Họp Ủy ban thường vụ Quốc hội về Luật Giáo dục (sửa đổi): Đặc biệt quan tâm tới cấp mầm non
(kiemsat.vn) Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng ngày 12/9, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận về Luật Giáo dục (sửa đổi). Theo đó, Luật sửa đổi lần này bổ sung hai chính sách mới đối với giáo dục mầm non.
Hôm nay bắt đầu phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chung tay xây dựng cộng đồng ASEAN trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0
Trình bày Báo cáo tóm tắt về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) về cơ bản kế thừa cấu trúc còn phù hợp của Luật Giáo dục hiện hành, sắp xếp các chương, mục, điều phù hợp hơn với tính chất và nội dung của dự thảo Luật. Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có 10 Chương, 119 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 70 điều, tăng 34 điều so với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết thêm, Dự luật lần này có bổ sung thêm hai chính sách mới: Không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập; nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ Trung cấp sư phạm lên Cao đẳng sư phạm.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày tại phiên họp (Ảnh: Quochoi.vn) |
Về vấn đề học phí, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đến nay Nhà nước mới chỉ thực hiện việc miễn học phí đối với giáo dục tiểu học, còn giáo dục trung học cơ sở, trẻ em mầm non 5 tuổi (học sinh thuộc diện phổ cập) vẫn phải đóng học phí. Điều này gây khó khăn cho việc động viên trẻ đến trường, nhất là ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Vì vậy, trên cơ sở đánh giá tác động chính sách và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng; đảm bảo quyền bình đẳng trong giáo dục của người học thuộc diện phổ cập tại trường công lập và ngoài công lập; thể hiện tinh thần Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em và giảm bớt gánh nặng chi phí cho nhiều gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn khi cho con thuộc diện phổ cập đến trường.
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định về học phí tại khoản 1 Điều 95 như sau: “Học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Mức thu học phí được xác định theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo do Chính phủ quy định. Trẻ em mầm non năm tuổi, học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí. Cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở công lập được Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động để thực hiện phổ cập giáo dục. Trẻ em mầm non năm tuổi cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tương đương mức ngân sách cấp chi thường xuyên tính bình quân trên một học sinh của cơ sở giáo dục công lập cùng cấp trên địa bàn. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc không thu học phí đối với trẻ em mầm non năm tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập; hỗ trợ tiền đóng học phí cho trẻ em mầm non năm tuổi cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường tư thục”.
Thêm một chính sách mới đối với cấp mầm non được các đại biểu quan tâm, thảo luận đó là việc nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ Trung cấp sư phạm lên Cao đẳng sư phạm. Với chính sách này, người đứng đầu ngành Giáo dục nêu rõ, ở Việt Nam hiện nay, tổng số giáo viên mầm non (bao gồm cả nhà trẻ và mẫu giáo) là 337.488 giáo viên, trong đó số lượng giáo viên đạt chuẩn trình độ trung cấp trở lên là 332.403 giáo viên (chiếm 98,5%). Nếu tính đạt trình độ từ cao đẳng trở lên thì số lượng giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn là 107.150 (chiếm 33,8%). Do đó, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định: “Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non”. Đồng thời, để chính sách khả thi, Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo chưa đạt chuẩn đến ngày 01/01/2026.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến (Ảnh: Quochoi.vn) |
Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt ra vấn đề dự thảo sửa đổi lần này có rất nhiều chính sách mới, rất rộng; nếu thực hiện chính sách này thì nguồn lực ngân sách có đảm bảo được không? Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đối với những chính sách mới có liên quan đến tài chính, ngân sách thì cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, có lộ trình nhất định để đảm bảo cho nguồn ngân sách quốc gia hiện đang còn eo hẹp.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ tác động của các chính sách mới đối với ngân sách nhà nước, trong khi Luật Giáo dục sửa đổi vẫn xác định dành tối đa 20% ngân sách nhà nước cho giáo dục nhưng lại mở ra nhiều chính sách mới có liên quan về ngân sách, điều này có đảm bảo tính khả thi hay không? Ngoài ra, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đặt ra vấn đề, việc Luật sửa đổi lần này bổ sung thêm chính sách mới là nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ Trung cấp sư phạm lên Cao đẳng sư phạm, vậy thì liệu các trường trung cấp sư phạm có tồn tại được hay không, cách giải quyết đối với những người đang đào tạo trung cấp sư phạm hiện nay như thế nào?
Bên cạnh đó, còn một số ý kiến của cử tri hết sức bức xúc với việc Sách giáo khoa “sử dụng một lần” dù nội dung tái bản của năm sau y hệt năm trước, gây lãng phí và đề nghị trong lần sửa đổi Luật Giáo dục này cần quan tâm tới nội dung trên.
Trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phối hợp với Bộ Giáo dục và đào đạo, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà giáo dục nghiên cứu hoàn thiện dự án Luật này đảm bảo vừa mang tính quy phạm vừa mang tính khả thi khi đi vào cuộc sống.
Xem thêm>>>
Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành việc thành lập VKSND thành phố Phúc Yên
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi)
-
1Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn
-
2Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ 18
-
3Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
-
4Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
-
5VKSND tối cao thông qua dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Bài viết chưa có bình luận nào.