Hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trước ngày 31/12/2024

04/04/2024 10:06

(kiemsat.vn)
Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngày 02/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP kèm theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, mục đích của Chương trình hành động nhằm tiếp tục quán triệt các chủ trương, yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW và Kết luận số 62-KL/TW; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan chức năng, đơn vị sự nghiệp công lập và nhân dân, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo sự thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để tiếp tục thực hiện nghiêm quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập, hoàn thiện pháp luật, bảo đảm khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW gắn với các chủ trương của Đảng có liên quan.

Chương trình hành động phải bảo đảm yêu cầu bám sát Kết luận số 62-KL/TW để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW và phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021, bảo đảm các đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp phải có tổ chức bộ máy phù hợp, cơ cấu đội ngũ cán bộ, viên chức gắn với vị trí việc làm, phương thức quản lý theo hướng tiên tiến, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - công nghệ; hiệu quả hoạt động được đánh giá dựa trên sản phẩm, kết quả công việc.

Đối với bộ, ngành, phấn đấu giảm 13,5% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành so với năm 2021, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trước 31 tháng 12 năm 2024.

Các bộ, ngành, địa phương đã đạt mục tiêu giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2015 - 2021 thì tiếp tục thực hiện việc sắp xếp để bảo đảm đến năm 2025 giảm tối thiểu bình quân cả nước 20% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015. Các bộ, ngành, địa phương đã đạt mục tiêu giảm tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2015 - 2025 thì tiếp tục rà soát, đẩy mạnh sắp xếp để thu gọn đầu mối, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW đặt ra đến năm 2030 theo yêu cầu tại Kết luận số 62-KL/TW.

Đối với biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, thực hiện theo lộ trình tinh giản biên chế của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị.

Phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính. Đối với bộ, ngành, phấn đấu đạt trên 60% đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần; tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016 - 2020. Đến năm 2030: Phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025; giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 - 2025.

Để đạt được các mục tiêu đặt ra, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý, đồng thời làm tốt công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tạo sự thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao để tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW và các chủ trương, quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Hoàn thiện pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW gắn với các chủ trương của Đảng có liên quan. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế được giao; hoàn thiện pháp luật về quản lý tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện pháp luật về quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; về hoàn thiện cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. 

Nội dung Chương trình nêu rõ, các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực. Ban hành hoặc rà soát sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) theo ngành, lĩnh vực làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đối với từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công.

Bộ Tài chính hoàn thành việc xây dựng, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, làm cơ sở để các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng Đề án tự chủ, báo cáo bộ, ngành, địa phương phê duyệt. Các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định.

Về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 19-NQ/TW, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả hoặc không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện thành lập.

Đối với các bộ, ngành, Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu gắn với chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khác, yêu cầu các bộ, ngành chủ động xây dựng phương án chuyển về địa phương hoặc về bộ quản lý ngành, lĩnh vực để thống nhất đầu mối quản lý.

Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo và phê duyệt Đề án tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý, trong đó cần xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân lực, cơ chế tài chính với lộ trình nâng cao mức độ tự chủ về tài chính phù hợp với lộ trình tính đủ giá dịch vụ theo quy định, tiến tới giao tự chủ hoàn toàn đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có thu, tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp công lập phát triển ổn định, bền vững; đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, xác định rõ số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng với mức độ tự chủ về tài chính của đơn vị.

VKSND tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc thi: Báo cáo án bằng sơ đồ tư duy trong lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính

(Kiemsat.vn) - Ngày 29/3/2024, VKSND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức vòng chung kết Cuộc thi “Báo cáo án bằng sơ đồ tư duy trong lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính” năm 2024.

Một số vấn đề về công chứng hợp đồng ủy quyền

(Kiemsat.vn) - Việc lập và công chứng hợp đồng ủy quyền được coi là căn cứ pháp lý và là chứng cứ xác thực, tin cậy cho việc thực hiện các giao dịch do người đại diện theo ủy quyền thực hiện nhân danh người ủy quyền. Trên thực tế, việc công chứng hợp đồng uỷ quyền ngày càng tăng, phát sinh không ít những vướng mắc, bất cập liên quan đến chủ thể, đối tượng của hợp đồng ủy quyền; quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia giao kết hợp đồng ủy quyền.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang