đối dài, hoặc khi bị can không đáp ứng thỏa mãn yêu cầu của bị hại khi giải quyết vụ án, vụ việc liên quan đến bị hại, điều này gây khó khăn rất lớn cho việc thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh tội phạm. Trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp, điều khó tránh khỏi là điều tra viên thường gặp phải sự chống đối của những đối tượng có chức, có quyền, có lợi ích liên quan đến vụ án. Đối tượng phạm tội tham nhũng trong hoạt động tư pháp đương nhiên rất am hiểu pháp luật, quan hệ xã hội rộng, có nhiều kênh thông tin, nhiều trường hợp là các cán bộ có thành tích và cống hiến trong công tác. Vì vậy, sức ép khi giải quyết là rất lớn. Bên cạnh đó, các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp (đặc biệt là tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hiện nay xảy ra rất phổ biến trong công tác quản lý quỹ thi hành án) thường do nhiều đối tượng thực hiện có tổ chức, thời gian xảy ra khá lâu mới được phát hiện, hành vi tham nhũng được che đậy dưới nhiều hình thức khác nhau. Đối tượng tham gia có quan hệ chặt chẽ với nhau, thông tin khép kín trong phạm vi nhất định. Các đối tượng thường cất giấu tài sản, hợp lý hoá hoặc tiêu huỷ tài liệu chứng cứ nên công tác điều tra hết sức khó khăn, thời gian điều tra kéo dài.

Về cơ chế đảm bảo hiệu quả hoạt động điều tra

Thứ nhất: Hiện cơ cấu tổ chức của CQĐT VKSND tối cao hiện được tổ chức ở cấp trung ương với 02 đại diện ở miền Trung (tại Đà Nẵng), miền Nam (tại TP Hồ Chí Minh) và 03 phòng nghiệp vụ đóng tại 03 khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Điều tra viên, Cán bộ điều tra thường xuyên công tác dài ngày tại các địa phương trên cả nước nên công tác quán triệt, triển khai kịp thời các nhiệm vụ công tác, các văn bản pháp luật liên quan... tới toàn thể Điều tra viên, công chức trong đơn vị còn gặp một số khó khăn.

Văn phòng CQĐT ngoài làm nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra và trực tiếp điều tra một số vụ án phức tạp do Thủ trưởng CQĐT phân công còn kiêm thực hiện luôn cả công tác hậu cần, tài chính cũng là một bất cập dẫn đến hiệu quả hoạt động của đơn vị này không thực sự thuận lợi.

Thứ hai: CQĐTVKSNDTC không có hệ thống “chân rết”, mạng lưới cơ sở ở địa bàn cung cấp thông tin, cộng tác viên để chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin về tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp xảy ra trên toàn quốc; chưa có cơ chế đảm bảo về cung cấp thông tin về tội phạm trong nội bộ ngành KSND và chưa có cơ chế khuyến khích, động viên thiết thực để có thể thu được thông tin về tội phạm từ các nguồn khác; chưa thực sự nhận được phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan thông tin đại chúng để trao đổi thông tin có dấu hiệu tội phạm. Tất cả những khó khăn trên đều dẫn đến hệ quả việc nắm bắt thông tin tội phạm là rất hạn chế.

Thứ ba: Ngành kiểm sát không có bộ phận lực lượng vũ trang làm công tác hỗ trợ tư pháp. Điều này tất yếu dẫn đến việc hạn chế rất nhiều hoạt động trong công tác điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền. Trong quá trình điều tra khi tiến hành các lệnh bắt, khám xét, dẫn giải, áp giải hay các hoạt động thu thập chứng cứ khác phục vụ việc chứng minh vụ án hình sự, khi cần thiết CQĐTVKSNDTC bắt buộc phải đề nghị bộ phận hỗ trợ tư pháp của các ngành khác mà chủ yếu là ngành công an để thực hiện các hoạt động đó. Điều này vừa khiến hoạt động điều tra trở nên bị động, không đảm bảo tính kịp thời, bất ngờ và đặc biệt là có khả năng làm lộ bí mật điều tra. Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của một cơ quan lại phụ thuộc vào sự tham gia của cơ quan khác rõ ràng là điều không thuận lợi khi tiến hành thực hiện chức năng của mình.

Thứ tư: Ngành KSND cũng không có bộ phận chuyên trách về giám định kỹ thuật hình sự. Thực tiễn cho thấy, các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, các vụ án tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp khi tiến hành buộc tội đối với các đối tượng, hầu hết các vụ án đều cần kết quả giám định kỹ thuật hình sự mới có thể tiến hành kết luận các vấn đề cần chứng minh. Trong điều tra các vụ án này, chứng cứ vật chất rất phong phú và thường phải thông qua công tác giám định của các nhà chuyên môn mới có thể có kết luận chính xác phục vụ cho việc chứng minh vụ án, các chứng cứ này phổ biến là các thương tích trên cơ thể người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù, máy ghi âm, băng ghi hình, các giấy tờ, chữ ký, các thỏa thuận đưa, nhận hối lộ, các hồ sơ tài liệu có dấu hiệu làm giả, làm sai lệch v.v…Tất cả các chứng cứ nói trên để giải quyết được vấn đề đặt ra trong giải quyết vụ án, thậm chí là căn cứ để có khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không, CQĐTVKSNDTC cũng bắt buộc phải tiến hành trưng cầu các cơ quan giám định của Bộ công an hoặc Bộ quốc phòng; dẫn đến Cơ quan điều tra ở vào thế bị động phải chờ kết quả, theo dõi tiến độ thực hiện giám định, ảnh hưởng đến thời hạn điều tra, và cũng có nguy cơ làm lộ bí mật điều tra nhất là đối với các đối tượng phạm tội là người trong lực lượng công an hay quân đội.

Theo quy định mới của pháp luật, từ năm 2020 phải thực hiện đồng bộ việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hoạt động hỏi cung bị can; tuy nhiên, đến nay CQĐTVKSNDTC chưa được trang bị đầy đủ thiết bị và các bộ chuyên trách về kỹ thuật hình sự. Cán bộ điều tra phải kiêm nhiệm thực hiện và chưa được đào tạo chuyên sâu về công tác này nên gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai trên thực tế.

Thứ năm: Ngành KSND, cụ thể là CQĐTVKSNDTC không có hệ thống nhà tạm giữ do mình quản lý. Do đó trong quá trình điều tra, khi tiến hành tạm giữ, tạm giam các đối tượng phạm tội, cơ quan này phải gửi các bị can ở trại giam, trại tạm giam của Bộ công an, Bộ quốc phòng, điều này gây nhiều trở ngại trong việc tiến hành các hoạt động điều tra như hỏi cung bị can, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, ít có điều kiện làm việc đột xuất nếu bị can đề nghị được khai báo, không chủ động được trong việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đối tượng phạm tội…

Thứ sáu: Về yếu tố con người để thực hiện chức năng điều tra cũng còn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh hiện tại. Đa số các điều tra viên của CQĐTVKSNDTC đều trưởng thành từ ngành kiểm sát, có nhiều kinh nghiệm trong giải quyết án hình sự, nghiệp vụ kiểm sát, tuy nhiên lại không được đào tạo một cách bài bản về nghiệp vụ điều tra, vì vậy kinh nghiệm và kỹ năng điều tra cũng là một thách thức. Để tăng cường lực lượng, trong vài năm trở lại đây, CQĐTVKSNDTC đã được bổ sung thêm thông qua một số đợt tuyển dụng, so với tổng biên chế hiện tại, số cán bộ mới này chiếm tỉ lệ khoảng 50%, trình độ và kỹ năng điều tra cũng còn những hạn chế nhất định.

Thứ bảy: Việc thực hiện chế độ công tác, thang bảng lương, phụ cấp cũng như các chế độ đãi ngộ khác chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Kinh phí điều tra hiện vẫn áp dụng theo chế độ kinh phí hành chính, điều này là chưa phù hợp, chưa tương xứng với tính chất khó khăn, phức tạp của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nên chưa khuyến khích, tạo điều kiện và tạo sự yên tâm trong tham gia công tác. Hơn nữa, với đặc thù của loại tội phạm và các đối tượng phạm tội thuộc thẩm quyền điều tra, đòi hỏi đội ngũ điều tra viên thuộc biên chế của ngành KSND phải thực sự có bản lĩnh chính trị vững vàng và sự tinh thông về nghiệp vụ, được đáp ứng các điều kiện làm việc tương đối đầy đủ thì mới có thể đảm bảo được hiệu quả. Bên cạnh đó, đối với các phòng ở khu vực đều phải thuê, mượn trụ sở làm việc; chưa có hệ thống kho vật chứng, phòng hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự...cũng là mộ trong những trở ngại lớn trong hoạt động điều tra.

2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra

Trước yêu cầu của cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế gắn với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, đòi hỏi ngành KSND phải có sự đổi mới toàn diện, sâu sắc trên các lĩnh vực công tác kiểm sát nhằm tổ chức thực hiện tốt hơn chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Để tiếp tục đổi mới về tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của CQĐTVKSNDTC trong thời gian tới, qua đó trở thành công cụ sắc bén trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành KSND, góp phần củng cố, nâng cao uy tín và bảo đảm sự trong sạch, vững mạnh của các cơ quan tư pháp; đảm bảo hoạt động của các cơ quan tư pháp tuân thủ đúng quy định và tôn trọng pháp luật cần phải quan tâm, thực hiện một số giải pháp như sau:

Hoàn thiện quy định của pháp luật và tăng cường chất lượng hoạt động nghiệp vụ điều tra

Thứ nhất: Cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành hướng dẫn thi hành các quy định mới của luật, nhất là Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự về các tội phạm về tham nhũng, chức vụ và các tội xâm phạm hoạt động tư pháp và các luật khác có liên quan; sớm xây dựng Thông tư liên tịch giữa VKSND tối cao và Bộ Quốc phòng trong công tác tạm giữ, tạm giam để CQĐTVKSND tối cao chủ động thực hiện nhiệm vụ.

Trước mắt, cần có ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể theo hướng xác định hoạt động tư pháp bao gồm hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử, hoạt động hỗ trợ tư pháp, thi hành án và bổ trợ tư pháp; từ đó mới có thể bao quát hết được các nội dung cần thiết của khái niệm tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, làm cơ sở cho việc thống nhất áp dụng, tránh mâu thuẫn, chồng chéo về xác định thẩm quyền điều tra. (Hiện nay, việc xác định thẩm quyền điều tra của CQĐTVKSNDTC với nội dung có thể bảo quát toàn diện các hành vi phạm tội nêu trên mới chỉ được quy định trong văn bản nghiệp vụ của ngành kiểm sát nhân dân là Quy chế tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của CQĐTVKSNDTC ban hành kèm theo Quyết định số: 565/QĐ-VKSTC của Viện trưởng VKSNDTC ngày 29  tháng 12  năm 2017).

CQĐTVKSNDTC và các cơ quan liên quan cần tiếp tục triển khai thực hiện kịp thời, chặt chẽ, thống nhất các đạo luật về tư pháp; nhất là những nội dung có liên quan đến hoạt động của CQĐTVKSNDTC; tiếp tục chủ động nghiên cứu, phối hợp hướng dẫn, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức triển khai thực hiện các đạo luật liên quan trực tiếp đến công tác điều tra theo thẩm quyền như: BLHS, BLTTHS, Luật Tổ chức CQĐT hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam… Tăng cường phối hợp, ký kết và ban hành quy định phối hợp công tác giữa giữa CQĐTVKSNDTC với đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSNDTC nhằm bảo đảm việc phát hiện, khởi tố, điều tra các vụ án của CQĐT có sự phối hợp tích cực; đồng thời có sự kiểm sát chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

Thứ hai: cần đổi mới phương pháp thu thập, quản lý thông tin về tội phạm; tập trung xây dựng mạng lưới cơ sở cung cấp thông tin, cộng tác viên để chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin về tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp xảy ra trên toàn quốc; nâng cao trách nhiệm cung cấp thông tin về tội phạm trong nội bộ ngành KSND và có cơ chế khuyến khích, động viên bằng nhiều hình thức để có được thông tin về tội phạm từ các nguồn khác. Bên cạnh đó cần chủ động trong việc huy động sức mạnh của nhân dân và các cơ quan báo chí trong việc tố giác, phát hiện tội phạm, tiếp tục duy trì hòm thư tố giác tội phạm ở các trụ sở CQĐT, Viện kiểm sát các cấp, đổi mới hình thức nội dung website, hộp thư điện tử, số điện thoại đường dây nóng… để tiếp nhận các thông tin về tội phạm.

Thứ ba: trong hoạt động nghiệp vụ cần đảm bảo thận trọng cần thiết khi tiến hành các hoạt động điều tra, các thủ tục tố tụng, tạo sự tin tưởng và mối quan hệ tốt với cơ quan chủ quản của người phạm tội, tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can khi chứng cứ đã thuyết phục. Điều tra viên phải khiêm tốn, đúng mực, có thái độ tôn trọng, lắng nghe các ý kiến từ phía người bị buộc tội là cán bộ của cơ quan tư pháp. Bên cạnh đó, việc điều tra phải tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận cũng như các phương tiện thông tin đại chúng trên cơ sở thông tin khách quan, tin cậy.

Thứ tư: CQĐTVKSNDTC cần tranh thủ sự phối hợp, hỗ trợ của VKSND địa phương, nơi xảy ra tội phạm. Bởi lẽ, “thông qua công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND địa phương nắm được nhiều thông tin liên quan đến tội phạm, nắm được thái độ, quan điểm của cơ quan tư pháp chủ quản của người phạm tội. Do vậy, VKSND địa phương có thể giúp Cơ quan điều tra đánh giá, định hướng và có biện pháp hữu hiệu để thu thập tài liệu, chứng cứ xử lý các mối quan hệ phức tạp phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án.” (Xem bài viết: “Đổi mới tổ chức, hoạt động của CQĐTVKSNDTC đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” của TS. Nguyễn Hải Phong, nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC trên TCKS số 8/2017).

Viện kiểm sát nhân dân địa phương nơi xảy ra tội phạm cũng chính là đơn vị sẽ thực hành quyền công tố đối với vụ án trong giai đoạn truy tố, xét xử. Do vậy, sự phối hợp chặt chẽ giữa CQĐTVKSNDTC với VKSND địa phương nơi xảy ra tội phạm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hiện, thu thập thông tin, xác minh, điều tra và xử lý vụ án. Mặt khác, hoạt động điều tra của CQĐTVKSNDTC tại địa phương cũng góp phần giúp VKSND địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ pháp chế XHCN trong phạm vi địa bàn quản lý, nâng cao vị thế của VKSND trong khối các cơ quan tư pháp.

Tăng cường các điều kiện đảm bảo hoạt động

Một là: Cần bổ sung biên chế bảo đảm đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tạo điều kiện để các cán bộ và Điều tra viên được dự thi tuyển Điều tra viên các ngạch để có thể thực hiện ngay các quy định về thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn được đã được tăng thêm từ sau khi BLTTHS và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra có hiệu lực thi hành.

Đề xuất hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy CQĐTVKSNDTC trên cơ sở thành lập Phòng Tài vụ, hậu cần trên cơ sở tách ra từ Văn phòng CQĐT để bảo đảm Văn phòng CQĐT chủ yếu làm nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra và trực tiếp điều tra một số vụ án phức tạp do Thủ trưởng CQĐT phân công. Nhiệm vụ quản lý tài chính, cơ chế kinh phí đặc thù, tài sản, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ... cần được đơn vị độc lập về tài vụ, hậu cần đảm nhiệm để phù hợp với Luật tổ chức CQĐT hình sự và các cơ quan điều tra chuyên trách trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân. Cùng với đó, cần nghiên cứu đổi mới về tổ chức, các bộ phận hỗ trợ hoạt động điều tra, như: Trinh sát, Cảnh sát bảo vệ và các hoạt động khác phục vụ cho đặc thù điều tra phải được xây dựng đồng bộ và hoạt động có hiệu quả. Đối với công tác giám định, trong bối cảnh tiếp tục phải nghiên cứu mô hình tổ chức đơn vị giám định độc lập cho phù hợp với quy định của luật Giám định tư pháp, cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp với các cơ sở giám định công lập, nhất là Viện khoa học hình sự - Bộ công an để đảm bảo hoạt động trưng cầu giám định và hoạt động giám định kĩ thuật hình sự được kịp thời, nhanh chóng, chính xác và thuận lợi.

CQĐTVKSNDTC có thể đề xuất thành lập thêm những đơn vị đầu mối phụ trách công tác điều tra kỹ thuật số để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn trong việc phát hiện, điều tra, thu thập chứng cứ, dữ liệu điện tử theo quy định của BLTTHS và xu hướng tội phạm trong lĩnh vực tư pháp liên quan đến kỹ thuật số và công nghệ cao . Cần tổ chức thêm các bộ phận xử lý thông tin mà chức năng trọng tâm là tiếp nhận, thu thập, quản lý và xử lý nguồn tin về tội phạm trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao trong quản lý nghiệp vụ; thành lập các đơn vị nghiệp vụ nhằm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc chỉ huy trực tuyến từ trụ sở CQĐTVKSNDTC kết nối đến các địa phương, cơ sở giam, giữ...để đảm bảo các hoạt động điều tra ở xa trụ sở được tiến hành khách quan, đúng pháp luật, kịp thời và hiệu quả.

Hai là: Nâng cao chất lượng và kĩ năng của đội ngũ cán bộ, Điều tra viên; chủ động phối hợp với Vụ tổ chức cán bộ VKSNDTC, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Học viện Cảnh sát nhân dân – Bộ Công an và các cơ sở đào tạo khác mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm quán triệt các quy định mới của pháp luật về hoạt động của các cơ quan tư pháp, nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo thẩm quyền, kỹ năng sử dụng phương tiện ghi âm, ghi hình… cho Điều tra viên, công chức nhất là lớp cán bộ trẻ mới được tuyển dụng.

Bên cạnh việc tiếp tục tổ chức đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ trong nước cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra; để tạo nguồn nhân lực lâu dài cho Ngành và CQĐT, có thể cử một số Điều tra viên có năng lực về chuyên môn và ngoại ngữ (cùng một số Kiểm sát viên có năng lực ở VKSND các cấp) đi học tập công tác điều tra kỹ thuật số và giám định tại các quốc gia có hoạt động điều tra, nền công tố mạnh như: Hàn Quốc, Nhật Bản...để tăng cương kinh nghiệm điều tra đối với loại tội phạm này cũng như làm cơ sở cho việc tiến hành các hoạt động hợp tác quốc tế trong trao đổi thông tin, nghiệp vụ trong thời gian tới.

Ba là: Kiến nghị cấp có thẩm quyền hàng năm cấp nguồn kinh phí đặc thù cho hoạt động điều tra ngoài mức chi thường xuyên cho hoạt động hành chính như hiện nay của ngành KSND, theo đó, kiến nghị sửa đổi Thông tư số 148/2011/TT-BTC ngày 07/11/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước đảm bảo cho công tác điều tra tội phạm theo hướng: bổ sung các mục chi theo hoạt động điều tra nghiệp vụ đặc thù, quy định các mức chi phù hợp với tính chất đặc thù của hoạt động điều tra đối với hoạt động của CQĐTVKSNDTC.

Đối với cán bộ, Điều tra viên, kiến nghị xây dựng và áp dụng cơ chế đặc thù về lương, phụ cấp của Điều tra viên, Cán bộ điều tra CQĐTVKSND được áp dụng như đối với lực lượng vũ trang.

Bốn là: Trong thời gian tới, kiến nghị các cấp có thẩm quyền cấp đất và đầu tư xây dựng trụ sở làm việc độc lập cho Cơ quan điều tra, xây dựng hệ thống nhà giam, giữ nếu đủ điều kiện và trụ sở 05 phòng nghiệp vụ khu vực; cung cấp phương tiện làm việc theo định mức và bổ sung ô tô chuyên dùng cho các phòng nghiệp vụ khu vực; đảm bảo cấp kinh phí để tổ chức mua sắm vũ khí, công cụ hỗ trợ và các trang thiết bị nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cần tập trung hoàn thiện Đề án “Tăng cường năng lực Cơ quan điều tra VKSND”; triển khai thực hiện Đề án “Cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015” trong ngành KSND; xây dựng Quy trình về công tác điều tra của CQĐTVKSND tối cao./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang