Từ 01/7/2019: Thanh tra, kiểm toán không phát hiện được tham nhũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
(kiemsat.vn) Cùng một nội dung, nếu các cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện có vụ việc tham nhũng, nhưng lực lượng thanh tra, kiểm toán không phát hiện ra, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các trường hợp được tạm dừng cưỡng chế thuế
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Gấp rút chấn chỉnh đạo đức nhà giáo toàn ngành
Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019, một trong những điểm mới của Luật Phòng, chống tham nhũng là đã quy định rõ việc xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Quy định này nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước trong phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Cụ thể, Luật giao Thanh tra Chính phủ thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng do người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, doanh nghiệp Nhà nước thực hiện; người công tác tại Thanh tra Chính phủ thực hiện.
Thanh tra bộ, thanh tra tỉnh thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng do người công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện.
Thanh tra tỉnh thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng do người công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thực hiện.
Các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng tại các cơ quan, tổ chức có quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo phân công của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Luật quy định, trường hợp phát hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng thì người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán phải chỉ đạo xác minh, làm rõ tính chất, mức độ của hành vi tham nhũng; khi có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay nội dung, tài liệu, đồ vật có liên quan và kiến nghị cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.
Điều 64, Luật Phòng, chống tham nhũng nêu rõ hai trường hợp:
Thứ nhất, trường hợp sau khi kết thúc thanh tra, kiểm toán mà cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện có vụ việc tham nhũng xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tiến hành thanh tra, kiểm toán về cùng một nội dung thì Trưởng đoàn thanh tra, Trưởng đoàn kiểm toán, thành viên đoàn thanh tra, thành viên đoàn kiểm toán và cá nhân có liên quan đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trước đó nếu có lỗi thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, trường hợp đoàn thanh tra, đoàn kiểm toán nếu đã phát hiện, báo cáo về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nhưng người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán không xử lý thì Trưởng đoàn thanh tra, Trưởng đoàn kiểm toán, thành viên đoàn thanh tra, thành viên đoàn kiểm toán và cá nhân có liên quan không phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Xem thêm>>>
Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi): Chưa bổ sung quy định xử lý tài sản không rõ nguồn gốc
Bài viết chưa có bình luận nào.