Kinh nghiệm nghiên cứu hồ sơ, tranh tụng tại phiên tòa các vụ án tham nhũng

06/02/2017 10:01

(kiemsat.vn)
Tập trung nghiên cứu hồ sơ vụ án tham nhũng là yếu tố quyết định đảm bảo cho quá trình tranh tụng có tính thuyết phục, được dư luận đồng tình ủng hộ, từng bước nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân và xây dựng hình ảnh người cán bộ Kiểm sát viên.

Tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, nhận hối lộ hoặc cố ý làm trái pháp luật vì động cơ vụ lợi gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước, tập thể và cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan tổ chức… Các chủ thể của tội phạm này luôn có thủ đoạn thực hiện hành vi và che giấu tội phạm hết sức tinh vi. Mặt khác, hành vi phạm tội của họ có liên quan đến nhiều cơ chế, chính sách kinh tế xã hội hiện hành nên việc kết luận tội phạm đòi hỏi phải có chứng cứ vững chắc, logic, khoa học và đầy đủ mới có sức thuyết phục.

Hiện nay đội ngũ Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử thông khâu nên rất thuận lợi cho việc tiếp cận tài liệu, nghiên cứu hồ sơ từ đầu đến giai đoạn chuẩn bị xét xử; nên yêu cầu đặt ra là phải nghiên cứu kỹ căn cứ pháp luật để áp dụng đánh giá toàn diện cả chứng cứ buộc tội, gỡ tội; phải nắm chắc quá trình tố tụng, diễn biến vụ án; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo; đặc điểm về nhân thân; tính chất và mức độ của hành vi phạm tội cũng như thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; vấn đề về định tội, đồng phạm… cần giải quyết triệt để. Nếu việc nghiên cứu hồ sơ tốt thì Kiểm sát viên hoàn toàn chủ động, tự tin bảo vệ quan điểm truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Trong từng vụ án cụ thể, Kiểm sát viên phải là người luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy nghiên cứu; phải đặt yêu cầu tuân thủ chấp hành pháp luật lên hàng đầu, phải có trình độ, năng lực phân tích và tổng hợp vận dụng kinh nghiệm thực tiễn, cơ chế chính sách giải quyết từng vấn đề để đưa ra được quan điểm bị cáo có tội hay không có tội, đã phạm tội gì, đường lối xử lý ra sao, không để xảy ra oan, sai, án phải trả lại hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung.

Trong vụ án có nhiều quan điểm khác nhau về định tội danh thì Kiểm sát viên phải biết dự kiến tình huống tranh tụng. Việc nghiên cứu phải toàn diện từ các thủ tục tố tụng đến diễn biến vụ án; chú ý ghi chính xác thời gian của các quyết định tố tụng; hỏi cung, lấy lời khai theo đúng qui định của pháp luật; làm rõ đồng phạm, tội phạm mới, vấn đề liên quan…

Vấn đề nghiên cứu bản kết luận điều tra, bản cáo trạng, hệ thống các chứng cứ, sắp xếp tài liệu cũng là những nội dung hết sức quan trọng phục vụ cho việc tranh tụng tại phiên tòa:

Từ năm 2011 đến năm 2015, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Hà Nam đã truy tố, thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm 12 vụ/26 bị cáo phạm tội về tham nhũng. Các vụ án được đưa ra xét xử đều thống nhất về tội danh, điều luật áp dụng, các Kiểm sát viên đã đáp ứng tốt với yêu cầu tranh tụng theo yêu cầu cải cách tư pháp, không có vụ án nào phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, quan điểm xử lý đúng người, đúng tội, đúng chính sách pháp luật được nhân dân đồng tình ủng hộ, có tác dụng giáo dục tuyên truyền pháp luật và phòng ngừa chung.

Từ kinh nghiệm nghiên cứu hồ sơ tranh tụng tại phiên tòa đối với các vụ án tham nhũng, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này như sau:

Một là, Lãnh đạo Viện cần tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành,  thường xuyên quán triệt, để nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc tranh tụng tại phiên tòa xét xử các vụ án tham nhũng cho đội ngũ Kiểm sát viên, từ đó định hướng chỉ đạo thực hiện việc tranh tụng có hiệu quả. Quán triệt để Kiểm sát viên nhận thức rõ tranh tụng tại phiên tòa không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ, nhằm đánh giá kết quả hoạt động của cả giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thể hiện tính công bằng, công khai, minh bạch trong hoạt động tố tụng, đảm bảo quyền con người, xét xử đúng người, đúng tội, đúng đường lối chính sách pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi cải cách tư pháp.

Hai là, đổi mới công tác phân công Kiểm sát viên kiểm sát thông khâu từ khi giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, khởi tố vụ án, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án tham nhũng. Khi được phân công, Kiểm sát viên cần chuẩn bị các văn bản, tài liệu liên quan đến việc bảo vệ quan điểm truy tố kết tội bị cáo và những vấn đề liên quan đến quan điểm giải quyết vụ án; lưu ý những tình tiết mới phát sinh có thể thay đổi một phần hay toàn bộ nội dung vụ án; cần xây dựng kế hoạch xét hỏi, tranh tụng luôn chú ý đến nguyên tắc suy đoán vô tội để tìm ra lý lẽ, dự đoán nội dung, những tình huống mà Luật sư, bị cáo sẽ tranh luận.

Ba là, cần có một hệ thống văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật đồng bộ trong việc xử lý tội phạm về tham nhũng: Thực tiễn cho thấy, nhóm tội theo các điều từ 280, 281, 282… của BLHS, việc giải thích về động cơ cá nhân, vụ lợi gây hậu quả như thế nào là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng… kể cả hậu quả phi vật chất chưa có hướng dẫn cụ thể, đầy đủ nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng. Tới đây, liên ngành tư pháp Trung ương cần sớm có hướng dẫn cụ thể để các địa phương vận dụng thực hiện.

Bốn là, đặc điểm của tội phạm về tham nhũng là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện với nhiều thủ đoạn che giấu tinh vi. Thực tiễn cho thấy, đa số các bị cáo chỉ thừa nhận hành vi phạm tội của mình và đồng phạm khi thấy cơ quan tiến hành tố tụng đã thu thập đầy đủ chứng cứ. Đối tượng thường sửa chữa, tiêu hủy tài liệu, lập chứng từ giả, đổ lỗi cho nhau rất khó khăn cho điều tra, xử lý. Do vậy, Kiểm sát viên phải chủ động tích cực kiểm tra tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa, như vậy, tranh tụng mới có sức thuyết phục cao.

Năm là, ngành Kiểm sát nhân dân và mỗi địa phương cần phối hợp thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo cho đội ngũ Kiểm sát viên kỹ năng tranh tụng tại các phiên tòa; thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng chuyên sâu, tập huấn thao tác kỹ năng tranh tụng về án tham nhũng. Các VKSND địa phương cần chú trọng kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm để nâng cao kỹ năng đối đáp của Kiểm sát viên.

Sáu là, mỗi Kiểm sát viên phải thường xuyên tự học, tự nghiên cứu cập nhật kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kiến thức quản lý kinh tế, xã hội, các lĩnh vực liên quan, tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện tác phong, thường xuyên rèn luyện khả năng phát hiện, tổng hợp, kỹ năng trình bày, cảm hóa, giáo dục bị cáo, thuyết phục người tham gia phiên tòa, có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, có tinh thần kiên quyết đấu tranh bảo vệ công lý, lắng nghe ý kiến đóng góp, chú trọng văn hóa ứng xử khi tranh tụng nhằm tăng thêm niềm tin của Đảng và nhân dân đối với ngành Kiểm sát nhân dân./.

Nguyễn Ngọc Tuyến

Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Nam

Nguồn: TCKS số 10/2016

Chống tham nhũng: Cần mở rộng diện công khai tài sản

(Kiemsat.vn) - Trong phiên làm việc ngày 6/11, nhiều ý kiến của Đại biểu Quốc hội trăn trở về việc thu hồi tài sản tham nhũng; đồng thời đưa ra những giải pháp cho vấn đề này.

Công khai tài sản của lãnh đạo để người dân giám sát: Cần làm ngay và làm thực chất

Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) - cho rằng, Ban Bí thư đưa ra Quyết định 99 về công khai tài sản của lãnh đạo để người dân giám sát là rất tốt, việc này cần làm và phải làm sát sao.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang