Hội thảo khoa học “Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận và dòng họ khoa bảng Nguyễn Huy – làng Sủi, Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội”

28/12/2018 15:34

(kiemsat.vn)
Sáng 28/12, tại Tiền đường Nhà Thái học – Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức Hội thảo khoa học “Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận (1678 – 1758) và dòng họ khoa bảng Nguyễn Huy – làng Sủi, Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội” nhằm đánh giá những đóng góp của Danh nhân Nguyễn Huy Nhuận đối với sự nghiệp văn hóa, chính trị nhân dịp 340 năm năm sinh của ông.

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Tham dự Hội thảo có các đồng chí Nguyễn Huy Việt, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm; Tiến sĩ Nguyễn Viết Trúc, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thăng Long; Giáo sư Lê Văn Lan; Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cùng các nhà nghiên cứu của Viện Sử học, Viện nghiên cứu Hán nôm, Viện Văn học, Viện Nghiên cứu tôn giáo và đại diện của hậu duệ dòng họ Nguyễn Huy trong cả nước.

Trước khi bước vào nội dung chính, toàn thể các đại biểu tham dự Hội thảo đã tiến hành Lễ dâng hương tôn vinh các bậc tiên thánh, tiên hiền của Nho học và các nhà khoa bảng họ Nguyễn Huy.

Các đại biểu tiến hành Lễ dâng hương tôn vinh các bậc tiên thánh, tiên hiền của Nho học và các nhà khoa bảng họ Nguyễn Huy

Theo Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo của Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám thì: Danh nhân Nguyễn Huy Nhuận (1678 – 1758) còn có tên là Nguyễn Quang Nhuận, người làng Sủi, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Năm 26 tuổi, ông đỗ Tiến sĩ khoa Quý Mùi niên hiệu Chính Hòa 14 (1703) đời vua Lê Hy Tông. Trong thời gian tại nhiệm, ông đã từng nắm giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình Lê – Trịnh như: Phó Đô Ngự sử; Tả thị lang Bộ Hình; Tả thị lang Bộ Binh; Thượng thư Bộ Công; Thượng thư Bộ Lễ, hàm Thiếu phó, được vào phủ làm Tham tụng. Đương thời, ông nắm giữ cả việc quân việc dân, cai quản tướng sĩ, khuyên răn quan lại, yên dân, dẹp giặc có nhiều công lao, được thăng Thượng thư Bộ Hộ kiêm Thượng thư Bộ Binh, hàm Thái bảo, vào hầu giảng tòa Kinh Diên, Tri Quốc Tử Giám.

Năm Mậu Dần niên hiệu Cảnh Hưng (1758) ông mất, thọ 81 tuổi. Sau khi mất ông được truy tặng chức Đại Tư mã. Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận có hoài bão đem tài năng phụng sự đất nước, hết lòng phò tá nghiệp nhà Lê. Sử thần Phan Huy Chú xếp ông là “Người phò tá có công lao tài đức” thời Lê Trung hưng.

Nối tiếp dòng mạch khoa bảng mà Nguyễn Huy Nhuận khai mở, dòng họ Nguyễn Huy còn có 4 vị đại khoa là Tiến sĩ Nguyễn Huy Mãn (đỗ năm 1721), Tiến sĩ Nguyễn Huy Thuật (đỗ năm 1733), Tiến sĩ Nguyễn Huy Dận (đỗ năm 1748), tiến sĩ Nguyễn Huy Cận (đỗ năm 1760). Dòng họ Nguyễn Huy còn có 13 vị Nho sinh, 06 vị Hiệu sinh và một bậc kỳ tài kiệt xuất trong dòng văn học Nôm là thi nhân Nguyễn Huy Lượng. Phát huy truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa đó, từ năm 1945 đến nay, dòng họ Nguyễn Huy đã có trên 356 Cử nhân, 66 Thạc sĩ, 40 Tiến sĩ, 02 Giáo sư, 10 Phó Giáo sư. Dù hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng tựu trung lại thì đời nào, thế hệ nào cũng góp phần không nhỏ trong việc xây dựng quê hương, đất nước.

Đồng chí Nguyễn Huy Việt, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo đã nhận được 27 bài tham luận của các nhà khoa học, các đại biểu đến từ nhiều trung tâm nghiên cứu và quê hương, dòng họ Nguyễn Huy. Các bài tham luận chủ yếu tập trung thảo luận vào một số nội dung: Tài năng, phẩm chất của Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận; vai trò, vị trí và những đóng góp của các nhà khoa bảng dòng họ Nguyễn Huy với quê hương đất nước; bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa dòng họ Nguyễn Huy trong thời đại ngày nay. Các tham luận đều khẳng định Phú Thị là một vùng đất trù phú “địa linh nhân kiệt” nên đã sản sinh ra nhiều nhân tài, tuấn kiệt. Với những góc nhìn khác nhau, cách tiếp cận khác nhau, các tác giả đều rút ra những nhận định, đánh giá cao những đóng góp của Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận và các nhà khoa bảng của dòng họ đối với quê hương, với đất nước trên các lĩnh vực.

Đánh giá về Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận và truyền thống khoa bảng dòng họ Nguyễn Huy ở làng Sủi, Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội, Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu cho rằng: Danh nhân Nguyễn Huy Nhuận là người đã để lại những dấu ấn trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn học, và đặc biệt là sự nghiệp giáo dục, đào tạo ở thế kỷ XVIII. Tri Quốc Tử Giám Nguyễn Huy Nhuận, một người Thầy đóng vai trò quan trọng với sự nghiệp “bồi dưỡng nhân tài để cho nhà nước dùng” tại trường Giám, là tấm gương sáng cho đời sau, cho quê hương, dòng họ. Người ưu tú của dòng họ, là người khai hoa của dòng họ Nguyễn Huy của làng Sủi, Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội đã để lại di sản quý báu, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ cho các thế hệ con cháu của dòng họ tiếp tục bồi đắp, làm giàu thêm truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

pv

Hà Nội: Đường dây nóng vận tải dịp Tết 2019

(Kiemsat.vn) - Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội vừa công khai đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý các thông tin về vận tải, an toàn giao thông hành khách dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Cảnh báo nguy cơ cao xâm nhiễm các dịch bệnh nguy hiểm dịp Tết

(Kiemsat.vn) - Trước tình hình động vật nhập lậu có xu hướng tràn biên vượt về Việt Nam vào dịp cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) vừa phát đi công điện khẩn đề nghị các Bộ, ngành cùng các địa phương vào cuộc.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang