Mùa hè xanh của sinh viên Đại học Kiểm sát
(kiemsat.vn) Mới đây, hưởng ứng phong trào tình nguyện Mùa hè xanh 2016, 40 sinh viên thuộc Đội sinh viên tình nguyện Đại học kiểm sát Hà Nội đã có chuyến đi tình nguyện thành công và đầy ý nghĩa tại vùng núi Yên Bái. Trải qua 7 ngày sôi động, làm việc hết mình, các bạn đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng đồng bào dân tộc xã nghèo Suối Bu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Rà soát công tác sơ tuyển vào Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội
Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội kỷ niệm trọng thể ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
5 vị Trưởng khoa đầu tiên của Trường Cao đẳng kiểm sát
“Đêm trắng” của thầy Hiệu trưởng
Năm học vừa kết thúc cũng là lúc Bùi Huyền Thương, Đội trưởng Đội sinh viên tình nguyện Đại học Kiểm sát trình lên Đoàn trường kế hoạch Mùa hè xanh 2016. Được sự đồng ý của Ban Giám hiệu, được sự giới thiệu của VKSND huyện Văn Chấn, Bí thư Đoàn trường Đinh Hoàng Quang đã trực tiếp về xã Suối Bu khảo sát địa điểm. Tận mắt chứng kiến những khó khăn chồng chất của bà con đồng bào các dân tộc nơi đây, Quang gần như ngay lập tức quyết định chọn Suối Ba là nơi để các thành viên Đội sinh viên tình nguyện (SVTN) của trường hướng đến trong mùa hè này. Một kế hoạch chi tiết những khối lượng công việc sẽ làm, thời gian chiến dịch, danh sách thành viên, dự trù kinh phí, nơi ăn, chốn ở của các thành viên… được Huyền Thương, dưới sự chỉ đạo của Bí thư Hoàng Quang tiếp tục trình lên Ban Giám hiệu. Theo đó, Đội SVTN Đại học Kiểm sát sẽ chọn 40 thành viên thực hiện Chiến dịch Mùa hè xanh 2016 tại xã nghèo Suối Bu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái từ ngày 03/7/2016 đến 10/7/2016.
Đoàn viên Đoàn Thanh niên VKSNDTC giúp các em học sinh chuẩn bị phần biểu diễn văn nghệ
Ngay trước khi Đội SVTN xuất phát thì tin dữ báo về! Bốn sinh viên tình nguyện của Đại học Ngoại thương trong lúc đi làm tình nguyện tại Quảng Ninh đã bị nước lũ cuốn, ba người tử nạn. Sự việc nghiêm trọng diễn ra ngay sau khi Lễ phát động Mùa hè xanh 2016 diễn ra trên cả nước khiến dư luận bàng hoàng. Nhiều người mổ xẻ không thương tiếc những mặt thiếu tích cực của chương trình hành động quy mô nhất của tuổi trẻ cả nước này. Nhiều Trường Đại học đã âm thầm rút hết các đội sinh viên tình nguyện đang hoạt động trên cả nước về, một không khí ảm đạm lan tràn khắp nơi. Sự việc nghiêm trọng đó ngay lập tức ảnh hưởng đến chuyến đi tình nguyện của sinh viên Đại học Kiểm sát. Một số ý kiến cho rằng nên tạm dừng hoạt động tình nguyện năm nay lại cho an toàn, tình nguyện thì lúc nào tiến hành cũng được, không năm nay thì sang năm. Trước tình hình đó, Đội trưởng Bùi Huyền Thương và Bí thư Hoàng Quang đã trình bày lại kế hoạch, tiến hành cam kết đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các sinh viên tham gia đợt hoạt động năm nay. Được sự ủng hộ mạnh mẽ của thầy Hiệu trưởng Phạm Mạnh Hùng và Bí thư Đoàn VKSNDTC Hoàng Thành Nam, cuối cùng Ban giám hiệu Trường Đại học kiểm sát cũng đồng ý để đội xuất quân đúng lịch.
Thầy giáo Đỗ Duy Đạt thay mặt Đội SVTN tặng Trường cấp I-II Suối Bu hai chiếc TV
Đêm 02/7/2016, đã về khuya nhưng thầy Hiệu trưởng Phạm Mạnh Hùng vẫn không thể ngủ. Màn hình laptop trong phòng làm việc lần lượt đưa chi tiết thông tin về từng bạn Sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Ngoại thương đã tử nạn, nỗi đau của những người thân, sự bức xúc của dư luận… Nhớ lại những gương mặt sinh viên trẻ trung, tràn đầy quyết tâm trong Lễ xuất quân, ông hình dung vô vàn khó khăn họ sẽ gặp phải tại vùng cao Văn Chấn kia … Khi chân trời bắt đầu nhợt nhạt những tia nắng bình minh, nhìn cây tùng bon-sai bên hiên đang mạnh mẽ vươn mình nhận những giọt sương sớm, ông chợt nhớ lại câu thơ cổ của Tam nguyên Trần Bích San: “Văn phi sơn thủy vô kỳ khí. Nhân bất phong sương vị lão tài”. (Văn không có núi có sông thì không hay, người không từng trải mưa nắng sao thành tài). Điều đó thôi thúc ông nghĩ rằng, các em đã chọn ngành Kiểm sát để học thì các em cần phải trải qua những gian khổ, đồng hành cùng đồng bào các dân tộc thì mới trở thành những người kiểm sát vì dân.
Đoàn viên Đoàn Thanh niên VKSNDTC giúp các em học sinh chuẩn bị phần biểu diễn văn nghệ
4h00 sáng, đang bận rộn chỉ huy chất hàng hóa lên xe, chuông điện thoại của Đỗ Duy Đạt (cán bộ Trường Đại học Kiểm sát, người trực tiếp đi phụ trách các em) vang lên, tiếng thầy Hiệu trưởng trầm ấm: “Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho sinh viên, thực hiện chế độ báo cáo trực tiếp cho tôi 2 lần/ngày. Cố gắng em nhé!”. Hóa ra, thầy Hiệu trưởng cũng như nhiều thành viên Đội sinh viên tình nguyện đã có trọn một đêm không ngủ.
“Bà già” khó tính
Đội trưởng Bùi Huyền Thương là một cô gái xinh xắn nhưng cực kỳ khó tính, đó là nhận xét chung của các thành viên Đội sinh viên tình nguyện, thậm chí một số tên “quỷ” táo bạo còn đặt biệt danh “bà già” cho cô Đội trưởng này. Khoảng thời gian trước khi xuất quân và những ngày ở Suối Bu thực sự là một thử thách cực đại đối với cô gái mong manh này. Địa bàn xã rất rộng, dân cư thì thưa thớt, chương trình hoạt động tình nguyện lại đa dạng và trải rộng khắp xã. Không những thế, áp lực từ lãnh đạo VKSNDTC, Đoàn thanh niên và Ban Giám hiệu về sự an toàn của các thành viên không ngừng tác động đến tâm lý cô Đội trưởng. Hàng loạt mệnh lệnh khắc nghiệt được Thương áp xuống các thành viên: không tắm suối, không rời khỏi khu tập trung ban đêm, hạn chế tối đa liên hoan, rượu chè, tuyệt đối tuân thủ sự chỉ đạo của Đội trưởng. Tối nào trước khi đi ngủ, cô gái nhỏ này cũng lọ mọ bật đèn pin lần mò đếm đủ từng đầu lũ quỷ nghịch ngợm rồi mới dám ngả lưng. Sáng sớm, khi cả đội còn say giấc, Thương đã dậy chuẩn bị củi, nước cho đội hậu cần dậy nấu cơm sáng. Trong khi mọi người chuẩn bị cơm nước thì cô đã chạy đến hiện trường công tác xem xét lại lần cuối trước khi phân công các bạn lên đường.
Con đường đá dài 150m được hoàn thành nhờ sự giúp đỡ của trai bản Ba Cầu
Khối lượng công việc mà Đội SVTN Đại học Kiểm sát thực hiện lần này tại xã Suối Bu không thể không khiến tôi thán phục: Tổ chức kết hợp cùng các bác sỹ tình nguyện khám, chữa bệnh hai ngày tại Làng Hua cho hàng trăm dân bản; Làm 150 mét đường đá dẫn vào Khu bán trú trường Cấp I – II; Tổ chức tuyên truyền pháp luật bằng kịch, văn nghệ tại địa bàn 6 thôn bản; Sơn lại toàn bộ trường Cấp I-II xã Suối Bu; Dọn vệ sinh, xây cổng mới, láng bê tông sân trước cho VKSND huyện Văn Chấn. Với sự hỗ trợ của thầy Đỗ Duy Đạt, Huyền Thương chia đội thành các nhóm, gồm nhóm hậu cần, nhóm làm đường, nhóm tuyên truyền văn nghệ, nhóm hỗ trợ khám chữa bệnh, nhóm sơn … Cả bộ máy hoạt động nhịp nhàng, hết công suất, đảm bảo mọi công tác thực hiện đúng tiến độ dưới sự chỉ huy của cô Đội trưởng Huyền Thương đã khiến nhiều người nể phục.
Trai bản Ba Cầu “ra tay”
“Păng” – chiếc cuốc trong tay Hoàng bổ vào một tảng đá ngầm dưới lớp đất, toé lửa, cán cuốc xiết vào các khớp ngón tay đau nhói, vết phồng rộp trong lòng bàn tay bật máu. Hoàng xuýt xoa lấy băng quấn qua loa rồi lại cắn răng cầm cuốc bổ tiếp. Chẳng còn cách nào nữa, mười đội viên trong vòng ba ngày phải làm xong con đường 150m, rộng 2m với rãnh thoát nước hai bên. Đường cũ lổn nhổn đá núi, đất rắn như sắt, “bà già” Thương đã ra “quân lệnh” cho Nhóm làm đường phải hoàn thành đúng kỳ hạn. Chợt một giọng lơ lớ vang lên bên tai: “Chúng mày làm gì thế?”. Hoàng ngẩng lên thấy một thanh niên người Mông ngồi vắt vẻo trên “con win” lấm lem bùn đất, hỏi mình. “Bọn mình làm cái đường này vào Khu bán trú cho lũ trẻ thôn mình đi học đấy”. “Chúng mày cuốc còn không biết cầm thế kia, làm bao giờ mới xong?” Hoàng cười méo xẹo rồi lắc đầu: “Bọn mình phải cố gắng làm thôi, làm nhanh thì các em sau này đi học đỡ trơn ngã. Mình chỉ có ba ngày để làm xong”. Tiếng xe win giòn giã vang lên rồi mất hút, Hoàng lau mồ hôi bằng chiếc mũ tai bèo đã nhàu nát rồi ngẩng đầu lẩm bẩm: “Quái thật, vùng cao hình như mặt trời gần đầu hơn thì phải, nóng quá”. Sau khi và tạm lưng cơm và có ít phút nghỉ trưa mệt nhọc, nhóm làm đường lại ra hiện trường tiếp tục công việc của mình. Nhưng thật bất ngờ vì lúc này trên con đường đó lại có tới hơn chục trai bản với cuốc xẻng đang đứng chờ sẵn. Cậu thanh niên đi xe win lúc sáng cười hiền lành: “Chúng mày làm thế bao giờ mới xong. Chúng tao ra giúp chúng mày làm đường cho bọn trẻ đi học đây”. Mấy trai bản reo hò ầm ĩ rồi giơ cuốc xẻng lên như chê mấy cậu sinh viên người Kinh yếu đuối nhưng Hoàng và các bạn chẳng ai cảm thấy tức giận mà chỉ thấy cảm động và máu “nóng” lên hừng hực.
Một cảnh trong tiểu phẩm kịch tuyên truyền không kết hôn sớm: Quyết định vội vàng
Điệu nhảy flashmob tự hào Việt Nam của Đội SVTN Đại học kiểm sát
Dưới sự giúp đỡ của nhóm thanh niên bản Ba Cầu, chỉ trong vòng hai ngày, con đường gian khổ đã được hoàn thành. Nắm chặt tay Sùng A Chinh, Hoàng cởi chiếc áo thanh niên tình nguyện khoác lên người A Chinh khiến chàng trai bản cười mãi không thôi. “Mô đa rê, Mô đa rê”, A Chinh nói mà Hoàng chả hiểu, mãi sau khi được chỉ ra con suối mới biết A Chinh bảo mọi người đi tắm suối thì Hoàng chỉ biết cười khổ…
Đội trưởng Huyền Thương quá mừng rỡ trước tiến độ nhanh chóng đó nên đã “lệnh” cho Nhóm hậu cần thưởng cho Nhóm làm đường và thanh niên bản một bữa liên hoan nhỏ, còn rượu thì tuyệt đối … không.
Nước mắt ngày chia tay
Bảy ngày trôi qua nhanh quá, mọi khối lượng công việc đã hoàn thành mỹ mãn, vượt mong đợi, tối nay “bà già” Huyền Thương quyết định khao quân bằng một bữa cơm giản dị và buổi giao lưu văn nghệ. Sân khấu văn nghệ được dựng ngay trong sân trường Cấp I-II xã Suối Bu, lũ học sinh lâu nhâu, xúm xít cùng các anh chị đội Văn Nghệ thổi bóng bay, giăng đèn, kết hoa. Những ngày qua, lũ trẻ đã quen có các anh chị hướng dẫn chúng hát, múa, đá bóng, chơi trò chơi, cắt tóc, bây giờ hăng hái chặt củi, chuẩn bị cho màn lửa trại. Thầy Đạt cùng Huyền Thương sang nhà Trưởng bản Sùng A Páo và Trưởng công an xã Vàng A Trống nhờ Đài phát thanh xã đọc bản tin tiếng Mông mời bà con cả xã đến xem văn nghệ và nhận quà. Xe chở mấy trăm phần quà do Đoàn thanh niên VKSNDTC đóng góp đã có mặt từ sáng. Lê Thị Duyên, Ủy viên BCH Đoàn thanh niên VKSNDTC và các đoàn viên đang bận rộn đóng gói quà vào các túi. Mặt trời vừa lặn, chương trình văn nghệ sôi động bắt đầu với màn sở trường của Đội SVTN Đại học Kiểm sát, nhảy flashmob Tự hào Việt Nam. Nhóm học sinh cấp II Suối Bu cũng tự tin trình bày tiết mục của mình bằng tiếng Mông, tiếng phổ thông. Bà con dân tộc thì lại đặc biệt thích thú với ba vở kịch tuyên truyền pháp luật: Quyết định vội vàng (tuyên truyền không kết hôn sớm), Cạm bẫy (tuyên truyền về nạn buôn bán phụ nữ) và vở Rừng xanh (tuyên truyền bảo vệ rừng).
21h30’, đêm lửa trại chính thức bắt đầu. Những khuôn mặt trẻ trung rạng ngời trong lửa trại, chẳng còn rõ Mông, Kinh, tất cả nắm tay nhau nhảy múa trong tiếng hát vang rền trời đêm Suối Bu …
Đội SVTN Đại học Kiểm sát tặng quà cho trẻ Làng Hua
Khép lại một hành trình đáng nhớ, hành trình của tuổi trẻ, của khát khao cống hiến chút sức lực cho quê hương; Khép lại những ngày được sống, được chan hoà trong vòng tay đồng bào các dân tộc Văn Chấn, được hoà mình vào thiên nhiên, vào núi rừng hùng vĩ, cảm nhận được vẻ đẹp tiềm ẩn trong những nụ cười Mông bí ẩn như rừng già, Hoàng nắm chặt trong tay chiếc khèn A Chinh tặng, “Chiếc khèn này tự tay A Chinh làm, cho mày cầm về để nhớ chúng tao. Nếu được thì quay lại đây, tao dắt mày đi bẫy thú, đào don, cho mày “say” thoải mái”. Hình như có cái gì rất nóng tràn lên mắt của Hoàng khi chóp núi cao của Làng Hua xa dần sau khúc cua. Nhìn sang bên, “bà già” Thương cũng đang bần thần nhìn qua cửa, mắt hoe hoe. Tạm biệt Suối Bu, hẹn gặp lại ngày gần nhất.
Minh Tú – Báo Bảo vệ pháp luật
Xúc động trở lại mái trường xưa
Điểm sàn xét tuyển vào trường ĐH Kiểm sát Hà Nội và Học viện Tòa án
-
1Bình Dương tổ chức Hội nghị về thể dục thể thao
-
2Cơ hội vàng sở hữu căn liền kề đẳng cấp tại Danko City
-
3Ấn tượng với trải nghiệm “xanh” được Vinamilk mang đến ngày hội Việt Nam Xanh
-
4Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
5Vinamilk nhận loạt giải thưởng về quản trị và phát triển bền vững
-
6ROX Group duy trì sức hút của “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam”
Bài viết chưa có bình luận nào.