Hơn 200,000 ca ung thư/năm, một phần nguyên nhân từ thực phẩm bẩn
(kiemsat.vn) – Ngày 05/6, Quốc hội dành cả ngày thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Nhiều đại biểu đã đưa ra những số liệu đáng báo động cũng như những băn khoăn, lo lắng về tình hình an toàn thực phẩm (ATTP) hiện nay .
Tinh giản biên chế sẽ hoàn thành đúng lộ trình nếu quyết tâm vì lợi ích chung
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí tiếp xúc cử tri Quận 10 ngay sau kỳ họp Quốc hội
Đầu tư xây dựng đường sắt được hưởng ưu đãi về đất đai
Quá nhiều trăn trở
Báo cáo của Chính phủ giai đoạn 2011-2016 thống kê cho thấy, đã xảy ra 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm, với 30.395 người mắc, 164 người chết. Tuy nhiên theo Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai – Tiền Giang cho rằng đây chỉ là phần nổi của tảng băng ngộ độc thực phẩm. Vì thực tế xảy ra với mỗi cá nhân, mỗi gia đình, đại biểu này tin chắc rằng hàng năm chúng ta có hàng chục triệu ca tiêu chảy liên quan tới thực phẩm và người dân tự xử lý không được các cơ sở y tế ghi nhận. Bên cạnh đó, còn hàng loạt bệnh tật nguy hiểm khác phát sinh từ việc tích tụ chất bẩn, chất độc hàng ngày thông qua thực phẩm không an toàn.
Cùng quan điểm với Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đồng Tháp cho biết số liệu về những ca ngộ độc thực phẩm thấp hơn nhiều so với thực tế, các ca bệnh rải rác trong dân thì không có trong thống kê. Theo tài liệu đại biểu thu thập được thì trung bình có tới 76 người chết do các bệnh truyền qua thực phẩm bẩn mỗi ngày mà không phải như báo cáo, đề nghị Đoàn Giám sát xem lại số liệu để làm rõ vấn đề, giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn, có trách nhiệm hơn với việc chống lại thực phẩm bẩn.
Trẻ em, thế hệ tương lai đang bị đầu độc hàng ngày ngay tại cổng trường học là băn khoăn của Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo – Nam Định. Theo bà, hơn 20 triệu học sinh là đối tượng tiềm ẩn bị đầu độc bởi các loại thực phẩm rẻ tiền, có loại có cách thức đóng gói bao bì rất bắt mắt và tiện dụng, có loại được tẩm ướp hóa chất có gia vị hợp với khẩu vị của trẻ em lại bày bán một cách công khai nên các em có thể mua được chúng rất dễ dàng. Bà Thảo bức xúc: “Do đâu mà tình trạng thực phẩm bẩn bủa bây quanh trường học như hiện nay lại chưa được quan tâm đúng mức?”
Đại biểu Lưu Trọng Nhân – Bình Định lại có một góc độ quan tâm khác về thực phẩm bẩn. Đại biểu nêu rõ theo số liệu báo cáo tại diễn đàn chính sách ATTP Việt Nam hiện nay thực trạng và giải pháp cho thấy hàng năm Việt Nam bỏ ra không dưới 770 triệu USD để nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật với 4.100 chủng loại khác nhau và có 90% số đó được nhập từ Trung Quốc. Điều đáng nói ở đây là Trung Quốc chỉ có 630 loại thuốc bảo vệ thực vật được phép lưu hành. Chỉ tính trong 2 tháng đầu năm 2017, tổng giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu là 129 triệu USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Đó là con số được cấp phép, còn số lượng nhập qua đường tiểu ngạch, nhập lậu từ biên giới vẫn không thể kiểm soát hết được. Đây là cái gốc của mọi nguyên nhân. “Số lượng hóa chất đó đi đâu, được sử dụng làm việc gì. Liệu có quá khi nói rằng chúng ta đang tự đầu độc chính mình?”. Quốc hội nghĩ gì khi báo cáo của đoàn giám sát cho rằng mỗi năm có khoảng 70,000 người chết vì ung thư và hơn 200,000 ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đồng Tháp
Chồng chéo các văn bản quản lý nhà nước về ATTP
Quá nhiều cơ quan có nhiệm vụ phòng chống thực phẩm bẩn, quản lý ATTP. Có thể đơn cử việc quản lý chất lượng bún đang được cả 3 bộ chịu trách nhiệm. Nguyên liệu, bột gạo ướt để làm bún thuộc trách nhiệm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sản phẩm, tinh bột thuộc về Bộ Công thương, sản phẩm bún bán trên thị trường nếu có chứa chất Tinopal gây ngộ độc cho người tiêu dùng thì trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế.
Dẫn chứng trên chỉ nhằm một lần nữa nói lên thực trạng ATTP đang gây nhức nhối trong toàn xã hội nhưng chưa có được một giải pháp căn cơ, triệt để, bởi từ khâu nhập, mua bán, sử dụng đến kiểm soát người sản xuất, kinh doanh và cả chính sách quản lý vẫn còn quá nhiều hạn chế, bất cập.
“Có 158 văn bản của Trung ương, 669 văn bản của địa phương, tôi cộng sơ bộ lại là chúng ta ra được 827 văn bản trong 5 năm để định hướng cho các đơn vị, các địa phương quản lý về an toàn thực phẩm”. Tuy nhiên theo đại biểu Nguyễn Quang Tuấn – Hà Nội thì trong Báo cáo thẩm tra của Quốc hội cho thấy rằng việc chúng ta có quá nhiều văn bản nên gây chồng chéo, thậm chí rất nhiều văn bản không phù hợp với luật hiện hành. Ông Tuấn cũng khẳng định chúng ta đang thiếu trầm trọng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đây chính là thước đo, chính là công cụ để các cơ sở, các địa phương tiến hành quản lý an toàn thực phẩm.
Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày trước Quốc hội
Xung quanh điều 6 của Dự thảo Nghị định, nhiều đại biểu hết sức băn khoăn vì mức thưởng 20 đến 30% tiền phạt trong lĩnh vực ATTP. Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng – Bình Dương đề nghị đoàn giám sát cho biết căn cứ vào đâu chúng ta trích 20% đến 30% để khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích trong quản lý. “Chúng ta phải đánh giá tác động, nếu tác động được khoản kinh phí này dành cho khen thưởng đạt hiệu quả thì chúng tôi ủng hộ, nếu không đạt hiệu quả phải nghiên cứu lại điều này”.
Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì lại trình bày đã trình nhiều lên Chính phủ, tuy nhiên lực lượng, biên chế cho ngành ATTP không được duyệt. “Bắc Kinh có tới 5,000 cán bộ phòng chống ATTP, Băng Cốc có tới 3,000 cán bộ. Trong khi chúng ta chỉ toàn kiêm nhiệm, thiếu người nên việc toàn tâm toàn ý công tác là khó”.
Chế tài chưa nghiêm hay do khâu tổ chức thực hiện?
Kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong giai đoạn 2011 – 2016 cho thấy cả nước tiến hành kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm pháp luật về VSATTP, chiếm 20,3%. Tuy nhiên, mới chỉ có 136.545 cơ sở bị xử lý, chiếm 20,1%, trong đó phạt tiền 55.714 cơ sở với số tiền 133.905.925.136 đồng.
Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định rõ tội danh và chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm pháp luật VSATTP. Theo đó, người vi phạm ở mức độ nghiêm trọng có thể bị phạt từ 7 – 15 năm tù. Riêng đối với hành vị sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh sẽ cấu thành tội ngay mà không cần phải gây hậu quả, đối với tội danh này có thể phải nhận mức án chung thân hoặc tử hình nếu ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng. “Tức là chúng ta đã có luật, có chế tài và vấn đề vướng mắc ở đây chỉ là khâu tổ chức thực hiện yếu kém“, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nhận định.
Sơn Tùng
Hàng trăm cán bộ ngân hàng bị khởi tố hình sự, nợ xấu vẫn là “cục máu đông”
Hơn 96% bệnh nhân ung thư phổi là do hút thuốc
-
1Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn
-
2Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ 18
-
3Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
-
4Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
-
5VKSND tối cao thông qua dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Bài viết chưa có bình luận nào.