Làm sao để chống lại cú lừa mạo danh cơ quan thực thi pháp luật?

30/03/2017 04:46

Từ nhiều năm trước các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tiếp đưa tin về những vụ mạo danh cơ quan công quyền, công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của giới tội phạm công nghệ cao.

Các thiệt hại từ những vụ lừa đảo đã lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Đây là hình thức lừa đảo tinh vi, phức tạp, ít để lại dấu vết, thậm chí có cả một đường dây trong và ngoài nước phối hợp nhắm tới các đối tượng nhẹ dạ, cả tin. Để cảnh báo người dân không mắc phải loại tội phạm này, PV đã có cuộc trao đổi với Trung tá Đào Trung Hiếu – Chuyên gia tội phạm học – Bộ Công an về kỹ năng phòng tránh bị rơi vào bẫy của các loại tội phạm trên.

PV: Thưa Trung tá, thời gian gần đây lại xuất hiện trở lại của nhiều vụ lừa đảo giả danh công an, nhân viên nhà mạng tiến hành lừa đảo người dân. Ông có thể cho biết những thủ đoạn mà loại tội phạm này vẫn đang sử dụng để lừa đảo?

Trung tá Đào Trung Hiếu: Theo báo cáo, chỉ riêng địa bàn Hà Nội, chỉ trong vòng 1 năm, từ cuối năm 2014 đến cuối năm 2015, Công an TP.Hà Nội đã nhận được 64 đơn trình báo của người dân, với tổng số tiền bị chiếm đoạt trên 42 tỷ đồng. Bình quân mỗi tháng xảy ra 5 vụ, tháng nhiều là 10 vụ. Vụ “nặng” nhất là 5,4 tỷ đồng. Theo các chuyên gia tội phạm học – Bộ Công an, đây là loại tội phạm công nghệ cao, có tổ chức chặt chẽ với thủ đoạn tinh vi.

Thủ đoạn của chúng là làm cho bị hại lâm vào trạng thái hoảng loạn, hoang mang không còn cách nào khác, buộc phải chuyển cho chúng toàn bộ số tiền mình có vào tài khoản của bọn chúng với lý do phục vụ công tác điều tra.
Xâu chuỗi lại các vụ án trên, tội phạm giả danh nhân viên tổng đài viễn thông, tiếp theo là giả danh công an để gọi điện lừa đảo người dân chuyển tiền vào tài khoản của bọn chúng là những vụ án diễn ra khá phổ biến. Mấu chốt trong thủ đoạn của chúng là “đánh” vào sự thiếu hiểu biết của nạn nhân về quy trình công tác của ngành Công an.

Các vụ án giả danh nhân viên tổng đài viễn thông, giả danh công an đều hoạt động rất chặt chẽ, kín đáo, độc lập, cơ động, dưới sự hướng dẫn của tên cầm đầu, thường là người nước ngoài từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Dưới tên cầm đầu là những nhóm lưu manh “nội địa”, có trách nhiệm thu mua gom giấy CMND, làm giả CMND, để lập ra hàng loạt thẻ thanh toán quốc tế với tài khoản đăng ký tại các ngân hàng ở Việt Nam, rồi chuyển ra nước ngoài cho chủ, để sử dụng vào việc lừa đảo chủ thuê bao điện thoại trong nước. Nhiều vụ chúng trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo đồng bào mình, rồi chuyển tiền ra nước ngoài cho các “ông trùm” để hưởng % hoa hồng.

Ban đầu chúng tìm kiếm thông tin gia đình nạn nhân trên mạng internet và các hình thức khác nhau. Khi đã biết được số cố định nhà riêng, biết được người thân của gia chủ ở nhà, chúng giả nhân viên tổng đài viễn thông, gọi điện đến cố tình gây cớ để moi móc thông tin.

Sau đó, tên đồng bọn thứ hai sử dụng các “giao thức VOI IP”, thông quan một phần mềm, giả lập được các số điện thoại của cơ quan Công an, tự xưng là cán bộ cơ quan Công an để gọi điện thoại internet để rung dọa nạn nhân. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, chúng lập tức rút hết tiền trong tài khoản tại nước ngoài, hoặc đồng bọn đến ngân hàng trong nước rút tiền rồi tẩu thoát.

mạo danh công an hoặc cơ quan thực thi pháp luật để lừa đảo
Trung tá Đào Trung Hiếu – Chuyên gia tội phạm học – Bộ công an.

PV: Để đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm này, người dân phải làm gì để tự bảo vệ mình, cũng như nhanh chóng nhận ra những cuộc điện thoại nặc danh có dấu hiệu khả nghi?

Trung tá Đào Trung Hiếu: Để nhận diện các cuộc điện thoại có dấu hiệu nghi vấn, trước hết người dân phải nắm được các quy trình hoạt động hành chính, quy trình làm việc của các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, tòa án… những cơ quan này làm việc là phải có giấy mời chứ không làm việc qua điện thoại.

Không có chuyện cơ quan pháp luật gọi điện đến công dân để dung dọa ép công dân phải đưa tiền. Nếu có yêu cầu giao nộp tài sản liên quan đế vụ án, người ta sẽ có những yêu cầu bằng công văn, bằng văn bản cụ thể hoặc có những văn bản yêu cầu giao nộp. Việc giao nộp được tiến hành tại trụ sở với những người có thẩm quyền về tố tụng hình sự người ta thu giữ.

Một điểm cần lưu ý nữa là cơ quan pháp luật, đặc biệt cơ quan điều tra không có tài khoản mang tên cá nhân. Trong khi đó đối tượng tội phạm luôn yêu cầu người dân chuyển tiền vào những tài khoản đứng tên cá nhân, đây chính là dấu hiệu người dân có thể nhận ra ngay thủ đoạn lừa đảo.

Khi nhận được những dấu hiệu bất thường trong các cuộc gọi. Tuyệt đối không được cung cấp thông tin cá nhân cũng như các thành viên trong gia đình cho người gọi điện, đặc biệt là thông tin tài khoản, tiền tiết kiệm có trong ngân hàng. Đặc biệt là không bao giờ được cầm tiền đến ngân hàng để chuyển tiền vào tài khoản mang tên cá nhân của đối tượng.
Một băng tội phạm lừa đảo qua điện thoại bị Công an triệt phá.
PV: Vậy khi nhận được những cuộc điện thoại nặc danh tự xưng là công an, nhân viên nhà mạng, ứng xử khôn ngoan nhất của người dân khi gặp trường hợp này như thế nào?

Trung tá Đào Trung Hiếu: Ứng xử không ngoan nhất khi nhận được những cuộc điện thoại lạ chính là nói thẳng và mặt đối tượng rằng bài này cũ rồi đồng thời thông báo lại cho người nhà và tìm cách gọi điện báo lại cho cơ quan công an. Nếu đối tượng tiếp tục gọi điện, có thể điện báo đến cơ quan công an, phối hợp cùng cơ quan này cho đối tượng “sập bẫy”.

PV: Theo ông, có các giải pháp nào để người dân có thể phòng tránh và nhanh chóng nhận biết những loại tội phạm dạng này?

Trung tá Đào Trung Hiếu: Về mặt giải pháp, theo cá nhân tôi, thì giải pháp hiện nay, cụ thể ở đây là Bộ Thông tin và Truyền thông cần chỉ đạo các nhà mạng viễn thông lớn, nhắn tin đến các thuê bao điện thoại để cảnh báo thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm. Từ những tin nhắn này, sẽ kịp thời ngăn chăn được những vụ lừa đảo bởi người dân có thể nhận biết và “đọc vị” ngay ra bọn tội phạm. Tiếp đó người dân có thể chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, đề nghị tăng cường thông tin về loại thủ đoạn phạm tội của loại tội phạm này để cảnh báo xã hội.

Bên cạnh đó, về phía các cơ quan pháp luật nên có sự phối hợp chặt trẽ với cơ quan báo chí để thông báo về các thủ đoạn phạm tội của loại tội phạm này để người dân đọc được và phòng tránh. Đây là việc hết sức quan trọng bởi như vậy khi người đọc được sẽ nâng cao nhận thức của người dân, từ đó các loại tội phạm sẽ hết cơ sở để tiến hành lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Công an các địa phương có thể kết hợp với chính quyền cơ sở, tổ chức tuyên tuyền trên các phương tiện thông tin tuyên truyền của phường thủ đoạn cảnh báo. Được biết là rất nhiều người già đã từng đọc được cảnh báo của chính quyền trên hệ thống loa phường đã rất tỉnh táo và không bị mắc bẫy của bọn tội phạm.

Điều cuối cùng, về phía ngân hàng, hiện nay ngành ngân hàng vì nhiệm vụ bảo vệ bảo mật thông tin khách hàng nên việc phối hợp với cơ quan điều tra chưa được chặt chẽ. Chẳng hạn khi người dân đến trình báo rằng tôi vừa gửi tiền vào đối tượng A này và phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, khi cơ quan công an gọi điện nóng đến ngân hàng đề nghị phong tỏa ngay, chặn dòng tiền lại thế nhưng lúc đó ngân hàng lại yêu cầu hàng loạt qua các thủ tục, mà những thủ tục này mất cả tuần với hoàn thành, trong khi đó chỉ trong một tích tắc không kịp thời ngăn chặn dòng tiền này thì mọi chuyện đã đi theo hướng khác. Đối với các tài khoản một tên nhưng lại mở quá nhiều tài khoản, hoặc nhiều giao dịch bất thường đổ về tài khoản một lúc rồi kết thúc giao dịch. Các ngân hàng cần xử lý, thậm chí đóng băng tài khoản.

Một giải pháp nữa là ngay tại các phòng giao dịch, tại sao chúng ta không dán luôn những tờ cảnh báo việc lừa đảo ngay tại những địa điểm này. Những việc này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân đối với các loại tội phạm như vậy.

Để đấu tranh và không bị mắc lừa và mất tiền vì những cuộc điện thoại nặc danh, chúng ta cần luôn luôn tỉnh táo với bất cứ cuộc điện thoại nào từ người lạ. Với sự nhận thức cao về thủ đoạn và phương thức phạm tội, người dân sẽ góp phần đẩy lui các hoạt động phạm tội này của bọn tội phạm.

Xin cảm ơn Trung tá!

Lại Cường

Người đưa tin

Giả Công an, dọa chủ thuê bao điện thoại chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng

Cơ quan CSĐT - Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND TP Hồ Chí Minh truy tố 13 bị can về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Khó chứng minh yếu tố vụ lợi để xử tội tham nhũng?

Theo quy định của luật, yếu tố vụ lợi lại không phải yếu tố quyết định xử lí hành vi về tội tham nhũng.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang