Một số vấn đề về quyền im lặng đối với người bị buộc tội trong tố tụng hình sự Hoa Kỳ
(kiemsat.vn) Hoa Kỳ là quốc gia mang đặc trưng của mô hình tố tụng hình sự tranh tụng. Mô hình này vận hành dựa trên nguyên tắc công bằng và luôn đề cao các quyền cơ bản của con người và quyền im lặng là quyền tố tụng cơ bản của người bị buộc tội. Theo đó, người bị buộc tội được thông báo và có quyền một cách tuyệt đối hoặc tương đối trong việc từ chối trả lời câu hỏi bất lợi đối với bản thân mình từ phía cơ quan buộc tội.
Quyền im lặng trong tố tụng hình sự Hoa Kỳ
Tại Hoa Kỳ, quyền im lặng được thiết lập để thể chế hóa nội dung quan trọng trong Tu chính án thứ 5 Hiến pháp về quyền của người bị cáo buộc trong vụ án hình sự, theo đó, họ không bị đặt vào tình trạng có thể trở thành nhân chứng chống lại chính mình.
Sau vụ Miranda kiện Bang Arizona vào năm 1966, thì khi một công dân ở Hoa Kỳ bị Nhà nước buộc tội trong tố tụng hình sự, họ đều phải được phía cơ quan công quyền đưa ra những cảnh báo về quyền năng của mình với câu nói đầu tiên: “Anh có quyền giữ im lặng. Bất cứ điều gì anh nói có thể và sẽ được sử dụng để chống lại anh trước Tòa án. Anh có quyền nói chuyện với Luật sư, và có Luật sư hiện diện trong quá trình xét hỏi. Nếu anh không thể thuê Luật sư, anh vẫn sẽ được cung cấp một Luật sư bằng nguồn tài chính của Chính phủ”. Cảnh báo trên được đọc lên đối với tất cả người bị tình nghi thực hiện tội phạm trước khi giữ họ để lấy lời khai. Nếu cảnh báo trên không được đọc thì những lời khai của người đó sẽ không được sử dụng làm bằng chứng buộc tội họ trước Tòa án; thậm chí là toàn bộ kết quả của quá trình tố tụng sẽ không được chấp nhận vì không có giá trị và người bị buộc tội sẽ được tuyên vô tội với lý do quyền im lặng không được thực hiện. Tuy nhiên, trong trường hợp cảnh sát hỏi về thông tin cá nhân của người bị tình nghi thì không cần đọc cảnh báo Miranda và người bị tình nghi có quyền từ bỏ những quyền trên nếu việc từ bỏ là tự nguyện.
Cũng tại án lệ Miranda và Arizona (1966), Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã kết luận: Nếu không có những sự bảo vệ hợp lý, thủ tục thẩm vấn người bị buộc tội trong khi bị giam giữ sẽ đương nhiên chứa đựng sự cưỡng ép, áp bức ý chí cá nhân và buộc người bị buộc tội phải cho lời khai một cách không tự nguyện. Nếu người bị buộc tội viện dẫn quyền im lặng của mình thì cuộc thẩm vấn đương nhiên phải dừng lại. Bất kỳ lời khai nào được đưa ra sau khi họ viện dẫn quyền im lặng sẽ được coi là sự cưỡng ép. Nếu người bị tình nghi lựa chọn việc khai báo thì người đó phải thể hiện sự từ bỏ quyền im lặng một cách rõ ràng và tự nguyện. Tuy nhiên, lời khai của người bị tình nghi được đưa ra sau cảnh báo không đương nhiên dẫn đến một sự từ bỏ quyền im lặng có hiệu lực. Việc từ bỏ này chỉ có hiệu lực khi sự cảnh báo về quyền và sự từ bỏ quyền của người bị tình nghi được chứng minh bởi phía công tố tại phiên tòa. Nếu không chứng minh được thì bất kỳ lời khai nào được thu thập tại cuộc thẩm vấn đều không thể bị sử dụng để buộc tội bị cáo.
Tóm lại, cảnh báo về quyền im lặng là một đảm bảo pháp lý mang tính thủ tục mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải đáp ứng trước mỗi lần tiến hành tố tụng đối với người bị tình nghi. Cảnh báo này giúp người bị buộc tội biết rõ về quyền im lặng của mình và sự tôn trọng quyền im lặng của người bị buộc tội từ phía nhà nước.
Đối tượng và phạm vi điều chỉnh của quyền im lặng trong tố tụng hình sự Hoa Kỳ
Trong tố tụng hình sự Hoa Kỳ, quyền im lặng được áp dụng đối với người bị buộc tội ở giai đoạn tiền xét xử và giai đoạn xét xử đối với cả tội vi cảnh và tội phạm nghiêm trọng.
- Quyền im lặng của người bị buộc tội ở giai đoạn tiền xét xử:
Trong giai đoạn này, phán quyết Miranda và bang Arizona đã quy định rằng nghi phạm phải được cảnh báo về quyền im lặng của họ đối với tội phạm nghiêm trọng, tội phạm vi cảnh, tội phạm ít nghiêm trọng khác và nếu họ quyết định thực hiện quyền của mình thì sẽ không có cuộc thẩm vấn nào được diễn ra. Trong giai đoạn này, người bị buộc tội được thông báo họ có quyền giữ im lặng tuyệt đối, tức là họ không phải chứng minh cho lời khai của mình có chứa đựng những thông tin có khả năng buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự về sau. Quy định này giúp hạn chế việc cơ quan nhà nước sử dụng các lời khai, lời nhận tội được thu thập không tự nguyện thông qua bức cung, dùng nhục hình trong giai đoạn trước phiên tòa.
- Quyền im lặng của người bị buộc tội tại giai đoạn xét xử:
Năm 1966, Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã khẳng định rằng: “Sự im lặng của bị cáo không thể bị xem như là bằng chứng có tội hoặc bị sử dụng theo hướng bất lợi đối với bị cáo trước phiên tòa”. Như vậy, tại phiên toà, người bị buộc tội cũng có quyền giữ im lặng tuyệt đối với phạm vi sử dụng quyền tương tự như giai đoạn tiền xét xử nhằm bảo vệ chính mình trước sự buộc tội từ phía công tố phải trở thành nhân chứng trong vụ án của mình. Trong giai đoạn này, người bị buộc tội cũng được biết họ có quyền được giữ im lặng, được thực hiện quyền giữ im lặng tuyệt đối mà không cần đưa ra bất kỳ lý do nào chứng minh cho việc thực hiện quyền của mình.
Như vậy, trong từng giai đoạn tố tụng, mặc dù có sự khác nhau về tư cách pháp lý đối với từng chủ thể tố tụng được áp dụng quyền im lặng, nhưng phạm vi tác động của quyền im lặng cơ bản vẫn tương đương nhau đó là quyền im lặng tuyệt đối. Tất cả nội dung về quyền im lặng đều hướng đến mục tiêu của pháp luật Hoa Kỳ là bảo vệ và tôn trọng quyền con người, quyền công dân, đề cao công bằng trong xã hội.
Cơ sở của việc thực hiện quyền im lặng
Như đã phân tích, trong tố tụng hình sự, quyền im lặng là quyền tuyệt đối của người bị buộc tội, nên bất kì hoạt động mang tính buộc tội từ phía cơ quan nhà nước đối với người bị buộc tội đều phải được thông báo quyền im lặng. Từ nội dung quyền im lặng, có thể hiểu tính chất buộc tội từ hoạt động của nhà nước đối với người bị buộc tội là việc cơ quan nhà nước thực hiện những hành vi nhất định để chứng minh tội phạm và người phạm tội, trong đó có hành vi mang dấu hiệu làm cho người bị buộc tội tự buộc tội chính mình với tính chất bị cưỡng ép buộc phải thực hiện hay không thực hiện hành vi nhất định từ phía cơ quan nhà nước.
Về hành vi có dấu hiệu tự buộc tội đối với người bị buộc tội, cơ quan nhà nước thông qua những hành vi nhất định tác động tới người bị buộc tội làm cho họ đối diện với sự quy kết về việc phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của mình. Dấu hiệu tự buộc tội còn được biểu hiện ở các hành vi khai thác biểu lộ những thuộc tính bên trong chủ thể bị buộc tội của cơ quan tố tụng - hành vi mang tính tự buộc tội, hành vi mang tính chất lời khai. Hành vi mang tính chất lời khai được hiểu là mọi tác động tới người bị buộc tội để họ bộc lộ những phản ứng bên trong ra ngoài thế giới khách quan như: Yêu cầu họ viết chữ, đọc lại văn bản, thực hiện một thao tác hay một hành vi có tính phản xạ… thì đều là vi phạm quyền im lặng. Trong trường hợp lời khai hoặc hành vi của một chủ thể có thể khiến cho chính người đó bị buộc tội, phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc hình phạt thì họ được quyền giữ im lặng theo Tu chính án thứ 5.
Ví dụ: Cơ quan tố tụng yêu cầu người bị buộc tội giao nộp văn bản, tài liệu, vật chứng có liên quan đến việc thực hiện tội phạm. Để thực hiện được yêu cầu này, người bị buộc tội phải suy nghĩ để xác định được tài liệu, chứng cứ hay vật chứng nào liên quan đến hành vi của mình, từ đó, quyết định có giao nộp hay không. Việc yêu cầu cung cấp từ phía cơ quan nhà nước chính là hành vi mang tính chất buộc tội. Do đó, người bị buộc tội ngoài việc có quyền im lặng trong những buổi lấy lời khai thì họ cần phải được “im lặng” khi không thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước.
Về tính chất bị cưỡng ép, căn cứ để đánh giá hành vi có tính chất cưỡng ép là việc có hay không có sự tác động vào ý chí bên trong và biểu hiện tự do ý chí ra bên ngoài thế giới khách quan của người bị buộc tội đối với việc cung cấp lời khai hoặc việc thực hiện hành vi của họ. Biểu hiện của sự cưỡng ép không chỉ đơn thuần là hành vi dùng nhục hình, đe dọa, lừa dối… hay hành vi khác để “nắn” ý chí của người bị buộc tội theo quan điểm của người tiến hành tố tụng mà còn ở các thủ tục, quy trình tố tụng hình sự.
Thủ tục và nguyên tắc đánh giá tính hợp pháp của lời khai liên quan đến quyền im lặng
Theo pháp luật Hoa Kỳ, để một lời khai của người bị buộc tội được chấp nhận tại Tòa án thì cần phải trải qua thủ tục đánh giá lời khai: “Due Process Voluntariness” (Trình tự đánh giá tính tự nguyện) hay là “Totality of the Circumstances test” (Kiểm tra tổng thể hoàn cảnh, tình huống) cũng như phải tuân thủ nguyên tắc “Fruit of the poisonous tree” (quả trên cây độc), nghĩa là chứng cứ được thu thập một cách bất hợp pháp sẽ bị loại trừ. Đây là một nguyên tắc đánh giá chứng cứ của Tòa án tại Hoa Kỳ. Theo đó, bất kỳ chứng cứ nào (quả) được thu thập trên cơ sở bất hợp pháp (cây độc) đều không có giá trị pháp lý để sử dụng tại Tòa án. Như vậy, một lời khai chỉ được sử dụng làm chứng cứ hợp pháp khi nó là lời khai tự nguyện được đánh giá qua hai bước: Kiểm tra người bị thẩm vấn có biết về quyền im lặng của mình hay không và kiểm tra tính tự nguyện của lời khai, cụ thể: (1) Kiểm tra người bị thẩm vấn có biết về quyền im lặng của mình hay không. Công việc của Tòa án ở giai đoạn này là kiểm tra xem người có thẩm quyền đã đưa ra cảnh báo Miranda cho người bị thẩm vấn trước mỗi cuộc thẩm vấn hay chưa? Nếu một cuộc thẩm vấn bắt đầu mà không có cảnh báo Miranda thì bất kỳ lời khai nào được đưa ra sau đó đương nhiên bị xem như là kết quả của sự cưỡng ép. Lời khai đó không thể được chấp nhận và sử dụng tại phiên tòa như là chứng cứ để buộc tội họ. (2) Kiểm tra tính tự nguyện của lời khai. Sau khi trải qua bước một, tại giai đoạn này, Tòa án Hoa Kỳ sẽ áp dụng các tiêu chuẩn không cố định được thay đổi tùy theo từng vụ án để xem xét các khía cạnh khách quan và chủ quan của cuộc thẩm vấn như cách thức thực hiện cuộc thẩm vấn; thời gian, địa điểm thẩm vấn; đặc điểm đối tượng thẩm vấn (có tự nguyện hay không)... Trường hợp người bị buộc tội viện dẫn quyền của mình giữa buổi thẩm vấn thì cuộc thẩm vấn phải được ngừng lại, mọi lời khai được đưa ra sau khi viện dẫn quyền im lặng sẽ đương nhiên được xem là sản phẩm không tự nguyện.
Từ thủ tục đánh giá tính hợp pháp của lời khai, có thể thấy có hai trường hợp vi phạm bảo đảm quyền im lặng có thể xảy ra ảnh hưởng đến kết quả khác nhau của việc đánh giá và sử dụng chứng cứ:
Thứ nhất, vi phạm liên quan đến việc người tiến hành thẩm vấn không thực hiện thông báo quyền im lặng cho người bị buộc tội. Trong trường hợp này, lời khai của người bị buộc tội đương nhiên bị xem là lời khai bất hợp pháp do bị cưỡng bức, không tự nguyện nên lời khai bị vô hiệu. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng: Trường hợp người thẩm vấn không thực hiện quyền im lặng, nhưng người bị buộc tội lại tự nguyện cho lời khai và thông tin từ lời khai đó dẫn đến thu thập được các chứng cứ khác thì các chứng cứ đó được chấp nhận tại Tòa án hay chứng cứ thu được từ nguồn độc lập khác chứ không phải từ “quả của cây độc” thì nó có thể không bị loại trừ.
Ví dụ: Theo lời khai của người bị buộc tội, cảnh sát vào nhà bất hợp pháp mà không có lệnh khám xét hợp lệ. Lệnh khám xét sau đó đã được thu thập dựa trên thông tin thực tế mà không dựa trên việc xâm phạm bất hợp pháp của cảnh sát thì Tòa án phán quyết rằng bằng chứng không cần thiết phải loại trừ, bất chấp việc khám xét bất hợp pháp.
Thứ hai, vi phạm liên quan đến sự cưỡng bức trong việc đưa ra lời khai. Lời khai được xem là cưỡng bức do sự tác động ép buộc sẽ không được sử dụng để buộc tội bị cáo tại Tòa án. Trong trường hợp này, Tòa án Hoa Kỳ sẽ xác định chứng cứ bị vi phạm tính tự nguyện do tác động làm thay đổi suy nghĩ khi khai báo hay vi phạm khi thể hiện chứng cứ, dù vi phạm theo hình thức nào thì chứng cứ đều bị loại bỏ, không được sử dụng vào việc buộc tội.
Ví dụ cho sự vi phạm này là Án lệ Wong Sun kiện United States, 371 US 471 (1963), theo đó, cơ quan công tố đã đưa “quả độc” vào làm bằng chứng chống lại bị cáo. Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã phán quyết rằng mọi thứ mà các sĩ quan phát hiện ra do vụ bắt giữ trái phép đều là “quả của một cây độc”: Không chỉ bản thân lời khai mà còn cả thông tin nhân chứng mà họ thu thập được từ đó và các “quả độc” khác mà nhân chứng đã làm cho cảnh sát thu thập được.
Về ngoại lệ của nguyên tắc “cây sinh quả độc” đó là việc chứng cứ được thu thập từ nguồn không hợp pháp vẫn có thể được sử dụng trong những trường hợp sau: (1) Nó được phát hiện là kết quả của một nguồn “không độc”; (2) Việc tìm ra chứng cứ đó là điều đương nhiên dù có nguồn gốc “độc”; (3) Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bất hợp pháp và chứng cứ bị phá vỡ là tính tự nguyện (ví dụ: Một người được thả tự do vì chứng cứ buộc tội vi phạm nguyên tắc cây sinh quả độc, nhưng sau đó người này quay lại thú nhận về hành vi của mình); (4) Bằng chứng thu được một cách thiện chí (ví dụ: Lệnh khám xét không hợp pháp do không dựa trên những điều kiện có thể xảy ra mà Cảnh sát đó đang làm việc thiện chí thì chứng cứ thu được vẫn có giá trị sử dụng).
Tóm lại, quyền im lặng là quyền cơ bản của người bị buộc tội được pháp luật Hoa Kỳ ghi nhận, thực tiễn qua các án lệ cho thấy quyền im lặng là cơ sở quan trọng để người bị buộc tội, thực hiện việc bảo vệ quyền của mình và tăng tỉ lệ bác bỏ chứng cứ buộc tội thông qua việc tìm ra các vi phạm tố tụng. Nội dung từ chứng cứ buộc tội bởi chính việc xuất hiện vi phạm về quyền im lặng thì Tòa án sẽ xem xét có thể sử dụng những chứng cứ khác thu thập được dựa trên thông tin của lời khai của người bị buộc tội hay không, từ đó quyết định việc họ có tội hay không./.
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
Bài viết chưa có bình luận nào.