Hướng dẫn xác định quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án tranh chấp về di sản thừa kế

18/12/2018 14:46

(kiemsat.vn)
Vừa qua, TAND tối cao ban hành Công văn số 263/TANDTC-PC ngày 05/12/2018 gửi TAND các cấp, các đơn vị thuộc TAND tối cao cho ý kiến đối với việc xác định quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án tranh chấp về di sản thừa kế.

Cụ thể: Trong vụ án tranh chấp thừa kế tài sản mà trước ngày 01/01/2017 đã được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, trong đó Tòa án quyết định tạm giao cho người thừa kế tự quản lý di sản do hết thời hiệu 10 năm theo yêu cầu chia di sản thừa kế. Tuy nhiên, theo quy định của BLDS năm 2015 thì thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế đối với tài sản đó vẫn còn.

Vậy trong trường hợp này người kiện có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án đó hay không?

Ảnh minh họa (Internet)

Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, TAND tối cao có ý kiến như sau:

Trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, Tòa án chỉ quyết định tạm giao cho người thừa kế quản lý di sản và không quyết định việc phân chia di sản vì lý do thời hiệu yêu cầu chia di sản đã hết. Tuy nhiên, theo quy định của BLDS năm 2015, thời hiệu để yêu cầu chia di sản thừa kế đó vẫn còn thì phải xác định đây là trường hợp Tòa án chưa giải quyết việc phân chia di sản thừa kế.

Do đó, Tòa án không áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015 và hướng dẫn tại khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao để xác định người khởi kiện không có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án và trả lại đơn khởi kiện. Trường hợp này, người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688, khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015 và điểm d khoản 3 Điều 192 BLTTDS năm 2015.

Điều 623. Thời hiệu thừa kế
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

...

Điều 192. Trả lại đơn khởi kiện, hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện

...

3. Đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại trong các trường hợp sau đây:
a) Người khởi kiện đã có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;
b) Yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại;
c) Đã có đủ điều kiện khởi kiện;
d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Xem toàn bộ văn bản tại đây

Xem thêm >>>

Hướng dẫn tống đạt, thông báo văn bản tố tụng dân sự

TAND tối cao tuyển dụng chuyên viên Công nghệ thông tin

Bản tin Kiểm sát ngày 17/12

(Kiemsat.vn) - Những hoạt động của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và VKSND các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, là nội dung của bản tin ngày hôm nay.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang